Ở nơi không có đêm

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:28, 16/03/2015

Có cùng trực đêm với các bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Cấp cứu mới cảm nhận được những vất vả, căng thẳng và áp lực mà họ phải đối mặt hằng ngày.



Các nhân viên y tế Khoa Cấp cứu đang thực hiện thao tác kỹ thuật cho một bệnh nhân tai biến


Y đức chính là "kim chỉ nam" để họ luôn tận tâm với người bệnh.

Giữa lằn ranh sống chết

“Trong môi trường thương tâm và chết chóc này, đối với chúng tôi không gì quan trọng hơn là giúp bệnh nhân thoát khỏi tử thần. Việc vòi vĩnh, gây khó dễ với người bị nạn là điều xa lạ và không được phép tồn tại trong khoa".

Khoảng 20 giờ 30, đang là giờ cao điểm ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên không ai có thời giờ tiếp chuyện tôi. Các nhân viên y tế mỗi người một việc, người khẩn trương xử lý, băng bó vết thương cho bệnh nhân mới đến, người làm nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân để bàn giao cho các khoa, người hỏi thông tin người nhà bệnh nhân để hoàn thiện hồ sơ bệnh án...

Bệnh nhân tên Tình, 38 tuổi, quê ở Gia Lộc bị tai biến mạch máu não vừa được bệnh viện huyện chuyển lên. Nhìn anh nằm bất động và phải đặt ống thở, tôi đoán chắc đây là ca cấp cứu nghiêm trọng. Như đã lập trình, không ai bảo ai, kíp trực nhanh chóng vào việc để giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Người nhà bệnh nhân được mời ra ngoài. Trong căn phòng cấp cứu rộng chừng 25 m2, mọi hoạt động cứu chữa diễn ra một cách khẩn trương, nhịp nhàng trong yên lặng. Những tiếng “tít, tít” phát ra từ chiếc máy thở dồn dập từng hồi càng làm không khí trở nên căng thẳng hơn. Các bác sĩ tất bật làm đủ mọi thao tác kỹ thuật cho bệnh nhân. Hơn một phút sau, chỉ số sinh tồn của anh Tình hiển thị trên màn hình máy thở dần ổn định, tiếng “tít, tít” báo hiệu tình trạng bất thường của bệnh nhân cũng ngừng kêu. Bác sĩ Bùi Thái Dương trực tiếp phụ trách ca trực chỉ đạo các điều dưỡng viên chuyển bệnh nhân đi chụp cắt lớp vi tính não bộ. Theo người nhà anh Tình thì trước đây bệnh nhân bị chấn thương sọ não do một tai nạn lao động. Hồi chiều, dù bị ngăn cản nhưng anh Tình vẫn hút thuốc lào, sau đó lên cơn động kinh rồi nằm quật ra nền nhà. “Bệnh nhân không tự thở được nên chúng tôi phải dùng máy thở hỗ trợ. Nếu cấp cứu không kịp thời thì nguy cơ tử vong rất lớn. Do bệnh nhân có tiền sử chấn thương sọ não nên phải kiểm tra, xác định rõ tổn thương để đánh giá tình hình”, bác sĩ Dương giải thích.



