Một thời ba đảm đang
Việc tử tế - Ngày đăng : 17:00, 30/04/2015
Một thời chiến đấu, lao động sản xuất vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của bà Đào Thị Kim - Trung đội trưởng Trung đội nữ trực chiến xã Tráng Liệt.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng một thời chiến đấu, lao động sản xuất vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của bà Đào Thị Kim - Trung đội trưởng Trung đội nữ trực chiến xã Tráng Liệt (Bình Giang).
Những phụ nữ “Ba đảm đang” như bà Kim đã góp phần làm nên chiến thắng
Mái tóc bà Kim nay đã pha sương, đôi mắt cũng in hằn dấu vết của thời gian nhưng khi nhắc đến những chiến công của trung đội nữ trực chiến năm xưa, đôi mắt ấy ánh lên niềm vui và sự tự hào. Giọng nói của bà khỏe và vang, khiến tôi có cảm giác như được gặp cô Kim tuổi 17 năm nào. Những trận chiến vẻ vang, không khí sôi nổi thi đua lao động sản xuất qua lời kể của bà Kim hiện ra sống động như những thước phim.
Giữa lúc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Tỉnh đội quyết định thành lập trung đội nữ trực chiến xã Tráng Liệt (Bình Giang) với nhiệm vụ phối hợp cùng bộ đội để đánh địch. Khi đó, lòng nhiệt huyết, tình yêu Tổ quốc của lứa tuổi 17 đã thôi thúc bà Kim viết đơn tình nguyện tham gia. Tháng 11-1967, trung đội nữ trực chiến xã Tráng Liệt được thành lập gồm 14 chị em tuổi từ 16 đến 20. Trung đội được cấp 4 khẩu súng 12 ly 7 cùng 5 chiếc xe bò để chở súng và phục vụ công tác hậu cần. Bà Kim được cử giữ chức trung đội trưởng. Khi được giao nhiệm vụ, bà Kim rất băn khoăn, trăn trở vì cả trung đội đều là những chị em chân yếu, tay mềm, làm sao để có thể hướng dẫn họ tập luyện? Làm thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó? Những câu hỏi ấy theo bà Kim cả trong giấc ngủ. Dưới sự hướng dẫn của đồng chí cán sự Huyện đội, các chị em được học cách đào đắp công sự, cách mang vác và sử dụng súng. Mỗi khẩu súng 12 ly 7 nặng hơn 1 tạ. Những buổi tập luyện vất vả nhưng bà Kim luôn động viên, khích lệ chị em. Sau những tháng ngày tập luyện, trung đội được giao bảo vệ cống Bá Thủy, xã Long Xuyên. Đây là nơi có vị trí rất quan trọng, điều tiết nước tưới tiêu cho các cánh đồng trong huyện, vì thế luôn bị địch tìm cách bắn phá. Sau khi tiếp cận, bà Kim cùng đồng đội đào đắp công sự, sẵn sàng chiến đấu với cảm xúc lo lắng, hồi hộp đan xen. Khoảng 10 giờ ngày 23-3-1968, một tốp máy bay F-4H bay tầm thấp ngay trên cống Bá Thủy, một chiếc nhào xuống phóng rốc-két nhưng không trúng mục tiêu. Ngay lập tức, bà Kim hạ lệnh “Bắn”. 4 khẩu súng đồng loạt nhả đạn. Một chiếc máy bay bốc cháy phần đuôi, bay được một đoạn thì rơi xuống. Bà Kim và đồng đội ôm nhau, mừng rơi nước mắt vì ngày đầu ra quân đã chiến thắng.
Sau đó, trung đội của bà Kim được lệnh di chuyển xuống cánh đồng Hà Kỳ (Tứ Kỳ). Vì ban ngày máy bay địch liên tục quần thảo trên bầu trời nên trung đội phải bí mật di chuyển trong đêm. Những chiếc xe bò nặng, con đường ngập ngụa bùn lầy, trơn trượt bởi những cơn mưa phùn rả rích. Những chân ruộng sũng nước, các bà phải hạ mảnh ván xe bò lên bờ ruộng để đặt thức ăn. Có những khi họ đứng ăn cơm ngay dưới trời mưa. Bữa cơm cũng rất đạm bạc, chỉ có cà muối, rau muống, rau lang luộc.
