Thói cậy của

Đời sống - Ngày đăng : 13:22, 27/04/2015

Bước vào nhà vợ tay trắng, đi ra khỏi nhà cũng trắng tay, chỉ là chiếc túi xách với mấy bộ quần áo...



Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê, vốn là một người thông minh nên chuyện học hành của Hoàng rất thuận buồm xuôi gió, từ cấp 1 cho tới cấp 3 Hoàng đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Vì đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học lớp 12, nên Hoàng được tuyển thẳng vào một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Hoàng được nhận vào làm tại một cơ quan nhà nước. Mối tình đẹp của Hoàng với cô bạn học cùng trường, người gốc thành phố cũng đi tới một kết thúc có hậu, đám cưới được tổ chức ngay sau khi Hoàng nhận được công việc. Thủy, vợ Hoàng là một cô gái có nhan sắc trung bình, nhưng cô có khiếu ăn nói, gia đình lại rất giàu có. Bố mẹ Thủy đang sở hữu vài cửa hàng buôn bán lớn ở một con phố trung tâm sầm uất. Anh trai của Thủy cũng mở một công ty chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, và cũng ăn nên làm ra. Bởi vậy nên sau khi tốt nghiệp đại học, Thủy không đi làm nhà nước mà về giúp bố mẹ quản lý chuỗi cửa hàng của gia đình. Khi lấy Thủy, hai vợ chồng Hoàng được bố mẹ vợ cho một căn nhà theo kiểu biệt thự liền kề, rất sang trọng tại một khu đô thị mới. Gia đình Hoàng ở quê vốn rất nghèo, bố mẹ vẫn phải nai lưng ra làm ruộng để nuôi 2 đứa em của Hoàng ăn học mà vẫn không đủ nên việc Hoàng được bố mẹ vợ cho căn nhà đắt giá là quá may mắn với anh. Từ trước tới nay Hoàng chẳng bao giờ mơ có tiền để mua được nhà ở thành phố, mà sẽ chỉ quẩn quanh trong các căn phòng trọ chật hẹp, nay đây mai đó mà thôi.

