Chăm sóc rau màu khi mưa ẩm kéo dài

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:02, 11/03/2015

Hiện nay, phía đông Bắc Bộ có mưa nhỏ, mưa phùn rải rác kéo dài, là nguyên nhân tác động cả tích cực và tiêu cực đến rau màu.



Dựng vòm ni-lông che chắn rau màu khi thời tiết bất lợi để bảo vệ cây trồng

Ngoài việc làm rau màu phát triển thân lá nhanh hơn, lượng nước được bảo đảm thì mưa ẩm kéo dài là điều kiện để vi khuẩn và nấm bệnh phát sinh gây hại, nhất là các loại nấm như sương mai, lở cổ rễ, thối gốc mốc trắng, hay thối rễ cây rau màu… Các loài vi khuẩn gây thối nhũn, thối đốt cũng gây hại nhiều làm cho rau màu có nguy cơ bị xóa sổ cả ruộng, cả cánh đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Để giảm thiểu thiệt hại cho rau màu, xin khuyến cáo nông dân một số biện pháp kỹ thuật sau:


+ Hạn chế lượng nước thừa trong ruộng: Nạo vét dõng luống rau, khơi thông mương máng, hoặc đào hố sâu 1m3 ở 2 hay 4 góc ruộng rồi múc nước thừa đổ ra mương máng hay rắc tro bếp nguội lên phía trên mặt luống… sẽ làm lượng nước thừa giảm đi, giúp rau cứng cáp hơn, chống đỡ tốt hơn.

Đối với cây mới trồng, nếu luống đất bị dí rẽ có thể xới nhẹ phá váng. Tuyệt đối không được xới phá váng cho các cây trồng đã có bộ rễ phát triển mạnh sẽ bị xây xát và làm cây bị bệnh thối rễ.

+ Bổ sung dinh dưỡng lân, kali và canxi dễ tiêu:

Đây là các chất dinh dưỡng giúp thân, lá, rễ rau màu được cứng chắc hơn, bộ rễ phát triển nhanh, rộng dài hơn và rau màu sẽ chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

* Lưu ý: Nông dân nên lựa chọn các chế phẩm phân dễ tiêu để rau màu hấp thu nhanh và thuận lợi. Nên sử dụng phân kali trắng (kali sunphat) thay cho kali đỏ (kali clorua); dùng chế phẩm siêu lân thay cho supe lân.

+ Dùng khung ni-lông trắng che cho các loại rau màu ăn thân lá: Các loại rau như su lơ, cải bắp, dưa các loại, rau cải, hành mủa, các loại rau ăn lá khác và các cây màu thân bụi thời kỳ còn non…

Vật liệu làm vòm gồm: Vật liệu làm khung (sắt đã uốn hoặc vòi tre, nứa bánh tẻ) có chiều dài bằng chiều rộng luống rau. Ni-lông trắng 1 lớp có bản rộng, dây buộc và cọc. Cắm khung vòm sát chân luống, độ sâu từ 15-20 cm; cắm cọc để buộc dây giữ khung vòm và ni-lông. Khi căng vòm cần trải ni-lông xuống rãnh luống, chiều dài của ni-lông phải dài hơn chiều rộng luống, bảo đảm mỗi đầu thừa ra từ 40-50 cm. Cuối cùng là buộc cố định vòm ni-lông, từ chân khung vòm bên này sang chân khung vòm bên kia.

Việc làm khung ni-lông che chắn cho rau sẽ bảo đảm độ ẩm luống rau được hạn chế, thân lá cây trồng không chịu tác động trực tiếp của mưa và sương muối, tán cây luôn được khô ráo nên rất ít bị bệnh, khung che còn làm giảm đáng kể sâu đến đẻ trứng và gây hại. Nhờ đó, chi phí thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh rau màu được giảm thiểu và kéo theo nhiều ích lợi khác… Hiệu quả kinh tế của việc làm vòm ni-lông che chắn cho rau màu trái vụ đã được thực hiện thành công tại vùng rau màu chính của huyện Gia Lộc.

Nếu rau màu bị mưa ẩm kéo dài, chịu tác động trực tiếp của thời tiết mà không che chắn bằng khung che hay nhà lưới thì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh đều không có tác dụng vì lá cây không lúc nào được khô ráo để thuốc phát huy tác dụng.

* Chú ý:

- Khi mưa ẩm kéo dài nông dân không nên bón đạm cho rau màu, không vặt, tỉa cành lá vì sẽ làm gia tăng bệnh.

- Tuyệt đối không phun các chất kích thích sinh trưởng để làm tăng số lần thu hái, vì thân lá rau màu tốt sẽ nhanh chóng bị bệnh dẫn đến tàn lụi sớm trước áp lực của thời tiết bất lợi.

- Song song với việc làm khung che chắn có thể sử dụng thuốc phòng bệnh nhóm gốc đồng như: Boóc-đô 1%, Coc 85WP, Funguran - OH 50WP, Cuproxat 345SC, Vidoc... phun định kỳ từ 5-7 ngày/lần sẽ có hiệu quả cao hơn mà không cần sử dụng các loại thuốc trị bệnh đắt tiền khác phun nhiều lần như nông dân thường làm.

Có thể bổ sung thêm chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma vào vùng rễ cây trồng để hạn chế các bệnh về rễ và kích thích rễ cây phát triển tốt hơn…

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)