Ngày ấy... bây giờ
Kinh tế - Ngày đăng : 05:11, 02/03/2015
Hơn một thế kỷ qua “phố huyện Thanh Lâm” đã chứng kiến những bước thăng trầm của nơi được coi là trung tâm hành chính, kinh tế - văn hóa của huyện.
Một góc thị trấn Nam Sách hôm nay
Thị trấn 132 tuổi
Người dân Nam Sách vẫn trìu mến gọi thị trấn của mình là “phố huyện Thanh Lâm”. Thanh Lâm xưa là một trong các huyện thuộc phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương). Theo sử sách ghi chép lại, năm Thành Thái thứ 5 (1893), huyện lỵ Thanh Lâm được chuyển từ xã Thanh Quang về xã Mạn Nhuế (gồm các thôn Nội Hưng, Vạn Niên, Nhân Hậu, một phần của thị trấn Nam Sách ngày nay). Sự chuyển dịch lỵ sở đã mở ra cơ hội phát triển mới cho mảnh đất này. Thay vì đắp thành lũy như khi ở Thanh Quang, lỵ sở mới của huyện Thanh Lâm không còn hào, lũy mà hình thành nên một thị tứ, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của huyện. Ở đây có “phủ đường”, “huyện đường”, đồn binh, các cơ quan của chính quyền bảo hộ, lại có cả chợ huyện Thanh Lâm là nơi tập trung buôn bán sầm uất, có trường học của phủ Nam Sách (Trường Tiểu học Việt Pháp)... và những dãy phố với các cửa hiệu, tiệm thuốc, những căn gác 2 tầng, căn nhà mái ngói khang trang…
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, huyện Thanh Lâm được đổi tên thành huyện Nam Sách. Tháng 4-1946, xã Thanh Lâm được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã Mạn Nhuế, Vạn Niên và Nhân Lý. Thanh Lâm tiếp tục là nơi đặt lỵ sở của huyện.
Không chỉ là trung tâm kinh tế, phố huyện Thanh Lâm còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Theo Lịch sử Đảng bộ thị trấn Nam Sách, thời phong kiến, các xã Mạn Nhuế, Nhân Lý xưa (thuộc thị trấn Nam Sách ngày nay) có 14 vị đỗ tiến sĩ, trạng nguyên, hoàng giáp. Theo văn bia tại đình làng Nhân Lý, làng có 15 vị đỗ đại khoa qua các kỳ khoa cử. Có gia đình cả ông và cháu cùng đỗ đạt: ông Phạm Bá Khuê đỗ hoàng giáp năm 1453, cháu Phạm Bá Dương đỗ tiến sĩ năm 1493.
Đây cũng là vùng quê cách mạng với các hoạt động yêu nước, chống Pháp diễn ra từ rất sớm, nổi bật nhất là việc hưởng ứng phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục của cụ Nguyễn Trọng Thuật, hoạt động ủng hộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, phát triển phong trào Việt Minh... Phố huyện Thanh Lâm là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện ngày 19-8-1945. Trong các cuộc kháng chiến, đã có gần 1.000 người con của thị trấn lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, 123 người đã anh dũng hy sinh.
Ước vọng phát triển
Ông Nguyễn Trọng Tấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn trầm tư: “Thị trấn của chúng tôi vẫn đang thay đổi từng ngày. Người đông hơn, đất rộng hơn, đường đi lối lại phong quang, sạch sẽ hơn. Những ngày Tết, phố xá lại rực lên sắc đỏ của cờ, của đèn, tươi vui, đầm ấm lắm. Nhưng… giọng ông Tấn như chùng xuống, lớp người như chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trấn có sự bứt phá mạnh mẽ hơn…”.
