Hỏi - đáp về kỳ thi THPT quốc gia

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:09, 08/04/2015

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 là kỳ thi đầu tiên thực hiện theo hình thức "2 trong 1", vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.


Nhằm kịp thời giải đáp các băn khoăn, thắc mắc liên quan đến công tác tổ chức thi và quyền lợi của các thí sinh, Hải Dương online đăng câu hỏi và phần trả lời về những điểm mới của kỳ thi.

Hỏi: Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng bằng cách tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 dựa trên cơ sở nào?

Trả lời:

1 - Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI yêu cầu:
- “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”; “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”.

- “Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo” và “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”.

2 - Luật Giáo dục đại học quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.

3 - Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9-6-2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI yêu cầu: “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học...”.

4 - Ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (Thông báo số 74/TB-VPCP ngày 20-2-2014 của Văn phòng Chính phủ): “Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015 và công bố công khai vào đầu quý III năm 2014 theo hướng: Nội dung thi nhằm tạo động lực để học sinh học phát triển toàn diện, đồng thời có tính hướng nghiệp, tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục Đại học và hướng tới có một kỳ thi quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng”.

5 - Trong những năm gần đây, các trường phổ thông đã thu được những kết quả bước đầu về đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, tạo tiền đề thuận lợi để đổi mới căn bản phương thức thi.

- Các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “3 chung” trong 13 năm qua đã khẳng định những thành công, ưu điểm, được xã hội đồng tình và đánh giá cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 đã trở nên nghiêm túc, thân thiện hơn, giảm áp lực cho học sinh và xã hội. Kết quả của 2 kỳ thi phản ánh được thực chất năng lực của học sinh.

- Tuy vậy, hình thức thi "3 chung" đang ngày càng bộc lộ một số hạn chế đối với sự phát triển đa dạng ngành nghề đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng; nhất là khi các trường đại học, cao đẳng được quyền tự chủ tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục Đại học.

- Việc tổ chức liên tiếp 2 kỳ thi quốc gia như những năm qua đã gây nhiều áp lực cho học sinh và tốn kém cho xã hội.

Như vậy, đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng là đòi hỏi tất yếu trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Đây chính là khâu đột phá, góp phần đưa Nghị quyết số 29-NQ/TW vào thực tiễn giáo dục, từng bước đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và xã hội, tác động tích cực đối với quá trình dạy và học trong các nhà trường phổ thông.

Hỏi: Mục đích và nguyên tắc của kỳ thi THPT quốc gia?

Trả lời:

 - Mục đích của kỳ thi là lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh; đồng thời có tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học.

- Nguyên tắc của kỳ thi là phải bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng, bảo đảm độ tin cậy của kết quả thi, giảm tốn kém, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; Bảo đảm tính kế thừa, liên tục của lộ trình đổi mới thi theo hướng chuyển từ chú trọng kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học; không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên và học sinh; vận dụng có hiệu quả những thành tựu hiện đại về đánh giá chất lượng giáo dục.

Nguồn: Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục