Phòng trị bệnh cho vật nuôi bằng thuốc nam

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:43, 16/04/2015

Dùng thuốc nam rất có hiệu quả trong phòng trị bệnh gia súc, gia cầm, lại ít độc tính, hoàn toàn có thể thay thế kháng sinh, giảm được giá thành, tạo thực phẩm sạch và an toàn.


- Cây hành, tỏi từ xưa đã được người dân trộn vào thức ăn gà, vịt con để phòng bệnh. Khoa học đã chứng minh, allicin trong hành là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn penicillin. Cũng giống hành, tỏi chứa allicin có hoạt tính kháng khuẩn rộng, trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn và đóng dấu trên heo. Nước ép tỏi được dùng cho gà uống để phòng, chữa bệnh cúm và trộn vào thức ăn heo trị tiêu chảy rất hiệu quả.

- Lá và củ hẹ tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh, thương hàn, lỵ... do chất odorin và tính kháng khuẩn của hẹ khá bền vững. Củ nghệ chứa curcumin đóng vai trò quan trọng trong kích thích hệ miễn dịch, là chất chống oxy hoá, kháng khuẩn và kháng viêm.
- Dây mơ lông (mơ tam thể) thường được sử dụng trị viêm ruột do lỵ trực trùng và bôi ngoài da trị eczema trên da lợn.

- Ngoài ra, một số cây quen thuộc như: Sả được dùng trị tiêu chảy, ho. Gừng chứa gingerol có tính kháng khuẩn. Trầu không được dùng trị tiêu chảy, phỏng, rửa vết thương do có tác dụng ức chế vi khuẩn rất mạnh. Sâm đại hành phối hợp với vú sữa đất trị heo tiêu chảy kết hợp kiết lỵ. Xuân hoa được dùng trị tiêu chảy cho heo và toi gà hiệu quả. Rau sam, rau mương, rau dừa nước, lá bàng được dùng trị tiêu chảy lợn con.

Trị bệnh cho lợn: Cây thuốc được sắc cho uống hoặc trộn trong thức ăn.

- Bệnh đóng dấu:  Lá bồ công anh (1 nắm) + lá vòi voi (1 nắm). Lá kim ngân (80g) + cam thảo (20g). Lá tía tô (50g) + chu sa (5cm) + sắn dây (20 cm) + hoạt thạch (40g) + cam thảo (4g).

Trị kiết lỵ: Lá cây ô rô (200g) + đọt ổi (50g). Lá mơ lông (300g) + củ cây gai (100g). Rau sam tươi (100g) + cỏ sữa tươi (100g) + cỏ mực (20g); dùng để uống.

Trị thương hàn: Phòng bệnh bằng lá lốt (50g) + lá xoài (20g); hay lá ngải cứu (30g) + lá sả (50g). Trị bệnh bằng cây xuyên tâm liên (16g) + kim ngân (12g) + trắc bá diệp (16g) + ngải cứu (12g); lá lốt (20g) + lá móng (16g) + lá sả (30g) + lá thông (16g); lá sen cạn (20g) + cây chó đẻ (50g) + lá tràm (20g) + tô mộc (12g); kinh giới (12g) + táo (5 trái) + quế chi (10g) + gừng sống (10g).

- Bệnh tụ huyết trùng: Phòng bệnh bằng cây kim ngân (20g) + mã đề (50g); diếp cá (100g) + rau ngót (50g). Trị bệnh bằng cây cỏ mực (16g) + xuyên tâm liên (16g) + tang bạch bì (12g) + lá kim giao (12g) + quyển bá xanh lục (16g) + ý dĩ (12g); tỏi (50g) + cam thảo (30g).

- Bệnh suyễn: Dành dành (10g) + lá bạc hà (6g) + cam thảo (5g) + lúa chùm mễ (1 bông); lá khuynh diệp (50g).

Trị bệnh cho gia cầm: Đối với gà, cây thuốc được sắc cho uống hoặc trộn vào thức ăn. Liều lượng nêu dưới đây thường được dùng cho 10 gà lớn, 20 gà giò hoặc 40 gà con theo mẹ.

- Bệnh bạch lỵ: Lá lốt (16g) + ngải cứu (16g) + lá xoài (12g) + lá trầu không (12g).

- Bệnh hô hấp mãn tính: Ba chẽ (20g) + ké đầu ngựa (12g) + trắc bá diệp (16g) + hương nhu (16g) + lá nha đam (12g).

- Bệnh toi gà (tụ huyết trùng): Than gỗ (3 cục bằng ngón tay) + gừng sống (3 lát) + tiêu hột (8 hột) + tỏi (3 tép).

Theo Nông thôn Ngày nay