Không phải vô cớ mà ông Tấn và những người mến yêu thị trấn Nam Sách ước mong như thế. Ngay từ khi chỉ là một xã thuộc huyện Nam Sách, nhiều người dân vẫn mặc nhiên coi “phố huyện Thanh Lâm” là thị trấn bởi sự “tỏa sáng” của nơi đây trong phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục. Trong ký ức của ông Tấn, có một thời, cả khu phố Nguyễn Quốc Trị ngày nay là những cửa hàng may mặc. Dân từ các huyện Thanh Hà, Chí Linh, Cẩm Giàng đều về đây may quần áo dù nguồn vải rất hiếm. Chợ huyện Thanh Lâm ngày xưa là nơi tập trung sản vật của khắp các vùng lân cận, như khoai Bạch Đa (An Lâm), cá Thái Tân, rau muống làng Lý, rồi cả các nông sản của Thanh Hà, Chí Linh, đồ hải sản của Hải Phòng, nước mắm Nghệ An... Bến Vạn xưa (khu vực cầu Giao ở thị trấn ngày nay) ngày đêm tấp nập thuyền từ Hải Phòng, Nghệ An mang theo hàng hóa về đây trao đổi. Sau khi hòa bình lập lại, thị trấn vẫn là nơi phát triển mạnh về kinh tế, nhất là tiểu, thủ công nghiệp. Thời kỳ cao điểm, thị trấn có tới 4-5 HTX với vài nghìn lao động như HTX Ánh Hồng chuyên thêu ren, HTX Chiến Thắng sản xuất gạch ngói, HTX may mặc Thống Nhất, HTX Đoàn Kết chuyên đan nan cót phục vụ các cửa hàng lương thực… Những năm 1960-1980, trong khi “nông nghiệp được coi là mặt trận hàng đầu”, cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn đã mạnh dạn tập trung phát triển tiểu, thủ công nghiệp. Sự “khác người” này ban đầu vấp phải nhiều khó khăn, nhưng sau đó, với kết quả nổi bật đạt được trong sản xuất hàng hóa, thị trấn Nam Sách đã trở thành điểm sáng, là điển hình tiên tiến toàn huyện với nhận định: “Phải làm tiểu, thủ công nghiệp như Thanh Lâm”.
Tiếp nối truyền thống ấy, ngày nay thị trấn Nam Sách vẫn xác định mũi nhọn phát triển kinh tế là hoạt động thương mại, dịch vụ. Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết, thương mại, dịch vụ hiện chiếm hơn 60% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn. Toàn thị trấn có 1.260 cơ sở hoạt động dịch vụ, thương mại với 2.671 lao động, trong đó phát triển mạnh nhất là dịch vụ giải trí, viễn thông, vận tải. Giá trị dịch vụ, thương mại năm 2014 đạt 302.000 triệu đồng, tăng 6% so với năm 2013. Từ năm 2010 đến nay, thị trấn đã tập trung đầu tư hơn 26 tỷ đồng xây dựng nhiều hạng mục công trình, đem lại diện mạo mới cho các khu dân cư, các trường học trên địa bàn. Hiện 2 trường mầm non và trường tiểu học của thị trấn đã đạt trường chuẩn quốc gia, 8 trong 9 khu dân cư được công nhận là khu dân cư văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân chung toàn huyện. Dù là trung tâm kinh tế của huyện, nơi tập trung nhiều cơ quan, trường học, song tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thị trấn luôn được bảo đảm. Đảng bộ thị trấn nhiều năm đạt trong sạch, vững mạnh.
Dẫu vậy, đồng chí Hùng cũng thừa nhận, thị trấn vẫn chưa phát triển như kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương. Chợ huyện Thanh Lâm xưa sầm uất là thế nay đang bị xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp trên địa bàn nhiều năm phát triển cầm chừng, chưa mở rộng được quy mô sản xuất. Người ta vẫn mong có một ngày phố huyện Thanh Lâm, nhất là chợ huyện lại tấp nập người bán kẻ mua như trong quá khứ. Mong thị trấn sẽ mang dáng dấp, hình hài của một đô thị hiện đại.
Rồi đây cầu Hàn sẽ được khánh thành, rút ngắn khoảng cách giữa Nam Sách với TP Hải Dương, mở ra những cơ hội phát triển mới cho người dân Nam Sách nói chung và dân thị trấn nói riêng. Hy vọng phố huyện Thanh Lâm sẽ lại khởi sắc.
HOÀI ANH