Ông lão bán sáo
Các em viết - Ngày đăng : 15:14, 18/04/2015
Công viên buổi sáng sớm tĩnh lặng và trầm ngâm. Nhưng có hề gì, hôm nay là chủ nhật. Tôi thích mang sách vở ra đây học bài, tôi thích hít thở bầu không khí của thiên nhiên chứ không thích giam mình trong căn phòng chật chội. Bố mẹ bao giờ cũng chiều theo sở thích của tôi.
Chỉ một loáng, mặt trời đã vén màn sương, trời trong dần. Người người khắp nơi đổ về công viên để thư giãn. Dọc bờ hồ, nhiều ông già bà cả tập dưỡng sinh còn những bác trung niên thì đi bộ. Bên gốc cây cổ thụ, mấy anh sinh viên ngồi quây tròn quanh ông họa sĩ già đầu hói để nghe ông dạy bí quyết vẽ truyền thần. Các em nhỏ được bố mẹ cho chơi các trò đu quay, đạp vịt... cứ tí tí lại cười vang thích thú. Trên ghế đã có mấy cặp trai gái đang thì thầm tâm sự chuyện riêng tư. Tiếng mấy bà bán hàng rong năn nỉ…
Không ai để ý đến một ông lão bán sáo ngồi bên lối vào công viên, bên lề những cuộc vui. Ông lão ngồi trên chiếc ghế gỗ đã cũ kỹ, trước mặt bày hàng chục cây sáo nhỏ. Dáng ông gầy guộc, khuôn mặt khắc khổ, nhìn thật khó đoán tuổi. Chủ nhật nào tôi cũng gặp ông ở đây nhưng hôm nay tôi mới nhìn kỹ vào mắt ông. Đôi mắt dại đờ, mờ đục. Không ai biết ông lão từ đâu tới và đã ngồi đó bao lâu. Thỉnh thoảng có người dừng lại chọn cho mình một cây sáo và bỏ mấy đồng tiền lẻ vào chiếc mũ cối để trước mặt ông. Có người chẳng mua sáo nhưng dừng lại để lắng nghe tiếng sáo ngân nga những giai điệu quen thuộc: "Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày…". Tiếng sáo thánh thót vang lên giữa những tạp âm xô bồ của muôn người nơi công viên đông đúc. Tiếng sáo dội qua từng kẽ lá, lan tỏa xuống mặt hồ, đổ òa vào lòng người ta như một hơi ấm giữa ngày cuối xuân.
Tôi xót xa đứng nhìn ông lão bán sáo, nhìn bàn tay gầy run run và đôi mắt mờ đục của người nghệ sĩ già lang thang ấy. Đáng lẽ ở tuổi này ông phải được hưởng thụ niềm vui dưỡng già bên con cháu chứ không phải vất vưởng kiếm sống nơi thị thành bon chen, phức tạp. Bất giác tôi ghê sợ khi nghĩ đến những kẻ sức dài vai rộng nhưng lười lao động, chỉ muốn cướp giật. Tôi ghê sợ những ông bố bà mẹ bắt con đóng giả tật nguyền để làm phương tiện kiếm sống…
Tôi trở lại công viên lúc mặt trời xế bóng. Đèn nhấp nháy xuất hiện quanh bờ hồ ở những cửa hàng sang trọng. Thành phố dần ngả về tối. Ông lão bán sáo vẫn ngồi đó, an nhiên thổi sáo mà không để ý bóng tối đã bao phủ từ lâu. Gió lạnh chẳng hẹn mà ùa về. Tôi vội vã móc túi tìm đồng tiền mẹ cho ban sáng bỏ vào chiếc mũ cối của ông: “Ông ơi về thôi. Trời trở rét đấy!”. Ông ngừng thổi sáo: “Cảm ơn cháu!”. Tôi chào ông rồi lên xe đạp phóng đi. Chắc giờ này bố mẹ đang chờ tôi bên mâm cơm nóng hổi. Còn ông lão bán sáo, không biết ông đi về đâu?
NGÔ QUỲNH THƯ (Lớp 11M, Trường THPT Nam Sách)