Vài cách "đến"
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 10:59, 11/04/2015
Trong ca dao, dân ca, từ đến xuất hiện nhiều. Cách dùng đến của dân gian gợi nên bao điều thú vị:
Bao giờ cho đến tháng hai
Con gái làm cỏ, con trai be bờ
(ca dao)
Từ đến dùng trong trường hợp này thuộc phạm trù thời gian. Tháng hai là mốc thời gian cho trước, nằm ở phía tương lai. Sự chuyển động của thời gian theo âm lịch, đúng hơn là theo nông lịch. Từ trước đó đến tháng hai mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Đến tháng hai mới có đột biến bất ngờ. Đến lúc này con gái mới làm cỏ, con trai mới be bờ. Công việc nhà nông đã biết trước, đã được chuẩn bị từ trước tháng hai. Không cần biết be bờ, làm cỏ ở đâu. Có nghĩa là không cần lưu ý tới không gian. Chủ thể không cần chuyển động từ nơi này đến chốn kia. Nhiều trường hợp dùng đến theo cách này:
Bao giờ cho đến tháng ba
Cho ếch cõng rắn đưa ra ngoài đồng.
(ca dao)
Bao giờ cho đến tháng mười
Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn
(ca dao)
Trường hợp dưới đây thì lại khác:
Thuyền đà đến bến anh ơi
Sao anh chẳng bắc cầu noi lên bờ
(ca dao)
Từ bến chỉ nơi chốn thuyền đã đến. Bến là mốc không gian đã biết, định hướng chuyển động của thuyền. Không cần biết những gì xảy ra trước khi thuyền đến bến. Chỉ khi đến bến thuyền mới có hành động đột biến bắc cầu noi lên bờ. Không cần biết thuyền đến bến lúc mấy giờ. Không cần mốc thời gian. Chỉ có mốc không gian nằm ở phía thuyền hướng tới. Xin dẫn thêm vài ví dụ từ đến thuộc về không gian:
Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
(ca dao)
Ai đưa ta đến chốn này
Bên kia là núi, bên này là sông
(ca dao)
Đâu phải lúc nào từ đến cũng đi với những từ chỉ rõ thời gian hoặc chỉ rõ không gian. Lắm lúc phải lần mò mới tìm ra được nó thuộc phạm trù nào:
Gánh đi ta ném ruộng ta
Đến khi lên mạ thì ta nhổ về
(ca dao )
Hai câu trên trích trong bài ca trồng lúa ở Bắc Bộ và nửa ngoài miền Trung. Nơi đây, trước hết người ta ủ hạt nẩy mầm rồi mới đem gieo. Đến độ nào đó thì nhổ mạ, hớt lá, đem đi cấy. Từ Hải Vân trở vào, người ta gieo thẳng gọi là sạ lúa, không qua công đoạn nhổ mạ, cấy lúa như ở đàng ngoài. Người đọc lưu ý khi lên mạ thì mới nhổ về. Hành động nhổ về do mốc khi lên mạ quy định. Không biết nhổ mạ ở đâu. Bỏ qua không gian. Chỉ cần chú ý tới thời gian sinh trưởng của cây mạ. Nhưng không cần mốc thời gian xác định cụ thể như là tháng hai, tháng mười. Xin lưu ý thêm, đàng ngoài cấy lúa bằng tay nên mới có câu: Bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Thu hoạch lúa gọi là gặt lúa, nên mới có cặp từ cấy gặt. Gặt lúa bằng hái nên có thêm cặp từ cấy hái. Cắt rạ bằng liềm, lại thêm cặp từ liềm hái. Từ Hải Vân trở vào cần thận trọng khi gặp những cặp từ này. Từ đến ngày càng mở rộng ngữ nghĩa. Có lúc vượt ra ngoài không gian, thời gian xác định, đi vào thế giới trừu tượng của quy luật thế thái nhân tình:
Khi vui thì vỗ tay vào
Đến khi hoạn nạn thì nào có ai
(ca dao)
Trong Truyện Kiều, từ đến nhiều lần ra mắt độc giả. Rất ít từ đến cập bờ không gian, thời gian. Đa phần xuất hiện trong môi trường trừu tượng thuộc các lĩnh vực đạo đức, tâm lý, số phận, tâm linh, tình cảm...
