Nỗi đau xé lòng của người con xa

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 17:06, 30/03/2015

Cầm trên tay tập thơ “Dòng sông năm tháng” của anh bạn Hà Cừ, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải

Cho con tạ lỗi
Kính dâng hương hồn mẹ

Con là con út trong nhà
Lớn khôn thì mẹ đã già còn đâu!
Bao nhiêu mưa nắng dãi dầu
Đọng trên mái tóc trắng màu thời gian
Con đi ra Bắc vào Nam
Những mong mẹ được yên hàn nơi quê
Ngờ đâu giữa lúc bộn bề
Anh em xa vắng…Mẹ về…Mẹ ơi!
Chúng con lòng dạ bời bời
Bao nhiêu thương nhớ đầy vơi…Biết là
Những năm đánh giặc xa nhà
Miếng trầu-gọi một chút quà cũng chưa
Nữa là dầu dãi nắng mưa
Đồng sâu đồng cạn con chưa đỡ đần
Lui cui mẹ cứ tảo tần
Lo toan cho đứa ở gần, ở xa…
Bây giờ ríu rít, ríu ra
Bi bô các cháu gọi bà. Mẹ ơi!
Biết là “nước mắt chảy xuôi”
Mà sao lòng vẫn chẳng nguôi được nào
Ước chi trở lại ngày nào
Cho con tạ lỗi
                            Lệ trào
                                 Nhớ thương!

                                       8-3-1988

HÀ CỪ

Dương gửi tặng, tôi thực sự xúc động và cảm phục. Anh-người lính già của làng báo Đảng địa phương vẫn còn tràn đầy nhiệt huyết, gắn bó, yêu thương cuộc đời này. Con người không có yêu thương thì làm sao có tâm hồn để có những vần thơ, bài thơ hay làm xúc động lòng người. Tập thơ hơn 30 bài đầy đặn, đọc xong tâm hồn tôi lắng lại, hoà vào “Dòng sông năm tháng” của Hà Cừ, chảy mãi về những miền quê nghèo bình dị, nhưng đầy ắp những kỷ niệm của một thời cắt cỏ, chăn trâu, mò cua, bắt ốc. Cảm ơn Hà Cừ đã nói hộ cõi lòng chúng tôi.

Tôi đọc hết 36 bài thơ của Hà Cừ, có một bài tôi cứ đọc đi, đọc lại. Bài thơ đó có tiêu đề: “Cho con tạ lỗi”. Hà Cừ ơi! Trên đời này đâu chỉ có bạn phải nói lời tạ lỗi với hương hồn mẹ. Tổ tiên mình đã dạy:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra


Lứa tuổi chúng ta sinh ra để cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Tôi, bạn và còn bao nhiêu đồng đội khác khi ra đi còn đủ mẹ cha, khi về thì cha mẹ đã về với tổ tiên. Đau buồn, ân hận lắm chứ, cho nên nếu có thể tôi xin bạn cho tôi thay tên bài thơ bạn viết là: “Cho chúng con tạ lỗi”. Mở đầu bài thơ, bạn đã tự bộc bạch:

Con là con út trong nhà
Lớn khôn thì mẹ đã già còn đâu!
Bao nhiêu mưa nắng dãi dầu
Đọng trên mái tóc trắng màu thời gian


Với lối kể tâm tình bằng thể thơ lục bát càng làm sâu nặng tình cảm kính yêu của người con trai út với mẹ. Con là con út nên thời mẹ vất vả hai sương một nắng, còn bé chẳng giúp gì được, đến khi con lớn thì mái tóc của mẹ đã “trắng màu thời gian”. Hà Cừ không nói tuổi mẹ, nhưng hình ảnh “tóc mẹ” đã hàm chứa thời gian và nỗi vất vả, gian nan của mẹ. Mẹ già mong dựa vào con, nhưng thời buổi chiến tranh nên con chưa giúp gì được cho mẹ đã ra đi hết Bắc lại Nam làm nhiệm vụ của tuổi trẻ bảo vệ Tổ quốc. Trong lòng con chỉ “Mong mẹ được yên hàn nơi quê”. Để ngày chiến thắng con về phụng dưỡng mẹ.

Nhưng sự đời đâu có thuận theo người, giữa lúc con còn xa vắng: Mẹ về… Mẹ ơi! Ở nơi xa, Hà Cừ biết mẹ mình đã mất, nhưng trong tâm hồn anh không tin, không tin mẹ mất. Câu thơ ở đây như nghẹn lại, nén đi nỗi đau xé lòng của người con ở xa không thể về mẹ khi “Mẹ về… Mẹ ơi!”. Hà Cừ chỉ nói “Mẹ về…”, còn mẹ về đâu anh không dám nói, lòng anh không tin đó là sự thật. Mẹ chỉ về nhà với con cháu, về với quê hương thôi. Dù trong anh “Lòng dạ bời bời” với bao nỗi niềm “Thương nhớ đầy vơi”. Nỗi nhớ thương mẹ đã gieo vào lòng con nỗi ân hận khôn nguôi. Chỉ là miếng trầu gọi “chút quà” cho tuổi già của mẹ con cũng chưa làm được thì nói gì đến đỡ đần mẹ: 

Nữa là dầu dãi nắng mưa
Đồng sâu đồng cạn con chưa đỡ đần


Biết rằng “Nước mắt chảy xuôi” đấy, nhưng đến khi đoàn tụ con cháu “Ríu rít ríu ra” lòng con chẳng nguôi nỗi tiếc thương, ân hận xin được:

Cho con tạ lỗi
                          Lệ trào
                                             Nhớ thương!


Đúng là những nỗi đau trong chiến tranh chúng ta đều nén lại, nước mắt chảy vào trong vì còn nhiệm vụ. Nhưng khi trở về cuộc sống yên bình, nỗi đau mới bùng lên da diết để nước mắt trào ra, để nguôi đi nỗi ân hận trong lòng. Câu kết 6 chữ xuống ba dòng như nốt nhấn vào trái tim người đọc.

HOÀNG TIẾN