Nấm sương mai giả hại gấc

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:32, 22/04/2015

Hiện nay, bệnh nấm sương mai giả đang phát sinh gây hại.


* Triệu chứng: Ở lá, vết bệnh ban đầu nhỏ có màu xanh trong, sau đó chuyển sang màu xanh hơi vàng đến vàng nhạt và có hình tròn đa giác hoặc hình bất định. Vết bệnh nằm ở phần thịt lá và bị giới hạn bởi các đường gân. Bệnh nặng, nhìn mặt lá thấy gồ ghề và màu vàng, mặt dưới lá về chiều tối dùng đèn pin soi thấy hiện rõ lớp nấm màu xám bám trạt khiến lá kém phát triển; mép lá bị cháy sém theo đoạn. Cuối cùng cả lá bị khô rạc. Ở ngọn, ban đầu khó phát hiện và chỉ thấy khi đã bị cháy đen phần búp với độ dài khoảng hơn 2 đốt ngón tay, cùng 1 đến 2 lá non liền sát đó bị cháy sém từ mép đến gần giữa lá.

* Đối tượng gây hại và nguồn bệnh: Do nấm Pseudoperonospora Cubensis gây nên. Bào tử nấm có sẵn trong không khí, đất và vườn trồng; lây lan theo mưa, gió, các hoạt động cơ giới của con người hoặc theo côn trùng...

* Đặc điểm phát sinh và phá hại: Phát sinh trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp và thất thường, có sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm, nóng ẩm xen kẽ. Khi các lá gốc đang non tơ và các ngọn đang giai đoạn lan bò được 3 - 4 m trên mặt giàn. Bệnh hại cây từ mặt dưới của lá phá lên và từ những lá gần gốc trước, những búp ngọn và lá non.

* Biện pháp khắc phục:

Làm sạch các tàn dư thực vật trong vườn, dùng kéo sắc cắt nhẹ ngang cuống lá bị hoặc những ngọn phần dưới lá non bị cháy sém rồi đem tập trung đốt. Bón phân kalyclorua bổ sung để tạo cây khỏe bằng cách hòa nước tưới theo vành khăn cách gốc 80 - 100 cm (tùy theo tuổi gấc), tưới 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 -7 ngày, mỗi gốc tưới 100 gr phân/lần.

- Dùng thuốc RidomilGold68WG để phun trừ: Hòa 25 - 45 gr thuốc và 1 gói bám dính HPC loại 20 ml với 2 lít nước, đảo kỹ cho tan rồi pha loãng thành 7 - 8 lít phun đẫm đều cho các bộ phận dưới gốc và đang leo bò trên mặt giàn.

Chú ý: Phun trừ 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 - 3 ngày và phun vào chiều mát lúc không mưa.

KS. NGUYỄN HỮU VÂN