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu
(Kiều)
Đời Kiều chuyển động trên con đường số phận, con đường đắng cay theo quy luật đồng tiền. Nàng bị đẩy đi về phía số âm hạnh phúc, đi về vô vọng. Càng đi càng tủi phận, chán chường:
Khéo là mặt dạn mày dày
Kiếp này đã đến thế này thì thôi
(Kiều )
Thế này đứng sau từ đến thông báo một điều hệ trọng. Lấy cuộc đời bình thường làm mốc, nhìn trở lại, đời Kiều đã trôi về phía tủi cực khá xa. Chốn ấy, Kiều không được làm người. Càng xoay xở, càng sa chân:
Hồng quân với khách hồng quần
Đã xoay đến thế, còn vần chưa tha
(Kiều)
Hơn một lần đến thế xuất hiện. Lại thêm đến nỗi, đến quá, đến đâu... Mỗi lần gặp từ đến là mỗi lần đời Kiều tụt xuống bậc thang bất hạnh. Mỗi lần tiếng khóc than thân trách phận thêm phần tủi cực xót xa. Trong thơ ca cách mạng, từ đến chuyển động về phía không gian tươi sáng, về phía thời gian hy vọng. Trong bài thơ Thăm lúa của Trần Hữu Thung, từ đến vòng lại hai lần:
Vượt cánh đồng tạt ngang
Đến bờ ni anh bảo
...
Sắp đến chỗ người đông
Anh bảo em ngoái lại
Hai lần từ đến đều hướng về nơi chia tay. Lẽ ra phải bùi ngùi nước mắt. Ngược lại, cả hai lần đều hướng đến niềm tin chiến thắng. Tần số xuất hiện của từ đến trong Bài ca mùa xuân 1961 của Tố Hữu khá cao:
Dắt nhau đi cho đến sáng mai nay
Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay.
...
Xuân ơi xuân, em mới đến dăm năm
Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội
Hai bàn tay hãy làm tất cả
Xuân đã đến rồi! Hối hả tương lai
Từ đến trong thơ Tố Hữu tuy nhiều, nhưng cũng chỉ nằm ở hai phạm trù không gian, thời gian. Trong bài thơ Người đi tìm hình của nước, nhà thơ Chế Lan Viên dùng từ đến rất lạ:
Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin
Có người cho rằng, nên viết là Bác Hồ đến với Luận cương Lê-nin. Đó là một cách nghĩ. Lại còn cách nghĩ khác. Chiếu vào mọi vật khác, ánh sáng vẫn chỉ là ánh sáng. Khi chiếu vào kim cương, ánh sáng trở nên kỳ ảo, kỳ diệu. Luận cương Lê-nin trước đó và sau này vẫn rọi sáng thế giới nô lệ. Chỉ khi đến với Bác Hồ mới phát sáng, mới thành sức mạnh thời đại. Hình tượng Lê-nin, hình tượng Bác Hồ song hành lung linh trong bài thơ:
Ôi! Đường đến với Lê-nin là đường về Tổ quốc
Tuyết Mat-xcơ-va sáng ấy lạnh trăm lần
...
Luận cương Lê-nin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến gần
Theo logic không gian thuần tuý, đường đến, đường về trong câu thơ trên chả có liên quan gì với nhau, khó mà nối tiếp nhau. Theo logic thơ, đây là sự liên tưởng bất ngờ thú vị. Một nét riêng của Chế Lan Viên. Hai khái niệm độc lập, có khi còn xa lạ với nhau, qua ngòi bút của ông hóa thành cặp đôi hình tượng, tạo nên chiều sâu suy tưởng,tạo nên thẩm mỹ thơ. Có khổ thơ 4 câu ông dùng 3 từ đến thuộc phạm trù không gian:
Ôi, chim én có bay không chim én
Đến những đảo xa, đến những đảo mờ
Ở đâu chưa đi thì lòng sẽ đến
Lúc trở về lòng ngậm những cành thơ
(Qua Hạ Long)
Theo nhà thơ có hai cách đến. Cách thứ nhất là sự chuyển động của chủ thể từ nơi này đến chốn kia. Cách đến thông thường của mọi người. Cách thứ hai, đến bằng tâm hồn, tình cảm, bằng trí tưởng tượng. Cách đến này giã từ hiện thực sát mặt đất để bay lên. Cách đến của nghệ thuật.
LÊ ĐÌNH CÁNH