Nơi hun đúc truyền thống cách mạng

Tin tức - Ngày đăng : 14:16, 20/04/2015

Cùng với hệ thống các di tích cách mạng, từ lâu hai di tích này đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân Hải Dương.


Năm 2014, Nhà Tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Cùng với hệ thống các di tích cách mạng, từ lâu hai di tích này đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân Hải Dương.




Nơi tưởng niệm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị

Địa chỉ đỏ

Nhà Tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng được xây dựng tại quê hương ông ở thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện) từ năm 1995. Công trình tọa lạc trên khuôn viên rộng, có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền bái và 3 gian hậu cung, lấy ý tưởng từ các ngôi đình ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tiền bái được xây theo phong cách chồng diêm, hai tầng tám mái, đắp nổi hình tượng hổ phù, đao lửa, rồng chầu phượng mớm. Đây là nơi trưng bày tài liệu hiện vật về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Nối với tòa tiền bái là 3 gian hậu cung, hai bên có treo hai câu đối phiên âm: “Anh Cả bền gan vững chí, đường cách mạng san bằng trở cực, công huân ngời sáng giữa sơn hà/Bác Hồ mở lối giương cờ, lửa anh hùng thúc giục nhân tâm, khí phách vươn cao cùng nhật nguyệt”. Tại nơi thờ tự đồng chí Nguyễn Lương Bằng có tượng bằng đồng.

Về đây chiêm ngưỡng công trình, xem các tài liệu, hiện vật mới thấy cảm phục cuộc đời cách mạng kiên trung của nhà cách mạng tiền bối. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 2-4-1904. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng. Tháng 6-1925 ở Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc thành lập. Sau đó 1 năm, đồng chí tình nguyện về nước hoạt động, thiết lập đường dây liên lạc đưa thanh niên ra nước ngoài và chuyển tài liệu sách báo về nước. Từ đây chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá rộng khắp. Bị bắt tù đày, đồng chí vận động anh em trong tù đấu tranh, tổ chức vượt ngục tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng. Giữa năm 1933, đồng chí cho xuất bản tờ báo Công nông và truyền đơn gửi đi nhiều nơi. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí luôn là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước, được Đảng và Nhà nước tặng “Huân chương Sao vàng”.

Tên đồng chí Nguyễn Lương Bằng bí danh Sao Đỏ được đặt cho nhiều tuyến phố, trường học, địa phương trên địa bàn cả nước. Từ năm 2000, tên đồng chí còn được đặt cho giải thưởng báo chí tỉnh nhà được tổ chức 5 năm một lần.

Theo ông Vũ Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng: Trải qua 20 năm xây dựng, nhà tưởng niệm đã trở thành địa chỉ đỏ, công trình văn hóa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của đồng chí, rất đông cán bộ và nhân dân đã đến viếng thăm.

Niềm tự hào của quê hương

Nhà Tưởng niệm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị đã trở thành niềm tự hào của cán bộ và nhân dân thôn Bình Đê, xã Gia Khánh (Gia Lộc), quê hương ông. Ông Nguyễn Bá Tảo, người trông coi nhà tưởng niệm cho biết: "Từ lâu công trình đã là niềm tự hào của quê hương chúng tôi. Trung bình mỗi năm di tích đón khoảng 30 đoàn khách đến thăm viếng. Hằng năm, tại nhà tưởng niệm, cán bộ và nhân dân địa phương tổ chức hai kỳ lễ chính kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của ông. Ngoài ra dịp lễ, Tết, di tích đều mở cửa để nhân dân địa phương đến thắp hương tri ân.

Nhà Tưởng niệm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị được UBND tỉnh khánh thành năm 2004. Công trình tọa lạc ở trung tâm thôn Bình Đê, tại vị trí nhân dân trong xã tổ chức cuộc mít tinh hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Công trình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung.

Từ cổng, qua một khoảng sân rộng là đến tòa tiền bái kết cấu hai tầng mái. Tầng mái trên được chia làm ba gian, lợp ngói mũi, trung tâm bờ nóc đắp nổi các họa tiết hoa văn cùng chữ Thọ cách điệu. Tại mặt tiền gian trung tâm khắc nổi chữ đồng “Nhà Tưởng niệm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị”. Tại gian trung tâm tòa tiền bái có treo bức đại tự, phiên âm và dịch nghĩa: “Tận trung báo quốc”. Hai bên dưới bức đại tự có đôi câu đối với nội dung: “Qua trăm vòng lửa bền gan vững chí trước gian nan/Trọn một cuộc đời vào tử ra sinh vì cách mạng”.

Nối liền với tiền bái là 2 gian hậu cung có tượng đồng chí Lê Thanh Nghị bằng đồng và bức cuốn thư dịch nghĩa: “Dòng dõi chính nghĩa”. Hai bên gian thờ tự có treo đôi câu đối dịch nghĩa: “Đất Hải Dương sinh hào kiệt, tài cao đức trọng đúc kết bởi dòng dõi/Họ Nguyễn nuôi dưỡng nhân luân, cha truyền con nối gìn giữ đạo tổ tiên”. Ông Tảo khoe, đây đều là các câu đối, đại tự do Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng.

Đồng chí Lê Thanh Nghị sinh ngày 6-3-1911. Năm 16 tuổi, ông làm thợ điện ở Hải Phòng rồi ra Quảng Ninh làm phu mỏ. Tại đây, ông tham gia hoạt động cách mạng và năm 1930 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 5-1930, ông bị địch bắt tuyên án tù chung thân, đày ra Côn Đảo. Được ân xá, ông xin về làm ở Nhà máy Nước Ninh Giang đồng thời tiếp tục hoạt động cách mạng. Bị bắt lần thứ hai, đày đi Sơn La, ra tù ông tiếp tục hoạt động và được chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Ông là người có công lao to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng giữ chức Phó Thủ tướng từ năm 1960 - 1980, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước từ năm 1982-1986, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng. Tên ông được đặt cho nhiều tuyến đường, phố, trường học trong cả nước.

Tại đây có trưng bày những bức ảnh gia đình, quê hương đến những hình ảnh ngục tù, hình ảnh ông chụp cùng Chủ tịch Cuba Fidel Castro ở trang trại bò giống... Rồi những hiện vật như quần áo, các tác phẩm sách báo do ông viết, các tặng phẩm huy chương, mô hình tàu hỏa, bút, tranh gỗ… của các nước tặng khi ông đến thăm. Xúc động hơn khi chúng tôi được chứng kiến chiếc bàn làm việc bằng gỗ giản dị cùng chiếc ti-vi JVC đã cũ của Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị.

Nhà tưởng niệm Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị được xếp hạng có ý nghĩa văn hóa, lịch sử quan trọng. Đây không chỉ là nơi dâng hương tưởng niệm các bậc cách mạng tiền bối, là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mà còn đáp ứng nhu cầu du lịch về nguồn của nhân dân.

NGỌC HÙNG