Trung Quốc ngang ngược tố Philippines vi phạm DOC

Tin tức - Ngày đăng : 15:56, 05/05/2015

Bắc Kinh chỉ trích Philippines đơn giản là để tung hỏa mù, tạo dư luận xấu nhằm che đậy cho chương trình xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc.


Hình ảnh do quân đội Philippines công bố cho thấy, Trung Quốc đang đẩy nhanh
xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông - Ảnh: Reuters


Ngày 5-5, chính quyền Trung Quốc ngang ngược tố cáo Philippines vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để phản ứng lại những lời chỉ trích đối với chương trình xây đảo nhân tạo trái phép của nước này.

Theo Tân Hoa xã, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Philippines “ngừng hành vi khiêu khích ác ý” về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Cơ quan này cáo buộc Philippines “đã xây dựng các cơ sở dân sự và quân sự quy mô lớn như sân bay, hải cảng, doanh trại… trên các đảo từ nhiều năm qua”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả Philippines đã vi phạm DOC và “xâm chiếm bất hợp pháp lãnh thổ của Trung Quốc”.

Thậm chí cơ quan này còn trơ tráo khẳng định: “Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện hành động nào làm phức tạp hoặc làm xấu đi xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines chỉ trích việc Trung Quốc lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông là hành vi vi phạm DOC. Manila cho rằng Bắc Kinh chỉ trích Philippines đơn giản là để tung hỏa mù, tạo dư luận xấu nhằm che đậy cho chương trình xây đảo nhân tạo bất hợp pháp.

Trên thực tế, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị dư luận báo động. ASEAN cho rằng đây là hành vi “đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ lo ngại về hành vi của Trung Quốc và tố cáo Bắc Kinh “khoe cơ bắp” bắt nạt các nước láng giềng. Khối các nước G-7 cũng ra tuyên bố chung phản đối chương trình xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc. 

Thế nhưng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện các hành vi gây hấn mới. Theo China News, ngày 4-5, nước này điều hai tàu hải giám 2168 và 2169 tới tuần tra trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trước đó, Bắc Kinh cũng điều hàng loạt tàu hải tuần lớn cùng trực thăng và thủy phi cơ tới quần đảo Hoàng Sa. 

NGUYỆT PHƯƠNG (Tuổi trẻ)