Ráo riết cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định

Tin tức - Ngày đăng : 04:46, 06/04/2015

Ngày 12-4-1975: Thường vụ Thành ủy Sài Gòn-Gia Định ra Nghị quyết chuẩn bị ráo riết cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định...

Ngày 12-4-1975: Thường vụ Thành ủy Sài Gòn-Gia Định ra Nghị quyết chuẩn bị ráo riết cho Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Chiều cùng ngày, Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định giao nhiệm vụ cho binh đoàn Tây Nguyên chuẩn bị kế hoạch tham gia Chiến dịch. 

Trong ngày, lực lượng vũ trang khu 8, khu 9 đã mở thông hành lang nối liền từ miền Đông Nam Bộ đến Đồng Tháp Mười, làm chủ các đoạn đường chiến lược quan trọng ở vùng giáp ranh để tạo điều kiện đưa thêm lực lượng, binh khí kỹ thuật vào áp sát Sài Gòn.

Các đơn vị trên đường tiến về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh

Trước nguy cơ sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Sài Gòn, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã lập một đài phát thanh bí mật mạo danh là đài phát thanh “Sao Đỏ” của Việt cộng, ngày đêm phát đi những bài với nội dung đe doạ: “Việt cộng sẽ trả thù những ai tham gia chính quyền và quân đội Việt Nam cộng hoà”, nhằm mục đích kích động tinh thần chiến đấu đến cùng của ngụy quân, ngụy quyền miền Nam. Nhưng chính việc làm này lại làm cho quân ngụy thêm hốt hoảng, mất ý chí chiến đấu và tìm mọi cách chuồn ra nước ngoài tị nạn.

Ngày 13-4-1975: Ta chuẩn bị tiến công Phan Rang, phát triển thực lực ở nội thành Sài Gòn; Bộ Tổng tư lệnh điện cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh chuyển cách đánh cho thích hợp.

Ngày 13-4-1975, các cánh quân của ta đã hành tiến áp sát và chuẩn bị tiến công “lá chắn thép” Phan Rang - phòng tuyến “tử thủ” Sài Gòn từ xa của quân ngụy.

Thành ủy Sài Gòn-Gia Định tập trung khâu chỉ đạo chuẩn bị cho đòn nổi dậy phát động quần chúng, rải truyền đơn phát triển thực lực. Các cấp đều được tăng cường cán bộ, đảng viên và các cơ sở quần chúng. Biệt động thành nắm chắc các lực lượng quan trọng gồm: 60 tổ biệt động, hơn 300 quần chúng có vũ trang, khoảng 30.000 quần chúng sẵn sàng nổi dậy. Ngoài ra, lực lượng đứng ở vùng ven cũng được lệnh sẵn sàng tiến vào nội đô; lực lượng hậu cần bảo đảm cho chiến dịch cũng được triển khai hoạt động.

Cùng ngày, Bộ Tổng tư lệnh điện cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh: Ở hướng Xuân Lộc hiện không nên thêm lực lượng. Với lực lượng sẵn có, chuyển cách đánh cho thích hợp để đạt những yêu cầu đề ra.

Giải phóng đảo Song Tử Tây

Ngày 14-4-1975: Ta giải phóng đảo Song Tử Tây, tiến công tuyến phòng thủ Phan Rang của địch; Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn được mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

5 giờ 30 phút ngày 14-4-1975, bộ đội đặc công của ta giải phóng đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa). 

17 giờ 50 phút ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị gửi điện cho các đồng chí Tám Thành (Hoàng Văn Thái), Bảy Cường (Phạm Hùng) và Tuấn (Văn Tiến Dũng) với nội dung: "Bộ Chính trị đã họp nghe Quân ủy Trung ương báo cáo tình hình mặt trận Sài Gòn và các phương hướng, chủ trương mà các anh đã điện ra. Bộ Chính trị nhất trí với các phương hướng, chủ trương ấy. Mong các anh tranh thủ thời gian chuẩn bị thật tốt để giành thắng lợi thật to lớn. Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Cùng ngày, Sư đoàn bộ binh 3 (Quân khu 5) và Trung đoàn 25 bộ binh (mặt trận Tây Nguyên) của ta đã nổ súng tiến công thị xã Phan Rang. Trên hướng đường số 1 (hướng chính), ta nhanh chóng chiếm được quận lỵ Du Long và các điểm cao 105, 300, Ba Râu, Suối Vàng, Suối Đá, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Hướng đường số 11, ta chiếm được một số cứ điểm ngoại vi sân bay Thành Sơn và đánh bại các đợt phản kích của địch. 

Trong khi đó, ở Mỹ, Tổng thống Gerald Ford đã họp cùng Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ để vận động thông qua viện trợ cho chính quyền Sài Gòn.


Theo TTXVN