Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh mở màn

Tin tức - Ngày đăng : 14:53, 05/04/2015

Ngày 9-4-1975: Bộ Chính trị gửi điện cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định phê chuẩn kế hoạch tiến công Sài Gòn...

11 giờ ngày 9-4-1975: Bộ Chính trị gửi điện cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định phê chuẩn kế hoạch tiến công Sài Gòn và nhắc nhở: Cần bảo đảm một khi đã phát động tiến công thì phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng; vừa tiến công ở ngoại vi, vừa nắm kịp thời cơ, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng với những lực lượng đã chuẩn bị sẵn. Thực hiện từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy, không chia làm hai bước.

5 giờ 40 phút ngày 9-4-1975: Một bộ phận Quân đoàn 4 nổ súng tiến công thị xã Xuân Lộc, mở màn chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh. Ta đồng loạt đột phá Xuân Lộc và tiểu khu Long Khánh nhưng không thành công. Ở ngã ba Dầu Giây, Sư đoàn 6 Quân khu 7 tập kích năm chốt của địch và làm chủ một đoạn đường 1A đoạn Hưng Nghĩa-đèo Mẹ Bồng Con.

Mặt trận Xuân Lộc

Tại miền Đông Nam Bộ, Sư đoàn 5 tiến công thị trấn Thủ Thừa và thị trấn Tân An, nhưng gặp địch chống cự mạnh phải chuyển sang đánh vào hệ thống đồn bốt ở phía Bắc lộ 4. Sư đoàn 5 đánh thiệt hại nặng một trung đoàn bộ binh của Sư đoàn 7 ngụy, một trung đoàn thiết giáp, diệt 80 đồn bốt lớn nhỏ, giải phóng một vùng rộng lớn dọc bờ sông Vàm Cỏ Tây và kênh Bo Bo, trực tiếp uy hiếp lộ 4.


Cùng ngày, đặc công Quân khu 6 kết hợp với bộ binh đánh tiêu diệt chi khu Thiện Giáo, tạo điều kiện cho lực lượng ta tiến vào Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy.

Ngày 10/4/1975: Ta mở rộng diện kiểm soát trong thị xã Xuân Lộc; Ban Bí thư ra Thông tri về tuyên truyền chiến thắng, động viên thi đua với miền Nam ruột thịt, giành nhiều thắng lợi mới

Sáng ngày 10-4-1975: Ta tiếp tục đột phá thị xã Xuân Lộc và mở rộng diện kiểm soát trong thị xã. Địch điều thêm Liên đoàn biệt động quân tăng viện cho Xuân Lộc.

Bộ đội tiến vào giải phóng Xuân Lộc

Cùng ngày, Ban Bí thư ra Thông tri số 312-TT/TƯ về tuyên truyền chiến thắng, động viên thi đua với miền Nam ruột thịt, giành nhiều thắng lợi mới. Thông tri nhấn mạnh: “… Sự phát triển nhanh chóng của cách mạng miền Nam đặt ra nhiều yêu cầu mới cần giải quyết. Những thắng lợi ở miền Nam đang dấy lên khí thế cách mạng sôi nổi trong cả nước. Cần thông báo nhanh, sâu rộng tin chiến thắng, động viên chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, làm cho mọi người thấy rõ ý nghĩa thắng lợi và trách nhiệm của mình trước tình hình mới, góp phần cố gắng lớn nhất vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc”.


Ở hậu phương miền Bắc, Hội đồng chi viện Trung ương đã khẩn trương làm việc. Đồng bào Tây Bắc, Việt Bắc đã gửi kiến nghị lên Trung ương yêu cầu tạm ngừng vận chuyển hàng hoá, thực phẩm lên địa phương mình, để tập trung chi viện kịp thời cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Các nhà máy, xí nghiệp cũng huy động tới 30-50% quân số đi tham gia phục vụ chiến trường.

Ngày 11-4-1975: Chiến trận ở Xuân Lộc diễn ra ác liệt; ta tiến công tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng, bẻ gãy nhiều đợt phản kích của địch.

Tại mặt trận phía Đông Sài Gòn, trận Xuân Lộc vẫn diễn ra quyết liệt. Quân ngụy huy động mức cao nhất lực lượng không quân còn lại vào Xuân Lộc. Tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy huênh hoang tuyên bố: “Sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết và cho Mỹ tăng thêm viện trợ”.

Nhưng các Sư đoàn của binh đoàn Cửu Long của ta đã liên tục tiến công diệt nhiều mục tiêu quan trọng, bẻ gãy nhiều đợt phản kích, gây tổn thất nặng nề cho Trung đoàn 43 ngụy, đè bẹp ý chí “tử thủ” đến cùng của chúng.

Quân ủy và Trung ương Cục đã cho một bộ phận lớn lực lượng cắt lộ 15 (Long Bình-Bà Rịa), khống chế sông Lòng Tàu và sân bay Biên Hoà không cho không quân địch cất cánh, kéo địch ra hướng này và giữ địch ở đây cho đến khi chiến dịch tiến công Sài Gòn-Gia Định bắt đầu.

Trên mặt trận đường 4, bộ đội chủ lực và địa phương đã tiến công giải phóng nhiều mảng rộng lớn ven đường, tạo thuận lợi cho việc cắt đường 4 khi có lệnh.



Theo TTXVN