“Biên bản chiến tranh”: Viên kim cương của văn học tư liệu
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 08:55, 17/04/2015
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” – một “biên niên sử” sống động về những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn là cuốn sách được giới thiệu trong buổi sinh hoạt đầu năm của CLB Văn chương, thuộc Hội Nhà văn Việt Nam sáng 16-4 tại Hà Nội. Đây là tác phẩm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, người đã có mặt trong những giờ phút thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của một chế độ bù nhìn, tay sai của đế quốc - thực dân và cũng là giờ phút hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng vừa mang về cho nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh giải thưởng ở thể loại văn xuôi năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong khuôn khổ buổi sinh hoạt, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” nhận được nhiều đánh giá tích cực của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học hàng đầu như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng…
“Người giàu biết tiêu tiền”
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là cuốn tiểu thuyết được nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh ấp ủ thực hiện ra đời sau gần 40 năm kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập, mà tác giả là phóng viên được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam. Với ý nghĩ những sự kiện, sự việc đang diễn ra trước mắt chỉ ngày mai thôi đã là quá khứ, đã là lịch sử, ông đã kỳ công xây dựng cuốn sách trên cơ sở chắt lọc từ khối lượng tài liệu đồ sộ và quý giá, phần nhiều trong số đó có giá trị nguyên bản mà bản thân ông có cơ duyên tiếp cận được trong những năm tháng làm phóng viên chiến tranh của TTXVN ở chiến trường miền Nam.
"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh
Nhưng nếu chỉ là tư liệu thì cuốn sách chỉ là một bản tổng hợp các tài liệu quan trọng có độ tin cậy cao, và chỉ để dành cho các nhà nghiên cứu. Vậy điều gì làm nên sức hấp dẫn của “Biên bản chiến tranh”?
Nhà thơ, nhà báo quân đội Mai Nam Thắng cho rằng, chính tư duy sắc sảo của một nhà báo giàu kinh nghiệm và bút pháp của một nhà văn, Trần Mai Hạnh đã dựng nên từ các nguồn tài liệu ấy những cuộc đối thoại, những diễn biến tâm lý, những trang tả cảnh, tả tình hết sức logic và sinh động, khiến người đọc phải tò mò, háo hức, theo hết hơn 400 trang sách chủ yếu là nhờ tài năng ấy của người viết.
Còn theo nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng, không riêng gì ông, mà độc giả nói chung có lẽ cùng đều hình dung nhà văn Trần Mai Hạnh là một “tỷ phú” về tư liệu chiến tranh: “Nguồn tài liệu mà nhà văn Trần Mai Hạnh sử dụng quả thật là số một cả về số lượng và chất lượng. Nhưng một vấn đề đặt ra là, như người ta nói: “người giàu là người biết tiêu tiền”. Cũng đã có không ít nhà văn vì may mắn mà sở hữu một nguồn tài liệu “kếch xù” nhưng rốt cục bị chìm ngập trong mớ tài liệu ngổn ngang đó như lạc vào mê hồn trận, tác phẩm trở thành một thứ “mê lộ”, nhà văn bỗng chốc là “tù binh” của tài liệu”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ về "Biên bản chiến tranh"
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định “Biên bản chiến tranh” là điển hình của “văn học tư liệu” – dòng văn học sẽ lên ngôi ở thế kỷ 21. Theo ông, văn học của chúng ta sau một thời kỳ cất cánh, khi những tưởng tượng, hư cấu đã lên đến đỉnh, thì con người lại có xu hướng muốn trở về với mặt đất, với những gì hiện hữu xung quanh mình. Từ cách đây 15 năm đã có nhiều dự báo rằng, thế kỷ 21 sẽ là thời hoàng kim của văn học tư liệu. Sau lời dự đoán này không lâu, nhân loại đã được chứng kiến một sự xuất hiện hàng loạt các tập hồi ký của các nhân vật chính trị, các tướng lĩnh, các nhà doanh nghiệp…
Và “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã góp phần bỏ phiếu thuận cho những dự báo rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của văn học tư liệu. “Sức mạnh của sự thật là không gì có thể chống lại được, vượt qua sự hoen gỉ của thời gian. Sự thật trong cuốn sách là thứ kim cương của văn học tư liệu”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
“Cái nhìn ngược sáng” của người chiến thắng
Tính chính xác của những sự kiện lịch sử nhờ những tài liệu trong “Biên bản chiến tranh” là không thể phủ nhận. Nhưng làm thế nào để giữ được sự chân xác của lịch sử mà vẫn bảo đảm được tố chất văn chương cho tác phẩm? Nhà thơ Bùi Việt Thắng cho rằng, nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã viết từ “cái nhìn ngược sáng” của người chiến thắng.
