Nở rộ các chiếu chèo làng

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 04:08, 14/04/2015

Các đội chèo ở thôn quê chủ yếu được thành lập từ niềm đam mê của các nghệ sĩ, diễn viên nghiệp dư và sự quan tâm của địa phương...



Sự nở rộ của các đội văn nghệ hát chèo đã góp phần quan trọng bảo tồn, phát triển nghệ thuật chèo

Hải Dương là một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, với nhiệt huyết của các nghệ sĩ dân gian, nghệ thuật chèo đã phát triển rộng khắp ở các làng quê, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Đến nay, nghệ thuật chèo đã có hơn nghìn năm phát triển trên mảnh đất xứ Đông. Từ những chiếu chèo làng, các gánh chèo, nghệ thuật chèo của ông cha đã thấm đẫm, ăn sâu vào máu thịt của các thế hệ. Trải qua biến thiên của lịch sử, có lúc thăng trầm, song nghệ thuật chèo vẫn không ngừng nở rộ ở các làng quê.

Chiếu chèo của làng Tuyển Cử, xã Tân Hồng (Bình Giang) nổi tiếng từ xa xưa. Những năm 60 của thế kỷ trước, trong làng chỉ có vài chục hộ dân nhưng đã hình thành đến 5 gánh chèo, tham gia biểu diễn nhiều nơi. Các gánh chèo này biểu diễn được rất nhiều vở chèo cổ dài, khó nhớ.

Đến nay, trong làng không còn các gánh hát song nghệ thuật chèo vẫn được người dân nơi đây bảo tồn, gìn giữ. Ông Dương Văn Cấp, Đội trưởng Đội văn nghệ làng Tuyển Cử cho biết: Đội hát chèo của thôn hiện có 26 nghệ sĩ dân gian, gồm 8 nhạc công, còn lại là diễn viên. Vào dịp hội làng tháng giêng, các ngày lễ, Tết, tiếng hát chèo lại vang khắp làng Tuyển Cử. Không chỉ tham gia biểu diễn phục vụ các lễ hội của thôn và địa phương, nhiều năm qua, đội chèo làng Tuyển Cử còn đại diện cho huyện tham gia các hội thi sân khấu cấp tỉnh và đều giành giải cao. Hiện Tuyển Cử còn giữ được nhiều trích đoạn chèo cổ như: “Thị Mầu lên chùa”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Sao anh không về”. Các nghệ sĩ trong đội hát chèo còn tự biên, tự diễn được nhiều trích đoạn chèo mới như: "Chân trời ước vọng", “Chuyện tình biển đảo”, “Điều lựa chọn”, “Bến sông ngày ấy”, “Bà mẹ và trang nhật ký”...

Các tối thứ bảy, chủ nhật, đội văn nghệ thôn Tuyển Cử còn mở lớp dạy hát chèo cho các em học sinh có năng khiếu ôn luyện thi vào các trường nghệ thuật. Nhiều học sinh đã thi đỗ. Từ truyền thống hát chèo của địa phương, đến nay cả thôn có khoảng 20 người đang tham gia công tác tại các đoàn chèo, đơn vị nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương.

Không chỉ ở Tuyển Cử, chèo đã lan ra nhiều thôn khác trên địa bàn huyện Bình Giang. Trước kia, toàn huyện mới có vài thôn thành lập được câu lạc bộ (CLB) hoặc đội chèo. Đến nay, Bình Giang đã có khoảng 40 CLB, đội chèo, góp phần gìn giữ và phát triển một môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Cũng như Bình Giang, phong trào hát chèo lan rộng ở các thôn của huyện Nam Sách. Thôn Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách) từng có vợ chồng đào kép Nguyễn Văn Vấn, Lê Thị Kéo đứng ra thành lập gánh hát chèo riêng, biểu diễn khắp trong làng, ngoài xã. Sau này gánh hát trở thành hạt nhân của đội văn nghệ địa phương, nhưng do nhiều lý do, đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước, đội văn nghệ giải thể. Từ đó phong trào hát chèo ở địa phương lắng xuống. Năm 2004, vợ chồng bà Lê Thị Hương Dự từng tham gia gánh hát chèo của cụ Vấn xưa đã đứng ra thành lập đội văn nghệ gia đình. Vợ chồng bà trích lương hưu mua sắm trang phục, nhạc cụ, vận động hơn chục con cháu tham gia vào đội. Bà Dự tự viết lời và đạo diễn các vở, hoạt cảnh chèo cho đội. Để nâng cao chất lượng vở diễn, bà Dự còn tham gia lớp tập huấn kỹ năng viết kịch bản và đạo diễn chèo. Đến nay, bà Dự đã viết và dựng được nhiều vở, tiểu phẩm chèo, tiêu biểu như “Ký ức một thời”, “Tỉnh ngộ”, “Quê tôi ngày ấy”, “Xà xẻo tý”, “Chung một con đường”. Vợ chồng bà Dự góp phần quan trọng vào việc khôi phục, phát triển nghệ thuật hát chèo ở thôn Đầu nói riêng và xã Hợp Tiến nói chung.

Nâng cao đời sống tinh thần


Đến nay, đội chèo làng văn hóa Lũng Quý, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) đã có trên 60 năm hoạt động. Từ đội văn công với 13 diễn viên, nhạc công, hiện đội đã có trên 150 diễn viên, nhạc công, trong đó có nhiều gia đình từ 3 - 4 thế hệ cùng tham gia. Hơn 60 năm qua, đội đã ra mắt trên 70 vở diễn và nhiều tiểu phẩm, ca cảnh chèo. Những vở diễn của đội đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đội đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tặng thưởng 194 bằng khen, giấy khen các loại cho tập thể, cá nhân.

CLB Hát chèo khu dân cư Thượng Đạt, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) được thành lập năm 2008. Ban đầu, CLB chỉ có 6 người, đến nay phát triển lên 20 thành viên, phần lớn còn trẻ. Các thành viên trong CLB tự nguyện đóng góp kinh phí để mua nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Năm 2010, để mở rộng quy mô, CLB hát chèo liên khu Thượng Đạt - Xuân Dương được thành lập và đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, CLB đã phối hợp, tổ chức và tham gia trên 200 chương trình biểu diễn tại các khu dân cư, hội diễn, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng dân cư.

Theo ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, hiện toàn tỉnh có 762 đội chèo quần chúng ở các thôn, khu dân cư. Các đội chèo chủ yếu được thành lập từ niềm đam mê của các nghệ sĩ, diễn viên nghiệp dư và sự quan tâm của các địa phương. Sự nở rộ của các đội chèo đã góp phần quan trọng bảo tồn, phát triển nghệ thuật chèo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay để hoạt động hầu hết các thành viên phải tự bỏ tiền mua sắm trang thiết bị, trang phục, đạo cụ biểu diễn. Từ năm 2012 trở về trước, mỗi năm ngành văn hóa được tỉnh cấp kinh phí mở từ 3-4 lớp tập huấn nghệ thuật hát chèo cho các nhân tố văn nghệ quần chúng. Ngoài ra, trung tâm còn in các tập kịch bản chuyển về các xã, phường giúp các đội văn nghệ quần chúng có tài liệu dàn dựng chương trình. Nhưng một số năm trở lại đây, kinh phí dành cho các hoạt động trên đã bị cắt.

Mong rằng các chiếu chèo làng sẽ được quan tâm để giữ lửa môn nghệ thuật truyền thống của xứ Đông.

NGỌC HÙNG