Nông dân Tân Quang loay hoay chống chuột
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:06, 05/04/2015
Dọc đường 396B đoạn qua xã Tân Quang (Ninh Giang), rất nhiều thửa ruộng được quây kín nilon.
Cả 2 thửa ruộng của gia đình ông Nguyễn Văn Gạo ở thôn Ðoàn Xá, xã Tân Quang đều bị chuột gây hại
Cánh đồng lúa ở thôn Hội Xá cũng có thêm ngày một nhiều ruộng được quây nilon ngăn chuột. Chị Đoàn Thị Phượng đang khom lưng vơ lượm những dảnh lúa “con gái” bị chuột cắn mất 2/3 khóm cho biết: "Tôi bận công việc gia đình, chỉ 2 ngày không ra thăm đồng mà thửa ruộng hơn 2 sào cấy giống PC15 đã bị chuột cắn phá, xót quá". Chị cho biết thêm, mặc dù HTX nhiều lần tổ chức đánh bắt chuột, song diện tích lúa xuân bị chuột gây hại vẫn ngày một tăng thêm.
Ngay bên cạnh, chị Nguyễn Thị Thắm cũng đang cắm những cọc tre căng nilon ngăn chuột ở thửa ruộng gia đình mình. Chị Thắm cho biết: “Tính từ đầu vụ đến nay, ngoài công cấy, công chăm bón, nông dân chúng tôi đã phải chi tới trên 800.000 đồng/sào ruộng thuê máy làm đất, giống, phân bón, nay lại phải bỏ tiền ra mua nilon quây ngăn chuột. Cứ tình trạng chuột cắn phá thế này không chắc đã được ăn”.
Theo HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Quang, với 237 ha lúa chiêm xuân, từ đầu vụ đến nay ngoài được hỗ trợ thuốc diệt chuột của tỉnh, huyện, HTX đã trích 15 triệu đồng từ Quỹ Bảo vệ thực vật tổ chức 4 đợt diệt chuột bằng thuốc vi sinh, 2 đợt đánh bắt thủ công. Để khuyến khích xã viên tham gia đánh bắt chuột, HTX thu mua 4.000 đồng/con, nhưng nạn chuột gây hại lúa vẫn đang là vấn đề bức xúc. Toàn xã có gần 20 ha bị chuột cắn phá với tỷ lệ hại nơi cao lên tới 20% số dảnh, trung bình từ 5-10% số dảnh. Để hạn chế chuột hại, HTX phát động xã viên phát quang bụi cây, cỏ dại nơi chuột trú ngụ, dùng đèn soi bắt chuột vào ban đêm.
Việc căng nilon ngăn chuột ở xã Tân Quang nói riêng và nhiều địa phương trong huyện nói chung chỉ là giải pháp tình thế, vừa tốn kém, vừa không mang lại hiệu quả. Được biết ở huyện Ninh Giang nhiều HTX đã thành lập được tổ, đội chuyên diệt chuột. Nhưng ở một số nơi mô hình này chỉ hoạt động cầm chừng, trong khi chuột hại ngày càng sinh sôi, phát triển, gây thiệt hại không nhỏ đến sản xuất và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Các HTX Dịch vụ nông nghiệp cần thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chuyên trách diệt chuột, cùng với người dân thực hiện tốt các biện pháp diệt chuột, thường xuyên đánh bắt thủ công, lựa chọn loại thuốc diệt chuột thế hệ mới mang lại hiệu quả cao mà không ảnh hưởng đến người và vật nuôi…
MINH PHƯƠNG