Trồng sắn dây cho thu nhập cao

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:04, 07/03/2015

Sau nhiều năm đưa sắn dây vào trồng thay thế cây lúa và cây ăn quả, nhiều gia đình ở Thanh Lang (Thanh Hà) đã ăn nên làm ra, thu nhập mỗi vụ lên tới cả trăm triệu đồng.



Trồng sắn dây đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc

Trồng nhiều nhất huyện

Huyện Thanh Hà có 107 ha đất trồng sắn dây, trong đó Thanh Lang là xã có diện tích lớn nhất khoảng 70ha. Khoảng chục năm trước đây, diện tích này được trồng lúa và các cây ăn quả khác, nhưng do năng suất thấp nên người dân đã chuyển sang trồng sắn dây. 

Là một trong những người trồng sắn dây sớm và nhiều nhất xã, ông Lê Quang Thuấn ở đội 13 cho biết, gia đình ông trồng sắn dây từ đầu năm 2000. Thời điểm đó, sắn dây bán với giá chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg củ nhưng so với cấy lúa thì thu hoạch vẫn cao hơn. Do đó, gia đình ông đã chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng sắn dây, ông còn đấu thầu thêm diện tích đất ngoài đê để trồng. Hiện nay, ông Thuấn đang trồng 4,5 mẫu sắn dây với gần 300 ụ. "Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây trồng này nên tôi đã hướng dẫn và tư vấn cho 2 con trai cùng làm. Đến nay, cả 3 bố con tôi đang trồng gần 10 mẫu, nhờ đó kinh tế ngày càng ổn định và phát triển”, ông Thuấn chia sẻ.

Thay vì trồng vải và cấy lúa như  trước, bà Tăng Thị Hường, đội 14 thôn Kim Can cũng đưa cây sắn dây vào làm cây trồng chính. Bà cho biết: “Trồng lúa cho năng suất thấp, lại vất vả. Trồng vải thì giá cả bấp bênh, nhiều năm giá bán không đủ chi phí nên gia đình tôi chuyển sang trồng sắn dây. Sau nhiều năm, tôi thấy chi phí đầu tư cho cây trồng này thấp, tốn ít công chăm sóc. So với những cây trồng khác thì sắn dây vừa dễ trồng lại cho thu nhập cao hơn. Người làm chỉ vất vả thời điểm tạo ụ và thu hoạch. Với 60 ụ sắn dây, hằng năm cũng đem lại thu nhập cho gia đình bà Hường trên 50 triệu đồng”.
Theo những người trồng sắn dây thì việc trồng cây này khá đơn giản. Trước khi đặt cây giống, người dân chỉ việc đắp đất thành các ụ cao, từ 8-11 ụ/sào. Trong khi làm đất, lên ụ, cần bón lót phân hữu cơ, phân NPK, kali… Cây giống được ươm từ chính cây trước đó. Sau khi thu hoạch xong, người dân sẽ chọn những thân sắn to, khỏe, tròn đều, không bị sâu bệnh, cắt thành từng đốt ngắn, mỗi đốt dài từ 15-25 cm, trên mỗi đốt cần có từ 2-3 mắt mầm trở lên để ươm giống. Bầu đất ươm giống được lấy từ chất đất màu mỡ đem trộn thêm phân chuồng. Các dây sắn sau khi cắt ngắn, đem cắm một đầu vào bầu đất và chờ khi nào phần mắt nẩy mầm đến độ nhất định và ra lá thì đem ra ụ đã làm sẵn để trồng. Để dây sắn leo được, người trồng cần bắc giàn chắc chắn. Thời điểm bắt đầu trồng sắn dây vào khoảng tháng 2 - 3, đến đầu tháng 12 sẽ được thu hoạch.

Lãi hàng trăm triệu


Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân xã Thanh Lang với việc chọn cây sắn dây để thay thế cây lúa và cây ăn quả khác đã nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Với giá bán 10.000 đồng/kg sắn tươi như hiện nay, gia đình ông Thuấn thu được khoảng 300 triệu đồng mỗi vụ. Sau khi trừ mọi chi phí, ông Thuấn thu lãi hơn 200 triệu đồng. “Những năm trước, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên mỗi ụ chỉ đạt năng suất từ 70-80 kg, 2 năm nay, do có nhiều kinh nghiệm chăm bón nên năng suất cũng cao hơn. Năm 2014, năng suất thấp nhất đạt 1 tạ/ụ, cao nhất là 2,6 tạ/ụ. Tính trung bình, năng suất mỗi ụ đạt 1,4 tạ. Với giá bán và năng suất như hiện nay, sắn dây là cây trồng đem lại thu nhập cao và ổn định nhất so với các loại cây trồng khác", ông Thuấn cho biết.

Năm nay sắn dây vừa được mùa lại được giá nên người dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Thắm ở đội 11 cho biết: “Gia đình tôi trồng 7 sào sắn dây với 80 ụ đất, năng suất trung bình đạt khoảng 1 tạ/ụ. Theo dõi giá và năng suất của cây trồng này suốt 6 năm nay, tôi thấy 2014 là năm đầu tiên sắn vừa được mùa lại được giá. Giá bán tại vườn từ 9.500 -10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để giá bán được cao hơn, tôi thường chở lên TP Hải Dương bán cho những lò chuyên làm bột với giá từ 11.500 -12.000 đồng/kg”. Chính vì bán được với giá cao nên với 7 sào sắn dây đã đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng cho gia đình ông Thắm. Ông còn thu mua của người dân trong xã rồi bán lại cho các lò làm bột ở Nam Định, Thái Bình, Hà Nội để tăng thu nhập.

Đối với những người làm nông nghiệp, việc thu nhập cả trăm triệu đồng/năm chỉ với 7 sào đất canh tác là con số đáng mơ ước. Hiện nay, với nhiều gia đình ở xã Thanh Lang, cây sắn dây đã trở thành cây trồng chủ lực giúp làm giàu. Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây sắn dây tập trung ở thôn Kim Can và Lang Can 3. Đây là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân tại địa phương nên chúng tôi khuyến khích phát triển.

NHẬT CƯỜNG