Khi công sự vừa được đào đắp xong thì bà Kim và đồng đội được lệnh di chuyển sang bờ bên kia
Ban ngày chị em trong trung đội tập cách bắn máy bay như trong đêm bằng phương pháp phân chia theo phương và hướng, đẽo máy bay gỗ và dùng những chiếc máy mô hình bằng nhôm để treo lên và ngắm bắn, còn ban đêm thì thức để trực chiến. |
Đêm 31-3-1968, sau những tiếng súng vang lên từ mạn Hải Phòng, bà Kim ra lệnh cho các chị em sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Một chiếc máy bay A-6A bay rất thấp so với mặt sông Luộc, bà lập tức hô “Hướng 14! Bắn!”. Tiếng đạn vang lên ròn rã, chiếc máy bay bị dính đạn, chao đảo và bốc cháy. Nhờ những chiến công vẻ vang đó, bà và đồng đội đã được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì, được nhận Huy hiệu “Ba đảm đang” của Hội Phụ nữ. Riêng bà Kim còn được tặng “Huy hiệu Bác Hồ”. 5 phái đoàn quốc tế đã đến thăm và học tập kinh nghiệm chiến đấu của trung đội.
Chiếc máy bay A-6A mà trung đội bà bắn rơi cũng là một trong những chiếc máy bay cuối cùng trên bầu trời trước khi Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc (1-4-1968). Năm 1972, khi Mỹ quay lại bắn phá miền Bắc lần thứ hai, bà Kim lại xung phong vào đơn vị trực chiến của xã. Lúc này dù không được nhận nhiệm vụ bắn máy bay nhưng những tháng ngày trực chiến phối hợp bảo vệ bến đò Hàn vẫn còn in đậm trong tâm trí bà. Có những khi hướng mắt về phía Hà Nội trong đêm, bà chỉ thấy những khoảng trời rực sáng. Những luồng gió lạnh cắt da, cắt thịt từ dưới sông thốc lên cũng không làm nguội đi ý chí chiến đấu, bảo vệ quê hương trong cô gái trẻ.
Hăng say lao động, sản xuất
Sau khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, trung đội trực chiến của bà Kim lại trở về quê hương tham gia sản xuất, cấy cày. Bà được giữ chức đội trưởng đội sản xuất của HTX. Khi đó, cả miền Bắc đang sôi nổi phong trào làm bèo hoa dâu. Những cánh bèo hoa dâu từ mảnh đất Ninh Giang được các bà đem về tuân thủ đúng quy trình nhân giống. Từng cánh bèo được nhân lên rồi phân phát cho các đội sản xuất làm phân bón cho lúa và thức ăn trong chăn nuôi.
Nữ dân quân trực chiến bắn máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu
Trên cánh đồng làng khi đó chỉ thấy bóng dáng của các bà, các chị, bởi các anh đang vững tay cầm chắc cây súng chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Bà Kim cũng như các chị em khác làm thay phần của cánh đàn ông. Chưa biết cày thì học cày, học gánh gồng, khuân vác. Những ngày đầu học cày, con trâu ương bướng tìm cách “đánh tháo” khiến bà ngã dúi dụi, nhiều khi bị cày, bừa đâm vào người đau điếng nhưng bà cũng không nản chí. Bà Kim bảo, mỗi khi cầm cày, cầm bừa bà lại nhẩm những lời ca của bài “Đường cày đảm đang”, “Bài ca năm tấn”. Những bài hát đó đã trở thành động lực thôi thúc bà. Sau này, bà cày được những luống cày thẳng tắp chẳng kém gì nam giới. Cũng nhờ việc tuân thủ đúng quy trình nhân giống, tích cực chăm bón lúa mà xã Tráng Liệt trở thành xã đầu tiên của huyện Bình Giang đạt năng suất 5 tấn thóc/ha.
Bà Kim còn là đội trưởng đội du kích của xã. Ban ngày tích cực lao động, tối đến bà cùng mọi người trong đội tuần tra, giữ gìn an ninh, trật tự trong thôn, xóm. Sau này, dù làm Bí thư Đoàn xã hay là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì công việc, luôn được mọi người quý mến, tin tưởng.
Có được hòa bình như ngày hôm nay không thể không nhắc đến những người phụ nữ "ba đảm đang" một thời như bà Kim. Họ cùng với hàng nghìn, hàng vạn phụ nữ “Ba đảm đang” vững tay cày, tay súng nơi hậu phương, góp phần làm nên chiến thắng và trở thành minh chứng sống động cho lời bài hát "Đảm đang là gái Hải Dương": "Những cô gái tỉnh Đông khéo lo toan việc nước việc nhà"...
HUYỀN TRANG