Ngôi nhà xây bằng nước đầu tiên trên thế giới
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 14:39, 14/04/2015
Ngôi nhà mẫu xây bằng nước rộng 8m2 của anh Gutai. Ảnh: CNN |
Nước là vật liệu hoàn hảo để giữ nhiệt độ lý tưởng cho nhà, Matyas Gutai, kiến trúc sư người Hungary cho biết. Sau nhiều năm nghiên cứu "kỹ thuật xây dựng bằng chất lỏng", cùng với người bạn thời trung học Milan Berenyi, Gutai đã xây thử một ngôi nhà mẫu bằng nước tại quê nhà Kecskemet, thành phố miền trung Hungary.
Theo CNN, năm 2013, khi đang học kiến trúc tại Đại học Tokyo, Gutai nảy ra ý tưởng xây nhà bằng nước trong một lần đi tắm nước nóng ngoài trời. Lúc đó, mặc dù tuyết đang rơi, nhưng Gutai không cảm thấy lạnh. Đó là lúc anh nhận ra tầm quan trọng của nhiệt độ bề mặt nước và tiềm năng sử dụng nó trong xây dựng.
Ngôi nhà được dựng bằng các tấm panô, thép và kính. Nước được bơm vào lớp giữa, giúp cân bằng nhiệt cho cả công trình.
"Các tấm panô giúp làm nóng hoặc làm mát ngôi nhà. Nước bên trong nó hoạt động như một lò sưởi", Gutai giải thích. Khi lạnh, nước nóng dự trữ trong các bể chứa bên ngoài được bơm vào giữa các tấm panô, giúp làm ấm ngôi nhà. Nhiệt độ phòng cũng có thể điều chỉnh bằng cách sử dụng hệ thống điều khiển tương tự như hệ thống sưởi trung tâm.
"Phương pháp này giúp tiết kiệm năng lượng hơn so với một tòa nhà kích thước tương tự, cũng xây bằng kính," Gutai cho biết. Đây là một hệ thống hiệu quả và bền vững, ngôi nhà có thể tự sản xuất năng lượng, không phụ thuộc vào các nhà cung cấp năng lượng và giảm khí thải carbon.
"Trong thời đại mới, kiến trúc đang dần thay đổi. Chúng ta đã đạt tới giới hạn của kiến trúc thể rắn, và bây giờ, ta cần phải đi tìm một dạng hình kiến trúc khác," Gutai nói về khái niệm "kỹ thuật xây dựng bằng chất lỏng" của mình.
"Tôi bắt đầu nghiên cứu phương pháp này 7-8 năm trước," Gutai giải thích. Anh mất gần 6 năm để xây xong ngôi nhà. Trong quá trình xây xựng, có rất nhiều vấn đề về cấu trúc đặt ra, như nếu nhiệt độ ngoài trời quá lạnh, nước trong khe tường sẽ đóng băng, hoặc chuyện gì xảy ra nếu một tấm panô bị vỡ.
"Chúng tôi đã trộn nước với một dung môi tự nhiên, không gây ô nhiễm, nhưng giảm nhiệt độ đóng băng đến mức khả thi. Điều này có nghĩa là, kể cả khi máy làm nóng nước hỏng, nước cũng không thể đóng băng."
Ngoài ra, các tấm panô cũng được thiết kế đặc biệt, cho phép dòng chảy chậm đi qua, nhưng khóa dòng chảy nhanh. Nếu một tấm panô bị vỡ, nước sẽ được giữ lại ở các tấm khác ngay lập tức. Hiệu ứng này dựa trên nguyên lý thủy động lực học, không cần dùng đến máy tính điện tử hay hệ thống giám sát.
Hiện nay, Gutai đang cộng tác với các trường đại học và nhà sản xuất để đảm bảo tính khả thi trong xây dựng công trình. Ngôi nhà xây mẫu của anh hiện chỉ rộng 8 m2.
"Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng ít năng lượng và vật liệu hơn, và nhân rộng mô hình này ra nhiều thành phố nhất có thể", Gutai phát biểu. Anh hiện đang làm việc tại trường đại học Phùng Giáp, Đài Loan.
Lớp 'tường nước' di chuyển trong lớp giữa ngôi nhà, giúp cân bằng nhiệt độ. Ảnh: CNN |
Hồng Hạnh