Đề xuất bỏ tử hình 7 tội danh

Tin tức - Ngày đăng : 10:05, 25/03/2015

Ngày 24-3, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Một số định hướng cơ bản của Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Theo đó, Dự thảo luật đề xuất bỏ án tử hình đối với 7 tội danh, đồng thời bổ sung quy định về việc xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.


Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Trần Công Phàn phát biểu tại Hội thảo


Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Trần Công Phàn phát biểu tại Hội thảo

Đề xuất bỏ tử hình đối với tội cướp tài sản

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này sẽ đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Do đó, Dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh gồm: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Dự thảo luật cũng bổ sung thêm đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Ngoài ra, Dự thảo luật cũng tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Ông Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng trước đây Bộ luật Hình sự của nước ta quy định đến 44 tội danh bị tử hình. Nay giảm xuống còn 22 và dự kiến tới đây sẽ giảm tiếp xuống còn khoảng 15 tội là phù hợp.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tỏ ra băn khoăn về việc giảm hình phạt án tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển ma túy. Bởi theo ông Hòa, tình hình buôn bán, vận chuyển chất ma túy vẫn diễn ra hết sức phức tạp, cần phải có các biện pháp xử lý nghiêm minh.

Đáp lại ý kiến trên, ông Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh TAND Tối cao cho rằng, nếu cứ nghĩ rằng phải trấn áp, xử phạt thật mạnh thì tội phạm mới giảm thì đó là quan điểm sai lầm.

Xâm phạm quyền biểu tình bị xử lý hình sự

Theo ông Đinh Trung Tụng, việc sửa đổi hình sự lần này được xây dựng theo hướng tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Do đó, Dự thảo Bổ sung 3 tội danh mới là tội phạm xâm phạm quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân của công dân; tội làm sai lệch kết quả trưng cầu ý dân và tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao

Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất tăng nặng hình phạt đối với các tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo… Đối với nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, ông Tụng cho biết, các tội xâm phạm an ninh quốc gia được đổi thành các tội chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đồng thời tăng tính minh bạch, rõ ràng trong cấu thành tội phạm và bỏ hai tội danh là tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội và tội phá rối an ninh.

Một nội dung mới nữa cũng được nhiều đại biểu quan tâm là quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo ông Trần Văn Độ, việc Bộ luật Hình sự không quy trách nhiệm hình sự pháp nhân là  yếu tố kìm hãm phát triển kinh tế xã hội. “Lần sửa đổi này là cơ hội chín muồi, nếu bỏ qua là mất đi cơ hội tốt”, ông Độ nói và dẫn chứng vụ việc Nhà máy Vedan xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm thiệt hại cho người nông dân TPHCM và tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, người nông dân rất khó chứng minh thiệt hại do Vedan gây ra để đòi bồi thường. “Nếu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì cơ quan tiến hành tố tụng có quyền chủ động khởi tố vụ án hình sự, chứng minh và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, từ đó đưa ra mức bồi thường thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”, ông Độ nói.

Theo Tiền phong