Nhớ ngày tiếp quản Trường Sa
Tin tức - Ngày đăng : 08:58, 18/04/2015
Việc giải phóng đảo Trường Sa - đảo xa nhất ở phía nam của quần đảo vào ngày 29-4 đã đánh dấu sự kiện quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn...
40 năm đã trôi qua nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Hữu ở khu dân cư số 2, thị trấn Gia Lộc không thể nào quên những tháng ngày tham gia giải phóng, tiếp quản quần đảo Trường Sa và chốt giữ trên đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa.
Trở về đời thường, ông Hữu lại tích cực lao động sản xuất
Giải phóng đảo không tốn một viên đạn
Như bao thanh niên thời đó, khi vừa đến tuổi trưởng thành, ông Hữu tình nguyện nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại Tỉnh đội Hải Dương, ông cùng các đồng đội được điều cấp tốc vào miền Nam phục vụ chiến đấu và biên chế vào Trung đội thông tin, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 338.
"Trung tuần tháng 4 - 1975, đơn vị chúng tôi hành quân vào đến Đà Nẵng. Tại đây, tiểu đoàn của tôi nhận được lệnh cùng Đoàn đặc công nước 126 tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa. Để giữ bí mật, biên đội tàu cải trang thành tàu đánh cá nước ngoài, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ phải nằm bí mật trong các khoang tàu, hầm hàng, chỉ ban đêm mới được thay nhau lên boong tàu", ông Hữu cho biết.
Ngày 14 - 4 - 1975, lực lượng đặc công nước và bộ binh của ta đã tiếp cận, tấn công và giải phóng đảo Song Tử Tây. Chỉ trong vòng 30 phút, quân ta đã giải phóng được đảo. Nhận định đây là thời cơ để giải phóng các đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa, ngày 21-4, một biên đội tàu của Đoàn 125 tiếp tục đưa lực lượng của ta ra giải phóng Trường Sa. Theo kế hoạch, các lực lượng sẽ giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn đánh đồng loạt trong cùng một đêm. Riêng đơn vị của ông Hữu được lệnh tấn công giải phóng đảo Nam Yết. Đây là đảo khá lớn và là nơi ngụy đặt Sở Chỉ huy trung tâm ở quần đảo Trường Sa nên lực lượng phòng thủ đông. Trưa 27-4-1975, tàu của ta áp sát đảo. Phát
"Việc giải phóng đảo Trường Sa - đảo xa nhất ở phía nam của quần đảo vào ngày 29-4 đã đánh dấu sự kiện quần đảo Trường Sa được giải phóng |
Ông Hữu nhớ lại: "Trong quá trình tiếp quản các đảo, chúng tôi hầu như không thấy tàu chiến nước ngoài, nhưng có một số tàu của Trung Quốc ở quanh các đảo. Khi thấy tàu ta đến là họ rút đi. Ngày 30-4, chúng tôi nhận tin miền Nam hoàn toàn giải phóng qua đài thông tin. Trong đơn vị chúng tôi khi ấy có những cán bộ, chiến sĩ đã hơn 10 năm đi chiến đấu chưa được về thăm nhà. Nghe tin giải phóng, họ òa khóc trong niềm vui sướng. Tất cả anh em trong đơn vị ai cũng rưng rưng xúc động vì từ đây, đất nước không còn chiến tranh, non sông sẽ liền một dải".
Những tháng ngày đáng nhớ trên đảo
Sau khi giải phóng, đơn vị của ông Hữu được lệnh ở lại chốt giữ đảo Nam Yết. Tuy chỉ hơn 1 năm gắn bó với đảo nhưng đây là quãng thời gian rất đáng tự hào trong đời binh nghiệp của ông. Khi đó, ở Nam Yết cây cối rậm rạp, có vài cây dừa, nhà ở cũng là công sự kiểu vòm nửa chìm nửa nổi. Địch rút đi để lại một đống bừa bãi, ngổn ngang, xác chim chết đầy trên đảo. Các cán bộ, chiến sĩ phải bắt tay ngay vào việc dọn dẹp, ổn định chỗ ăn ở. Nhưng nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là kiểm tra, củng cố trận địa, sẵn sàng chiến đấu nếu có lực lượng khác đến tái chiếm đảo.
"Khi đó, anh em sinh hoạt rất khó khăn vì thiếu nước ngọt, lương thực và rau xanh. Lúc lên đảo, chúng tôi được phát lương thực đủ dùng trong vòng 1 tháng còn thực phẩm gần như không có gì. Rau xanh lại càng không. Nước ngọt cũng rất hạn chế nên chỉ dùng để ăn uống, việc tắm giặt chúng tôi phải dùng hoàn toàn bằng nước mặn. Để cải thiện bữa ăn, hằng ngày ngoài giờ tập luyện, anh em thay nhau đi bắt cá. Không có giường, chúng tôi phải mắc võng trên các gốc cây để ngủ. Ngày biển lặng thì không sao, còn những ngày mưa gió, biển động thì hầu như anh em thức trắng đêm. Phải đến mấy tháng sau đất liền mới chuyển giường ra cho anh em được", ông Hữu kể tiếp.
Ngày ấy, việc tiếp tế cho Trường Sa còn hết sức hạn chế. Vì vậy, bộ đội trên đảo lúc nào cũng mong ngóng tàu ra đảo. Bởi tàu ra đảo đồng nghĩa với việc anh em có thêm nước ngọt, có lương thực, thực phẩm, rau xanh… Ba, bốn tháng đầu, bộ đội ngoài đảo không nhận được thư, báo. Mọi liên lạc với đất liền chỉ thông qua đài thông tin.
Tết năm 1976 là một cái Tết đáng nhớ với ông và những đồng đội trên đảo. Năm đầu tiên đón Tết độc lập trên đảo, tàu chở hàng ra chậm. Ông và đồng đội phải dùng bao xác rắn để gói bánh chưng. Đến giao thừa, ai cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ quê. Anh em phải mang xoong nồi ra gõ cho vơi bớt nỗi nhớ.
Tháng 6-1976, toàn bộ đơn vị ông Hữu ở ngoài đảo được chuyển về đất liền. Ông được phân về Lữ đoàn 126 lính thủy đánh bộ. Sau 6 năm phục vụ trong quân đội, ông chuyển ngành về công tác tại Xí nghiệp Cơ khí huyện Gia Lộc. Năm 1993, sau khi xí nghiệp giải thể, ông cùng vợ mở cửa hàng kinh doanh đồ điện và tích cực tham gia công tác ở địa phương, nuôi dạy con cái thành đạt. Hiện người con gái lớn của ông đang công tác trong ngành công an. Con trai út vừa tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương.
Năm 1996, ông Hữu cùng một số cựu chiến binh từng tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa đã thành lập Ban Liên lạc Hội đảo Trường Sa huyện Gia Lộc. Ban Liên lạc hiện có trên 40 thành viên, đều là những người cùng nhập ngũ tháng 1-1975 và cùng tham gia giải phóng Trường Sa thời kỳ đó. Nhiều năm nay, Ban Liên lạc đã trở thành mái nhà chung của những cựu chiến binh đã từng một thời gắn bó với quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Ban Liên lạc đã tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình giúp đỡ lẫn nhau, với tinh thần luôn hướng về biển đảo Tổ quốc, năm 2014 nhiều thành viên trong Ban Liên lạc đã hiến tặng các kỷ vật Trường Sa cũng như tích cực hưởng ứng các hoạt động phản bác hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại Biển Đông.
HOÀNG NGÂN