Là người có học thức, bản chất hiền từ, sống có nghi lễ, phép tắc... nên Hoàng không chỉ được bố mẹ vợ, mà đại đa số những người bên nhà vợ đều quý mến. Từ lúc yêu cho tới lúc cưới nhau, giữa Hoàng và Thủy không có vấn đề gì trong chuyện tình cảm, hai người luôn tỏ ra tâm đầu, ý hợp. Thủy luôn yêu quý Hoàng, thậm chí luôn “nhường” chồng trong mọi vấn đề và luôn chịu ... thua trong các lần tranh cãi, tranh luận. Nhưng từ khi đứa con trai đầu lòng ra đời, vợ chồng Hoàng bắt đầu có những rạn nứt. Lúc này bản chất trong con người Thủy mới bộc lộ rõ. Những rạn nứt tình cảm không xuất phát từ kinh tế, bởi gia đình Hoàng không thiếu tiền. Hoàng làm công chức nhà nước, nên đồng lương chỉ mấy triệu bạc một tháng nên tiền bạc, tài sản trong nhà Hoàng tất tật đều do nhà vợ mà có. Thủy chỉ thoảng qua hai cửa hàng mỗi ngày vài lần vậy mà mỗi tháng bố mẹ cô cũng trả lương tới vài chục triệu đồng. Trong cuộc sống hằng ngày, Thủy bắt đầu nói xa, nói gần với chồng đại loại như: “Đồng lương làm nhà nước giờ sống sao nổi!...”, hay “Nếu cả hai vợ chồng mà đều thu nhập như anh thì có mà chết đói...” Vốn con nhà nghèo, lại hay suy nghĩ, nên khi nghe vợ nói những điều đụng chạm tới kinh tế như thế Hoàng thấy chạnh lòng, buồn. Thủy nói thế còn tế nhị, có lần cô còn chẳng coi chồng ra gì, chỉ vì chuyện Hoàng lỡ nặng lời mà cô ta đã “tát nước” vào mặt chồng: “Anh đúng là thằng đàn ông tồi, hèn! Anh học cao hiểu rộng đấy nhưng anh xem mình đã bằng ai chưa...” Hoàng chịu nhẫn nhục, anh không nói không rằng gì, bởi anh nghĩ khi nóng giận lên con người thường không kìm hãm được tính khí bốc hỏa, cũng như những câu phát ngôn thiếu suy nghĩ. Anh cũng không chấp vợ và tự chủ động xin lỗi vợ để làm hòa, cốt để cho gia đình êm ấm. Cuộc sống đôi khi không như người ta nghĩ, không như người ta mong muốn, bởi Hoàng càng nhún nhường, càng biết điều thì Thủy càng lấn tới, càng bộc lộ bản chất, cùng những suy nghĩ không phải phép của một người vợ hiền. Đỉnh điểm của sự quá đáng khiến Hoàng phải “hành động”, đó là một bữa, vài người bạn cùng học đại học với nhau sau giờ tan sở rủ Hoàng đi uống cà phê để hàn huyên sau thời gian dài không gặp. Trước khi đi Hoàng cũng đã gọi điện thông báo với vợ. Ấy vậy mà buổi tối khi Hoàng về, Thủy mặt mày sưng xỉa bảo Hoàng: “Anh nói là anh đi chơi với bạn học. Tôi thì nghĩ anh đi với gái, lấy lý do này nọ cho hợp lý. Anh tưởng tôi khờ dại lắm à, con này không ngu đâu...” Hoàng giải thích hết lời, Thủy vẫn đay nghiến, không chịu nghe. Quá quắt hơn, Thủy còn miệt thị Hoàng bằng những lời lẽ không thể chấp nhận được: “Anh chán tôi rồi hả?! Anh tưởng anh quý lắm đấy, anh xem lại mình đi. Từ khi bước về cái nhà này anh đã mang được những gì nào?! Đồng lương của anh liệu có đủ bỏ vào mồm anh không...?” Nghe những lời lẽ thốt ra từ miệng vợ, Hoàng đau đớn, lặng người. Anh không kìm chế được thẳng tay tát một cái vào mặt vợ để cảnh cáo. Được thể, Thủy càng kêu la, càng chửi rủa chồng thậm tệ. Đêm ấy, Hoàng đã bắt xe về quê ngay tức thì. Hoàng kể đầu đuôi câu chuyện, cuộc sống của vợ chồng nơi thành phố cho bố mẹ nghe. Lúc này mẹ Hoàng mới bùi ngùi khuyên con trai: “Từ trong sâu thẳm thì bố mẹ luôn mong muốn các con hạnh phúc. Thế nhưng, chuyện này là của con. Bố mẹ sẽ để con tự quyết định tương lai hạnh phúc của mình. Mẹ muốn nói thêm với con một điều nữa là, mình là con nhà nghèo, nhưng nghèo không có nghĩa là hèn, là phải sống nhục con ạ...” Nghe mẹ nói vậy, hai hàng lệ Hoàng ứa trào, chảy dài trên má. Sáng hôm sau, Hoàng đã viết lá đơn ly hôn để quyết định cuộc đời mình, chấm dứt cuộc sống “ăn đậu, ở nhờ” chẳng khác gì một kẻ tầm gửi nơi tổ ấm với người vợ quá quắt, luôn cậy của, coi khinh chồng. Bước vào nhà vợ tay trắng, đi ra khỏi nhà cũng trắng tay, chỉ là chiếc túi xách với mấy bộ quần áo, nhưng lương tâm Hoàng cảm thấy nhẹ nhõm khi trút bỏ được bao áp lực nặng nề... Anh chỉ day dứt về đứa con vì rồi đây nó lớn lên sẽ thiệt thòi khi không có đủ đầy tình yêu thương dạy dỗ của cả cha lẫn mẹ...

NGUYỄN LONG