Tác giả Trần Mai Hạnh (trái) và nhà thơ Vũ Quần Phương (phải)
Đã từ lâu, như một truyền thống mặc định, viết về chiến tranh, thông thường nhà văn chọn góc nhìn thuận, như nghệ sĩ nhiếp ảnh chọn góc độ ống kính thuận chiều ánh sáng khi tác nghiệp. Nghĩa là viết về “phe chính nghĩa”, viết về “ta thắng địch thua”. Tuy nhiên ở đây, nhà văn Trần Mai Hạnh lại chọn nhìn ngược từ chính thể Việt Nam Cộng hòa – từ nguyên thủ đến các quan chức cao cấp, các tướng lĩnh đến tận hàng binh sĩ của một chính phủ mà ta quen gọi là “ngụy” – làm đối tượng miêu tả.
“Cái nhìn ngược sáng” giúp tác giả “chui sâu leo cao” vào “hang ổ” của đối phương, để lần đầu tiên, bằng hình thức “văn chương tư liệu”, tái hiện chân dung một chính thể hiện diện qua những cá nhân từ chóp bu đến ngạch cuối của một hệ thống với ý nghĩa là đối phương của chúng ta. Cũng theo nhà thơ Bùi Việt Thắng, “cái nhìn ngược sáng” quy định phương pháp viết “nở hoa trong lòng địch”, khiến cho những gì được kể ra gây ấn tượng về vị trí trung lập của tác giả (mặc dù tác giả chưa bao giờ đứng ở vị trí ấy trong quá trình tác nghiệp). “Cái nhìn ngược sáng” giúp tác giả hiểu rõ nội tình, nội cảm của chính thể Việt nam Cộng hòa và những đại diện của nó, có tác dụng gia tăng tính chân thực của tác phẩm.
Sau 3 lần in nối bản, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã quyết định tái bản có bổ sung cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” vào tháng 3/2015. Trong lần tái bản có bổ sung này, NXB chọn in trong phần phụ lục 21 tài liệu tham khảo nguyên bản tác giả đang lưu giữ, gồm hơn 150 trang in
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, sức thuyết phục của cuốn sách này bắt nguồn từ thái độ cẩn trọng, biết nén mình lại để tư liệu tự lên tiếng. Trần Mai Hạnh thận trọng trong thao tác khai thác, sử dụng tư liệu là ôn tồn,cảm thông trong giọng điệu tường thuật, biết ta, biết người là một ưu điểm đáng ghi nhận.
“Anh không bình luận, chỉ trình bày theo kiểu biên bản, vượt qua được cái tiểu khí dễ có ở kẻ thắng là chế giễu, làm nhục người thua. Trần Mai hạnh trình bày, cố nhiên phải gọn, rõ nhưng làm sao để người đọc nhận ra được sự thực vốn có của cuộc chiến. Những dòng anh nói về những nhân vật chóp bu trong chính quyền Sài Gòn cũ ở hải ngoại: giọng văn trung tính như thông tin, nhưng ngoài dòng chữ, tôi lại thoáng nghe nỗi ngậm ngùi cho số phận, cơ duyên của kiếp người. Nhìn lại, sống lại không phải để hâm lại căm thù, để nuôi dưỡng đối kháng, mà chủ yếu để tìm một cách đi vào tương lai, cách đi cho mỗi người và cho cả dân tộc. Đó là đạo đức của văn chương”, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.
Một tập tiểu tuyết ký sự kỹ càng, tỉ mỉ, cặn kẽ, tổng thể, khách quan và nhân văn về những năm cuối của cuộc chiến tranh giải phóng. Đó là tất cả những gì bạn đọc có thể tìm thấy ở “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng tiết lộ, nhiều tác phẩm khi nhận giải thưởng Hội Nhà văn đều không tránh khỏi những đánh giá trái chiều. Tuy nhiên, “Biên bản chiến tranh” là cuốn sách nhận được sự đồng thuận cao nhất, tiếng vỗ tay ủng hộ lớn nhất. Giải thưởng là sự ghi nhận tâm huyết của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh trong việc góp phần mang lại cái nhìn đa chiều về những sự kiện trọng đại trong trang sử hào hùng của dân tộc.
HÀ PHƯƠNG(VOV)