Quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông

Tư vấn - Ngày đăng : 07:54, 31/03/2015

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương; trong đó quy định cụ thể về quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).


Quyết định chỉ rõ, cơ chế một cửa liên thông giải quyết TTHC được thực hiện giữa các cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan chủ trì giải quyết TTHC hoặc qua dịch vụ bưu chính, nộp trực tuyến. Công chức làm việc tại bộ phận này kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ vào tiếp nhận; cơ quan chủ trì tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan phối hợp bằng văn bản, cơ quan được hỏi ý kiến phải trả lời trong thời gian quy định.

Trên cơ sở giải quyết hồ sơ của các cơ quan phối hợp, cơ quan chủ trì thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định; chuyển kết quả giải quyết hồ sơ đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nơi cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ. Riêng trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết, cơ quan có trách nhiệm trả lại hồ sơ kèm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do, nội dung cần bổ sung; thời gian mà các cơ quan chuyên môn, tổ chức đã giải quyết lần đầu được tính trong thời gian giải quyết hồ sơ; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả liên hệ với cá nhân, tổ chức để chuyển văn bản xin lỗi (nếu là lỗi của công chức khi tiếp nhận hồ sơ) và yêu cầu bổ sung hồ sơ theo thông báo của cơ quan có trách nhiệm.

Cơ chế một cửa liên thông được thực hiện trong giải quyết TTHC ở các lĩnh vực: đầu tư; đất đai; đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép xây dựng; tư pháp và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính Nhà nước.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5-2015.