Thách thức đối với doanh nghiệp dệt may
Công nghiệp - Ngày đăng : 04:52, 10/04/2015
Khi được ký kết, TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng yêu cầu rất lớn về công nghệ v
à nhân lực đối với ngành dệt may. Ảnh: TC
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được nước ta tích cực tham gia đàm phán và nhiều khả năng sẽ được ký kết trong năm nay. Với những ưu đãi về thuế suất xuất khẩu, TPP sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với doanh nghiệp dệt may nước ta nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng.
Chủ động đầu tư
Chủ động đón đầu Hiệp định TPP, thời gian qua nhiều doanh nghiệp dệt may đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư mạnh vào tỉnh ta, điển hình nhất là 2 nhà đầu tư May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal (thuộc Tập đoàn Dệt may Crystal, Hồng Kông). Bà Trần Thị Vượng, Giám đốc Hành chính và Nhân sự Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết: Thời gian qua, công ty luôn duy trì nhà máy 1 hoạt động ổn định tại khu công nghiệp (KCN) Nam Sách (TP Hải Dương) với hơn 6.000 công nhân. Công ty đã và đang tích cực triển khai Dự án May Tinh Lợi 2 tại KCN Lai Vu với tổng mức đầu tư 35 triệu USD. Đến nay, nhà máy Tinh Lợi 2 đã đi vào hoạt động với 3 nhà xưởng sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho 6.000 công nhân. Trong vòng 3 năm tới, công ty sẽ xây dựng tiếp 8 xưởng may với tổng vốn đầu tư 125 triệu USD, thu hút thêm 15.000 lao động, chủ yếu là lao động địa phương.
Dự án dệt Pacific đang xây dựng giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 180 triệu USD, dự kiến thu hút khoảng 5.000 lao động. Một số nhà xưởng đầu tiên hiện đang hoạt động thử từ tháng 3-2015. Đến năm 2017, khi dự án hoàn thành, mỗi năm tổ hợp dệt may này sẽ cung cấp ra thị trường 110 triệu mét vải dệt kim và 92 triệu sản phẩm may mặc các loại, doanh thu khoảng 370 triệu USD. Trong đó, 95% số lượng vải của Nhà máy Dệt Pacific được tiêu thụ trong nước, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất dệt may.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Trưởng phòng Nhân sự của Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên, doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất tăng hơn gấp đôi so với trước đây lên thành 48 dây chuyền, thu hút gần 2.000 công nhân. Ba tháng đầu năm nay, doanh nghiệp đã sản xuất và xuất khẩu hơn 330.000 sản phẩm, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Với thị trường độc nhất là Mỹ nên doanh nghiệp này cũng đang rất mong chờ Hiệp định TPP sớm được ký kết. Để sản xuất mang tính chuyên môn hóa cao, đáp ứng các yêu cầu mà Hiệp định TPP dự kiến thông qua, giải pháp quan trọng mà Phú Nguyên chủ động thực hiện là chuyên may một dòng sản phẩm duy nhất comple nữ dành cho nhân viên văn phòng, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động ký hợp đồng với các thương hiệu phân phối nổi tiếng trên thị trường Mỹ như Tahari, Kasper, Judy, KC…
Yêu cầu cao về công nghệ, nhân lực
Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 500 doanh nghiệp dệt may. Năm 2014, dệt may đóng góp khoảng 1 tỷ USD vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Nhiều doanh nghiệp may mặc có sản lượng xuất khẩu lớn như Tinh Lợi, Shints BVT, Haivina, Phú Nguyên... Thị trường Mỹ và EU phục hồi, thị trường Nhật Bản tăng nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, các thị trường xuất khẩu mới ở châu Phi, Trung Đông, Đông Âu… đã và đang thúc đẩy các doanh nghiệp may mặc tỉnh ta tích cực đầu tư, đẩy mạnh sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chủ động ký kết hợp đồng đơn hàng sớm và trải đều thời gian giao hàng để giảm áp lực sản xuất. Thông tin từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, các đơn hàng xuất khẩu đầu năm nay đều có sản lượng khá lớn. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tỉnh ta đã tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2014.
Bà Trần Thị Vượng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Tinh Lợi duy trì và ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ và EU, bảo đảm việc làm cho công nhân trong cả quý III-2015. Trong tháng 3, cả 2 nhà máy 1 và 2 của Tinh Lợi đã sản xuất 6 triệu sản phẩm, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Để chủ động đón đầu TPP, công ty giữ vững và không ngừng mở rộng thị trường, duy trì quan hệ thương mại với nhiều thương hiệu phân phối nổi tiếng như Uniqlo, JCP, ANN.Inc, Target, AXE… Bên cạnh các dòng sản phẩm áo dệt kim truyền thống, doanh nghiệp này vừa ra mắt thị trường sản phẩm mới kết hợp dệt kim và len. Ngoài sản phẩm chính là áo nữ, sản phẩm của Tinh Lợi cũng bước đầu hướng tới cả các đối tượng là nam giới và trẻ em. Để tăng năng suất lao động, nhà máy 2 áp dụng dây chuyền công nghệ dọc, khép kín từ khâu cắt, may đến đóng gói sản phẩm, đồng thời, rút ngắn quy trình đào tạo thực hành cho công nhân. Nhà máy quy hoạch hợp lý để vận chuyển hàng hóa ra, vào thuận tiện. Với hợp đồng sử dụng vải của Nhà máy Dệt Pacific liền kề, nhà máy Tinh Lợi 2 vừa chủ động nguồn nguyên liệu, vừa có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 30% như hiện nay lên 60% trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Xuân Đoan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để được hưởng lợi từ TPP, ngành dệt may phải đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động, tiêu chí về xuất xứ rất chặt chẽ, đây sẽ là thách thức không nhỏ. Theo đàm phán TPP, nguyên liệu hàng dệt may phải có xuất xứ từ các nước trong TPP. Trong khi đó, dệt may Việt Nam nói chung và ở tỉnh ta nói riêng hiện phụ thuộc 60-70% nguyên, phụ liệu nhập từ các nước ngoài TPP. Quy tắc xuất xứ “Sản xuất tại Việt Nam” quy định hạn chế “từ sợi trở đi", cũng áp dụng ở cấp độ sản phẩm. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của ngành may tỉnh ta thấp, gần 80% chỉ đơn thuần cắt may, năng suất trung bình của công nhân may thấp. Nhưng để có vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị đòi hỏi phải có đầu tư lớn cả về công nghệ và nhân lực.
THÀNH LONG
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - viết tắt là TPP), bao gồm 12 nền kinh tế của 3 châu lục là Singapore, Chile, Peru, Brunei, Australia, Mỹ, Malaysia, New Zealand, Canada, Mexico, Nhật Bản và Việt Nam đang trong quá trình đàm phán. TPP hứa hẹn sẽ mang lại bước nhảy vọt cho nền kinh tế Việt Nam với những ưu đãi về thuế suất xuất khẩu. Tham gia vòng đàm phán của Hiệp định TPP, xuất khẩu dệt may sang Mỹ của Việt Nam vào năm 2020 dự kiến đạt 22 tỷ USD. |