Nhà nông thêm thuận lợi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:23, 27/03/2015

Việc làm này đã hình thành những cánh đồng “một vùng, một giống, một thời gian”, góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, giúp nông dân gắn bó hơn với ruộng đồng...



Gieo cấy lúa tập trung dễ đưa máy móc vào sản xuất

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh tích cực xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn. Từ đây, những cánh đồng “một vùng, một giống, một thời gian” được hình thành, góp phần nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, giúp nông dân gắn bó hơn với ruộng đồng.

Dễ canh tác

Vụ xuân năm nay, 4 sào ruộng nhà bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Triệu Nội, xã Hùng Sơn (Thanh Miện) được đưa vào vùng sản xuất lúa tập trung (SXLTT). Tham gia mô hình này, bà Hồng không những được hỗ trợ 50% giá giống, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà còn được cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất. Bà Hồng cho biết: “Trước đây, cũng khu đồng này mỗi nhà cấy một giống lúa khác nhau nên thời gian làm đất, gieo cấy khác nhau gây khó khăn cho việc tưới tiêu, nhất là theo dõi và phòng trừ dịch bệnh. Từ khi thực hiện mô hình SXLTT, chúng tôi gieo cấy cùng giống lúa Bắc thơm số 7, đồng loạt phun thuốc trừ sâu nên năng suất lúa cao hơn hẳn mà chi phí lại ít hơn. Khi xã triển khai xây dựng vùng SXLTT cả xóm tôi đăng ký tham gia”.

Cũng ở huyện Thanh Miện, xã Chi Lăng Bắc đã thực hiện mô hình SXLTT từ nhiều năm nay. Theo đánh giá của Ban Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, SXLTT không chỉ nâng cao năng suất mà còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí từ 200.000-300.000 đồng/sào. Chất lượng lúa ở những vùng này đồng đều, giá bán lại cao hơn so với những vùng canh tác nhỏ lẻ khác. Ông Bùi Hữu Tiếp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Thanh Miện là một trong những địa phương đi đầu áp dụng mô hình SXLTT của tỉnh. Trước đây, mô hình này đã được thực hiện thí điểm ở xã Thanh Giang, Đoàn Kết sau đó nhân rộng ra nhiều xã khác. Đến nay, toàn huyện có 11 vùng SXLTT với quy mô từ 50 ha trở lên. Trong các mô hình đó, huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ chọn 2 vùng ở 2 xã Ngũ Hùng và Hùng Sơn để thực hiện đề tài "Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa".

Ở huyện Nam Sách, vụ xuân năm nay các vùng SXLTT cũng được các xã, thị trấn gieo cấy tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Đây cũng là năm đầu tiên huyện xây dựng được mô hình SXLTT quy mô 60 ha tại xã Hiệp Cát. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Điều dễ nhận thấy là khi nông dân gieo cấy lúa tập trung sẽ khắc phục được tình trạng cấy sớm trước lịch thời vụ, sử dụng thuốc bảo vệ không đúng cách, không đúng quy trình, nhất là ở những vùng đã dồn điền, đổi thửa. Vụ xuân năm nay, huyện Nam Sách có hơn 90 vùng SXLTT. Trong đó, nông dân chủ yếu cấy những giống lúa chất lượng như Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8 cho năng suất tốt, giá bán cao".

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước đây trong cùng một vùng nhưng cấy nhiều giống lúa khác nhau gây khó khăn cho việc quản lý dịch bệnh và áp dụng các biện pháp cơ giới vào sản xuất. Do đó, xây dựng vùng SXLTT không những giúp nông dân tiết kiệm chi phí, dễ áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất mà còn giảm được diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang.

Tiếp tục nhân rộng

Vụ xuân năm 2015, toàn tỉnh đã xây dựng được 25 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích 1.500 ha, tăng 3 vùng so với năm 2014. Các vùng sản xuất lúa tập trung ở nhiều địa phương như Nam Sách, Bình Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng đã tăng theo cấp số nhân.

Thực tế sản xuất lúa ở vùng SXLTT cho thấy, năng suất lúa thường cao hơn từ 6-8%, tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật; làm đất, tưới nước và phòng, trừ sâu, bệnh thuận lợi hơn so với vùng canh tác nhỏ, lẻ khác. Mặt khác, dự án “Phát triển giống lúa và vùng lúa hàng hóa tập trung giai đoạn 2012-2015” của tỉnh đều có những cơ chế hỗ trợ cho vùng SXLTT. Do vậy, diện tích, số lượng vùng SXLTT ngày càng tăng. Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Xây dựng những vùng lúa tập trung quy mô lớn theo hướng cánh đồng mẫu lớn gắn với bao tiêu sản phẩm rất cần thiết đối với sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ở những nước có nền nông nghiệp phát triển, mô hình này đã được thực hiện từ lâu và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục khuyến khích các địa phương nhân rộng mô hình SXLTT. Tuy nhiên, hiện nay các vùng lúa quy mô trên 50 ha chưa nhiều. Máy cấy, máy gặt được sử dụng ở những vùng này còn ít. Đặc biệt, ở những vùng SXLTT nông dân vẫn phải tự tiêu thụ sản phẩm, chưa có doanh nghiệp hay đơn vị nào đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đầu ra vẫn bấp bênh. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ để nông dân tiếp tục phát triển mô hình SXLTT, nhất là khi các địa phương hoàn thành dồn điền, đổi thửa; đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho nông dân.

LAN ANH