Đảo Cò đang quá tải

Môi trường - Ngày đăng : 08:59, 08/04/2015

Không những đẻ sớm hơn mọi năm khoảng 2 tháng mà cò, vạc còn đẻ nhiều, làm tổ chi chít, có nhiều bụi tre có tới 30-40 tổ. Đây là một hiện tượng hiếm có...



Cò vạc thi nhau làm tổ, đẻ trứng đang gây quá tải cho đảo Cò

Năm nay, mới cuối tháng 2 dương lịch mà cò vạc đã thi nhau về đảo Cò (Chi Lăng Nam, Thanh Miện) làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng. Theo người dân ở đây thì thông thường mọi năm từ tháng tư trở đi chúng mới sinh đẻ. Không những năm nay chúng đẻ sớm mà còn đẻ nhiều, làm tổ chi chít, có nhiều bụi tre còm mà có tới 30-40 tổ. Đây là một hiện tượng hiếm có.

Nguyên nhân của hiện tượng trên có thể do cò vạc sinh ra, trưởng thành từ nơi đây các năm trước đã trở thành “cò vạc bản địa”. Chúng thích quay về nơi “chôn nhau cắt rốn” để sinh sản. Hiện tượng này thường xảy ra ở các động vật sống bầy đàn. Chẳng hạn các đàn cá hồi đẻ trứng ở thượng nguồn sông. Đàn cá hồi con tìm đường ra biển sinh sống. Nhưng đến mùa sinh sản chúng lại phải quay về thượng nguồn sông, nơi chúng ra đời, để đẻ trứng. Dù trên đường đi chúng phải vượt biết bao ghềnh thác, tổn hao sinh lực và thậm chí cả sinh mạng.

Đảo Cò có vực nước hồ vây quanh, xa cách với con người nên cò vạc cảm thấy an toàn cho cả trứng, cò vạc con và cò vạc cha mẹ. Khi nuôi con, cặp vợ chồng cò vạc mỗi ngày phải hàng chục lần kiếm mồi tha về tổ cho con non, vì ở tuổi này chúng ăn rất khỏe và lớn nhanh như thổi. Cò bố mẹ thay nhau ấp trứng và khi con nở lại thay nhau kiếm mồi. Không may con bố mẹ bị con người giăng bẫy bắt đi thì đàn con đành chết đói. Bố mẹ nào, con non nấy, cò vạc không có thói quen nuôi con non của tổ khác. Vì thế, bảo vệ cò vạc bố mẹ ở các nơi chúng kiếm ăn là cần thiết. Vừa qua chúng tôi có chụp ảnh được có người bán cò vạc bố mẹ ở ngay TP Hải Dương. Những người đánh bắt chúng không biết rằng mỗi cặp cò vạc bán đi ấy sẽ có một đàn con non bị chết đói.

Các năm trước cò vạc còn làm tổ ở đồi cây keo tai tượng của ông Kiểm ở xã An Lạc (Chí Linh). Gần đây chúng cũng làm tổ trong bụi cây và, cây gáo và lau sậy ở bãi Soi Nam (TP Hải Dương), có người mỗi năm đã lấy đi hàng mũ trứng cò vạc. Nhưng những nơi này không được bảo vệ kịp thời, đồi cò ở An Lạc đã bị cháy và các bụi cây ở Soi Nam đã bị chặt hết để nuôi cá, nên cò vạc không còn chỗ làm tổ và đẻ trứng nữa. Soi Nam chỉ còn là nơi chúng đến kiếm ăn và ngủ tạm. Chính vì thế, chúng dồn hết về Chi Lăng Nam để sinh sản.

 Tình hình này vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì cò vạc về đông đúc và sinh sản mật độ cao như thế sẽ thu hút khách du lịch quanh năm. Lo vì hiện tượng trên sẽ gây ra tình trạng quá tải cho đảo Cò, nhất là khi đang bị thu hẹp do sạt lở, cây chết vì phân cò tác động và bây giờ cây còn chết vì nặng trĩu những tổ cò và những cành nhỏ bị chúng vặt trụi để làm tổ.

Giải pháp cấp bách là cần trồng ngay các cây thay thế cho cây đã chết (chiếm đến 1/4 số cây trên đảo), như cây gáo nước, cây và để chống sạt lở. Giải pháp lâu dài là cạp bờ các chỗ có khả năng sạt lở nhiều. Cũng cần nghĩ tới việc mở thêm các đảo phụ ở phía nam và ở phía đông bắc trong vùng đệm của hồ An Dương. Cần trồng ngay cây tre gai ở đó và dần dần tách ra thành các đảo phụ. Do thiếu chỗ làm tổ, chắc chắn cò vạc sẽ tới làm tổ ngay và như vậy đảo Cò càng phát triển bền vững, tương xứng với một di tích danh thắng quốc gia.

NGUYỄN VĂN KHANG