Lo ngại bệnh dại lây lan
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:33, 13/03/2015
Việc nuôi chó không tiêm phòng và thả rông diễn ra ở nhiều nơi đang là nguy cơ lây lan bệnh dại...
Trẻ có thể gặp nguy hiểm khi chơi đùa với chó chưa được tiêm phòng dại (Ảnh minh họa)
Tình trạng chó thả rông phổ biến ở nhiều nơi cộng với nhận thức kém của không ít người dân về bệnh dại nên nguy cơ bệnh này lây sang người là rất cao.
Tỷ lệ tiêm phòng thấp
Tình trạng người dân thả rông đàn chó, chủ quan trong việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại phổ biến ở nhiều địa phương. Bà Trần Thị B. ở thôn Vạn Tải, xã Hồng Phong (Nam Sách) cho biết, từ ngày nuôi chó, bà chưa hề đưa bất kỳ con chó nào đi tiêm phòng, mà chỉ đi xin giấy chứng nhận đã tiêm phòng. "Đưa chó đi tiêm không phải việc đơn giản, nhất là nhiều con chó không quen bị xích, khi tiêm phải giữ nó cẩn thận nếu không sẽ bị cắn. Nhiều lúc cũng lo chó của gia đình bị bệnh dại, muốn đưa chó đi tiêm, nhưng không thể dẫn nó tới địa điểm tiêm phòng, đành phải đi xin giấy chứng nhận và mang thuốc về nhà để tự tiêm", bà B. nói.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, từ năm 1998 đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào bị tử vong do chó dại cắn. Do đó, có thể đây là nguyên nhân khiến người dân có tư tưởng chủ quan, không quan tâm nhiều đến việc tiêm phòng cho chó, mèo. Cùng với đó là sự thiếu sát sao trong quản lý của chính quyền cơ sở. Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, năm 2014 toàn tỉnh có hơn 241.000 con chó nhưng chỉ tiêm vắc-xin phòng bệnh được 80.000 con, đạt 33%. Một số huyện như Thanh Miện, Ninh Giang, Bình Giang... tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp.
Ông Phạm Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Hiện nay, tình trạng thả rông chó còn phổ biến nên khó khăn cho tiêm phòng dại, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dại. Mặc dù đã có quy định chó chưa được tiêm phòng dại sẽ bị đập diệt, nhưng quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Cái khó ở đây là người dân không hợp tác. Khi cơ quan chức năng tới kiểm tra, đa phần các hộ dân đều đem chó đi nơi khác để giấu hoặc ngăn cản không cho lực lượng chức năng đập diệt".
Nhiều người bị chó cắn
Anh Nguyễn Văn Ch. ở thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên (Kim Thành) cho biết: "Vừa rồi, đứa cháu nhà hàng xóm sang chơi thì bị chó nhà tôi cắn. Sau khi cháu bị chó cắn, tôi đưa đi rửa vết thương bằng xà phòng và nước muối pha loãng. Con chó này đã cắn nhiều người, nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường, không hề có biểu hiện của bệnh dại". Anh Ch. cho biết thêm, từ khi nuôi chó đến nay đã gần 5 năm nhưng anh vẫn chưa đưa chó đi tiêm phòng bệnh dại.
Không chỉ xuất hiện tâm lý ngại đưa chó đi tiêm phòng dại mà rất nhiều gia đình chủ quan trong việc cho trẻ nhỏ chơi đùa với chó. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị chó cắn trong lúc chơi đùa với chó mà người lớn không ý thức được đó là sự nguy hiểm.
Hằng năm, số người phải tiêm phòng vắc-xin nghi dại đều tăng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2013 toàn tỉnh có 909 trường hợp tiêm vắc-xin nghi chó dại cắn. Đến năm 2014, toàn tỉnh đã có 1.251 trường hợp phải tiêm phòng vắc-xin. Đặc biệt, tháng 1-2015 đã có 115 người tiêm vắc-xin phòng dại. Hiện nay, toàn tỉnh có 4 điểm tiêm vắc-xin phòng bệnh dại là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế thị xã Chí Linh, các huyện Kinh Môn và Kim Thành.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không phòng, chống kịp thời. Đặc điểm của bệnh là virus dại tác động vào hệ thần kinh, gây rối loạn thần kinh trung ương làm phát bệnh và chết. Nguồn mang bệnh dại chủ yếu là chó, mèo và một số động vật hoang dã. Bệnh nhân đã lên cơn kịch phát thì chắc chắn không cứu được.
Để việc phòng, chống bệnh dại đạt hiệu quả, cơ quan thú y của tỉnh cần phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong dân cư về mức độ nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết chó, mèo nghi mắc bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống hiệu quả. Ngoài ra, cần tăng cường vận động các hộ dân thực hiện tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo; tăng cường kiểm soát việc vận chuyển động vật, nhất là vận chuyển chó, mèo từ các vùng có bệnh dại về địa phương. Thực hiện nghiêm việc đập diệt chó, mèo của các hộ nuôi nhưng không thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại.
PV