Một ca cấp cứu tai nạn giao thông trong đêm


Tôi chưa kịp hỏi thêm thông tin từ bác sĩ Dương thì một thanh niên nằm dài thượt trên giường y tế, đầu bê bết máu được đưa vào. Hai điều dưỡng viên lập tức tiến hành vệ sinh, khử trùng và băng vết thương cho bệnh nhân. Cậu này tên Vũ Văn Thành, 22 tuổi, quê ở xã Quyết Thắng (Thanh Hà). Thành bị ngã xe máy, rách một vết sâu hoắm, dài chừng 12 cm trên trán. Mặc dù vết thương nặng, mất nhiều máu nhưng Thành khá tỉnh táo: “Em đi đường trong xã nên không đội mũ bảo hiểm. Lúc “xòe” em vẫn đứng dậy được một lúc rồi mới choáng, khuỵu xuống. May có mấy người đi qua nên đưa vào trạm xá cấp cứu kịp thời”. Bố mẹ Thành đứng bên cạnh giường bệnh tỏ rõ vẻ lo lắng, hồi hộp. Qua trò chuyện với mẹ Thành, tôi được biết cậu ta là con trai duy nhất trong nhà. Thành là công nhân may, ngày chủ nhật được nghỉ nên cậu ta cùng vài người bạn rủ nhau đi uống bia. Trên đường về thì gặp tai nạn. Khoảng 15 phút sau có kết quả chụp cắt lớp vi tính, rất may Thành chỉ bị chấn thương bên ngoài. Các nhân viên y tế khẩn trương hoàn thành thủ tục để chuyển bệnh nhân xuống Khoa Ngoại để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Chỉ trong ít giờ đồng hồ, lượng bệnh nhân được đưa đến khoa ngày càng đông. Người bị tim mạch, người bị tai biến mạch máu não, người bị đau dạ dày, người bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tĩnh... và không ít trường hợp bị tai nạn giao thông. Luôn chân, luôn tay nhưng theo các nhân viên y tế thì hôm nay vẫn là một ngày nhẹ nhàng. Bởi theo thống kê, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi, khoa đã tiếp nhận tới 1.280 ca, trung bình 125 ca mỗi ngày.

Mỗi kíp trực ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng viên. “Việc ăn cơm quá bữa 2-3 tiếng là bình thường”, điều dưỡng viên Nguyễn Văn Huân chia sẻ.

Buồn vui nghiệp áo blu trắng

Khoảng 23 giờ 30, một đám thanh niên khoảng 6-7 người đưa một đôi nam nữ cùng trang lứa đi thẳng vào phòng cấp cứu. Nghe họ nói chuyện với nhau tôi biết đôi trẻ này cũng vừa bị tai nạn giao thông. Cậu thanh niên tỏ vẻ đau đớn, mặt nhăn nhó, tay giữ chặt miếng gạc được băng vội trên má. Cô gái có vẻ bị thương nhẹ hơn, vừa cười nói, vừa cầm chiếc điện thoại soi kiểm tra vết xước to bằng đồng xu trên trán. Một cô gái khác trong đám dìu cậu thanh niên ngồi xuống ghế rồi quay sang “chỉ đạo” các bác sĩ: “Các anh khâu cho em, khâu thẩm mỹ nhé!”. “Trường hợp này phải chụp CT kiểm tra chấn thương và thử máu em ạ!”, bác sĩ Dương giải thích. Cô gái quả quyết: “Không cần chụp, không cần thử máu, các anh cứ khâu thẩm mỹ cho em”. Bác sĩ Dương nói tiếp: “Ở đây bọn anh không khâu thẩm mỹ, nếu muốn khâu em ra bàn đón tiếp làm thủ tục rồi chuyển người nhà lên khoa...”. “ĐM. Khâu thì khâu, việc gì phải chuyển đi đâu”, một thanh niên trong đám giở giọng. Bên ngoài, cô gái bị thương và một anh bạn bất chấp lời nhắc nhở của các điều dưỡng viên, tự ý lấy dụng cụ y tế để trên bàn để tự sơ cứu vết thương trên trán. Sau gần 20 phút liên tục đe dọa các nhân viên y tế ở đây nếu không khâu thẩm mỹ sẽ gọi cho người nhà là lãnh đạo trong bệnh viện, đám thanh niên bỏ đi, nói sẽ đưa cậu thanh niên kia ra cơ sở y tế tư nhân và buông lại những lời cằn nhằn khó nghe.



