Cẩm Giàng khoác "áo mới" cho đường quê

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:09, 02/03/2015

Trên khắp mọi nẻo đường dẫn vào các làng quê, thôn xóm của Cẩm Giàng đều bừng sáng một màu tươi mới, không còn cảnh mưa xuân khiến đường sá lầy lội như trước kia.



Nhân dân thôn Phượng Hoàng (xã Cẩm Hoàng) đóng góp tiền để hoàn thiện đoạn đường nằm trong dự án WB3


Niềm vui ấy là kết quả sự đồng lòng của nhân dân và chủ trương đúng của chính quyền.

So với mùa xuân năm trước, giờ đây đường làng, ngõ xóm ở xã Cẩm Vũ đã thay đổi với diện mạo mới. Tất cả đều phong quang, sạch đẹp. Một số tuyến đường liên xóm ở các thôn Hoàng Gia, Phú Lộc có chiều rộng 5m, vượt khoảng 66% so với quy định trong xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh. Các tuyến đường ra đồng cũng đã được kiên cố hóa. Năm 2014, Cẩm Vũ là xã dẫn đầu huyện về xây dựng đường GTNT với tổng chiều dài hơn 10 km, gồm hơn 8 km đường thôn xóm và hơn 2 km đường ra đồng, nội đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã, có được kết quả trên là do sự đồng thuận lớn của người dân. Bởi ngoài phần xi-măng được tỉnh hỗ trợ, nhân dân trong xã đã đóng góp khoảng 7,5 tỷ đồng xây dựng đường. Để vận động người dân, xã đã có nhiều cách làm linh hoạt. Đối với những hộ lúc đầu chưa đồng thuận, các thôn đều cử cán bộ phụ trách đến tận nhà vận động. Khi tiến hành xây dựng, nhiều hộ phải đóng góp với mức khá cao so với thu nhập, điển hình là thôn Hoàng Gia mỗi người dân đóng hơn 2 triệu đồng. Vì vậy, xã đã chia ra làm 4 giai đoạn thu tiền tương ứng với 4 vụ thu hoạch lúa để giảm gánh nặng cho người dân. Đồng thời khuyến khích những hộ có kinh tế khá đóng góp dứt điểm trong một lần. Trong quá trình làm đường, nhiều gia đình sẵn sàng hiến đất. Các hộ đã hiến hơn 500 m2  đất thổ cư và khoảng 400 m2 đất canh tác.

Cẩm Hoàng là xã thuần nông, kinh tế gặp nhiều khó khăn, rất nhiều hạng mục xây dựng cơ bản của xã vẫn còn "đắp chiếu" vì thiếu kinh phí đầu tư như Trường Mầm non, Trạm Y tế... Tuy vậy, tiến độ xây dựng đường GTNT của xã lại triển khai rất thuận lợi nhờ vào sức dân. Chỉ tính riêng trong năm 2014, xã đã xây dựng hơn 8 km đường GTNT với tổng kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng. Trong đó, người dân đã đóng góp hơn 6,8 tỷ đồng. Ở Cẩm Hoàng có tuyến đường nối thôn Phượng Hoàng với thôn Kim Đôi dài gần 5 km nằm trong dự án WB3. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên dự án mới chỉ xây dựng được hơn 3 km rồi dừng lại, chưa biết đến khi nào có thể tiếp tục thi công. Tranh thủ sự hỗ trợ xi-măng của chương trình xây dựng đường GTNT, không trông chờ, ỷ lại vào dự án WB3, nhân dân 2 thôn đã đóng góp kinh phí hoàn thiện nốt đoạn đường còn lại.

Với sự tích cực chỉ đạo của chính quyền và nhiệt tình ủng hộ của nhân dân, đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông thôn, xóm của Cẩm Hoàng đều đã được bê-tông hóa đạt chuẩn. Đường ra đồng hầu hết cũng đã được kiên cố hóa. Chỉ còn một số đoạn đường nội đồng xã đang tích cực triển khai xây dựng cùng với việc dồn ô đổi thửa. Tuy gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí nhưng chính quyền và nhân dân Cẩm Hoàng sẽ phấn đấu sớm hoàn thành trong thời gian tới.

Nếu như năm 2013, huyện Cẩm Giàng chỉ cải tạo, nâng cấp được 49 km đường GTNT, thì trong năm 2014 đã tăng lên 90 km. Nguồn kinh phí do ngân sách xã đầu tư và nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, ngày công cũng đạt mức kỷ lục với 71,62 tỷ đồng (chiếm khoảng 65% so với tổng trị giá xây dựng). Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện, đến nay tất cả các tuyến đường xã đã được đổ bê-tông hoặc trải nhựa, khoảng 90% số đường thôn xóm và các tuyến đường ra đồng được cứng hóa theo đúng quy định của đề án phát triển GTNT của tỉnh. Qua khảo sát, Cẩm Giàng là một trong những địa phương dẫn đầu về phong trào xây dựng đường GTNT. Cuối năm 2014 vừa qua, huyện đã được Bộ Giao thông vận tải tặng cờ thi đua xuất sắc trong phong trào xây dựng đường GTNT.

Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện, để đạt được kết quả ấy, trước hết là do sự vào cuộc quyết liệt của huyện trong việc tổ chức triển khai. Xác định rõ làm đường GTNT gắn liền với xây dựng nông thôn mới, mang đến lợi ích thiết thực cho nhân dân nên ngay từ sớm, huyện đã chỉ đạo các xã phải làm triệt để từ khâu thành lập ban chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân và bảo đảm công khai minh bạch trong thu chi. Các tuyến đường khi xây dựng đều có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Ngoài được tỉnh hỗ trợ xi-măng thì hơn 90% nguồn kinh phí còn lại là do nhân dân và con em xa quê đóng góp. Đây là điều kiện tiên quyết để những con đường quê ở Cẩm Giàng được khoác trên mình tấm áo mới.

PV