Khách thập phương yên tâm trẩy hội

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 05:33, 18/03/2015

Năm nay, công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các lễ hội được nhiều địa phương quan tâm, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp trong lòng du khách thập phương.



An ninh trật tự ở lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc tốt hơn nhờ công an tăng cường thêm lực lượng

Nhiều tiến bộ

Tại chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc, du khách dễ dàng bắt gặp các chiến sĩ cảnh sát đứng chốt tại các điểm, thậm chí ngay trong chùa, điện và đường sang đền thờ Nguyễn Trãi. Hệ thống loa truyền thanh cũng luôn phát đi thông điệp nhắc nhở mọi người phòng, chống nạn móc túi, cháy nổ, không đổi tiền lẻ... Đại diện lãnh đạo Công an thị xã Chí Linh cho biết, ngay từ đầu xuân mới, đơn vị đã bố trí lực lượng chốt ở các khu di tích, đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an các xã, phường có di tích thường xuyên tuần tra, kiểm soát để sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động phá hoại, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo và phòng, chống cháy nổ. Công an thị xã tăng cường lực lượng thường trực tại khu vực thường xuyên đông người qua lại như ban Tam Bảo, khu thờ Mẫu, nhà thờ Tổ của chùa, điện, hậu cung của đền Kiếp Bạc. Ông Bùi Văn Tùng ở khu 3 phường Bình Hàn (TP Hải Dương) cho biết: "Ở nơi đông người, cứ nhìn thấy lực lượng công an là chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều. Các đối tượng trộm cắp khi thấy có bóng dáng công an cũng không dám hoạt động"...

Năm nay, về  đền Cao, An Phụ (Kinh Môn), du khách thập phương không còn bị làm phiền bởi những lời chèo kéo từ nhiều hàng quán tại di tích. Dọc đường từ Tam Quan lên chùa, đền cũng không còn những hàng quán lố nhố, gây cản trở giao thông và làm mất mỹ quan khu di tích. Bà Nguyễn Thị Mỵ đến từ thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) cho biết: "Sau nhiều năm trở lại đền Cao, tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của đền. Đặc biệt, điều làm tôi ấn tượng chính là không còn cảnh hàng quán bày tràn lan, du khách không bị làm phiền bởi những người bán hàng, người ăn xin nên cảm thấy thanh thản hơn".

Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn đã thành lập một tổ cơ động thường xuyên trực tại khu di tích nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý nếu có vụ việc xảy ra. Ông Phạm Hữu Quân, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện cho biết: "Ngoài thành lập tổ cơ động bảo đảm an ninh trật tự, ban cũng đã thành lập tổ phòng cháy, chữa cháy, bổ sung thêm 17 bình bọt cứu hỏa, bố trí thêm các téc nước ở khu vực gần đền, chùa. Trước đó, ban đã cử lực lượng phát quang khu rừng ven di tích từ 13 - 15 m để khi có cháy rừng sẽ không lan vào khu di tích"...

Đề cao tự phòng ngừa

Tình trạng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, chèo kéo khách, hoặc tự ý tăng giá các dịch vụ, không niêm yết bảng giá theo quy định vẫn còn xuất hiện ở một số điểm di tích. Ở nhiều lễ hội làng vẫn xuất hiện hoạt động mê tín dị đoan, nạn cờ bạc trá hình với các trò chơi như ném thú bông, đánh cờ, tôm cua cá. Nhiều du khách thập phương vẫn tự ý đốt hương trong chùa, hóa vàng mã không đúng nơi quy định... Ở nhiều điểm di tích vẫn còn tình trạng người lang thang cơ nhỡ, ăn xin ngồi la liệt ở cổng khu di tích gây mất mỹ quan, làm phiền du khách.

Từ nay đến hết tháng 3 âm lịch, tỉnh ta vẫn còn nhiều lễ hội truyền thống. Để bảo đảm an ninh trật tự ở các lễ hội, lực lượng công an cần tiếp tục đấu tranh, phát hiện, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, cờ bạc chuyên nghiệp; kiểm tra, xử lý hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, lừa đảo trá hình. Chính quyền nơi tổ chức lễ hội cần tiếp tục thực hiện các phương án bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm di tích, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác, phòng ngừa tội phạm. Đặc biệt, mỗi người dân phải tự nêu cao ý thức không tiếp tay, tham gia vào các trò đỏ đen trá hình... Khi phát hiện các đối tượng lừa đảo, chèo kéo khách, đổi tiền lẻ, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Mỗi du khách thập phương cũng cần tham gia lễ hội một cách có văn hóa, để góp phần làm đẹp thêm các lễ hội truyền thống.

THANH HOA