Điều dưỡng viên chăm sóc bệnh nhân lưu tại Khoa Cấp cứu khi trời đã gần sáng


Theo các nhân viên y tế ở Khoa Cấp cứu thì việc người nhà bệnh nhân không hợp tác như trên là còn vẫn “lành”. Những trường hợp đến cấp cứu thường bệnh nặng và đột ngột. Vì vậy, cả bệnh nhân và những người đưa đến đều thiếu bình tĩnh, sốt ruột với những cái đầu nóng. Bệnh nhân nhiều, số lượng y, bác sĩ lại hạn chế nên công tác cấp cứu phải tiến hành theo phương châm ca nặng làm trước, ca nhẹ làm sau. Chỉ cần người nhà bệnh nhân không hiểu, cho rằng các bác sĩ cố tình chậm trễ là sẵn sàng “miệng nói, tay làm”. Trước Tết, một người có biểu hiện say xỉn đi vào phòng đón tiếp với một vết thương trên tay. Chẳng nói, chẳng rằng, người này vơ mấy con dấu trên bàn ném về phía các nhân viên y tế, dùng khay đựng dụng cụ đập vỡ kính mặt bàn rồi chửi bới ầm ĩ. Hôm đó, hoạt động cấp cứu bị ngưng trệ gần 2 giờ đồng hồ. Chỉ đến khi có lực lượng cảnh sát cơ động vào khống chế, các nhân viên y tế mới xử lý được vết thương cho người này. Bản thân bác sĩ Trưởng khoa Đặng Xuân Cường cũng từng bị người nhà bệnh nhân đe dọa mang súng “hoa cải” đến xử. Bác sĩ Cường tâm sự: “Chuyện người nhà bệnh nhân và bệnh nhân lăng mạ, chửi bới chúng tôi diễn ra thường xuyên. Có chị điều dưỡng đang mang thai còn bị bệnh nhân đạp thẳng vào bụng. Làm việc ở đây, ngoài chuyên môn tôi cũng luôn nhắc các anh em phải ứng xử khéo léo để người bệnh hợp tác. Xảy ra vấn đề gì không chỉ bản thân gặp nguy hiểm mà còn ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác”.

Đã gần 1 giờ sáng, ngoài trời vẫn mưa rét do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mới tràn về. Bệnh nhân cấp cứu cũng vãn dần, tôi ra bàn đón tiếp hỏi điều dưỡng viên Nguyễn Thái Học: “Muộn thế này chắc là ổn rồi anh nhỉ?”. Vừa dứt lời thì chuông điện thoại cố định reo lên, nghe máy xong, anh Học quay ra nói với tôi: “Có một ca ở Bệnh viện huyện Gia Lộc đang chuyển lên chú ạ!”. “Ca này bị sao vậy anh?”, tôi hỏi tiếp. “Tai nạn giao thông, anh thấy ở dưới báo là bệnh nhân vô danh, có biểu hiện tâm thần”. Đối với những nhân viên y tế ở đây, mỗi lần có ca người bệnh vô danh là công việc của họ thêm phần vất vả. Vì họ không có người thân đi cùng nên các điều dưỡng viên ngoài nhiệm vụ chuyên môn còn phải lo vận chuyển, vệ sinh cá nhân, quần áo, ăn uống. Mọi công tác chuẩn bị lại được tất bật thực hiện để sẵn sàng tiếp đón người bệnh...

Ở Khoa Cấp cứu, thời gian dường như trôi nhanh hơn, mọi hoạt động đều diễn ra cần kíp và giờ giấc không còn là mối bận tậm của bất kỳ ai có mặt tại đây. Tiễn tôi ra đến sảnh bệnh viện, bác sĩ Đặng Xuân Cường bộc bạch: “Trong môi trường thương tâm và chết chóc này, đối với chúng tôi không gì quan trọng hơn là giúp bệnh nhân thoát khỏi tử thần. Việc vòi vĩnh, gây khó dễ với người bị nạn là điều xa lạ và không được phép tồn tại trong khoa. Đâu đó trong ngành vẫn còn những "hạt sạn" nhưng mong người dân có cái nhìn đầy đủ và chia sẻ hơn với đội ngũ y, bác sĩ cấp cứu, để chúng tôi có thêm động lực làm tốt công việc của mình”.

HẠO NHIÊN