Lợi cả đôi đường
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:30, 11/05/2015
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp sử dụng xe ô-tô để đưa đón công nhân đi làm. Không còn phải sống xa nhà nên người lao động yên tâm làm việc.
Nhiều công nhân lựa chọn doanh nghiệp có xe đưa đón để làm việc
Người dân ở các huyện xa TP Hải Dương như Thanh Miện, Ninh Giang đã quá quen thuộc với hình ảnh từng đoàn xe nối đuôi nhau chở công nhân đi làm. Hơn 6 giờ sáng, trên trục đường 396 đoạn qua các xã Hồng Phong, Kiến Quốc, Hồng Phúc, Hồng Thái (Ninh Giang), từng tốp công nhân tập trung bên đường, cách nhau chừng 1 cây số cười nói rôm rả. Từ khắp các ngả đường thôn, xã, hàng trăm công nhân đổ về các điểm hẹn sẵn sàng một ngày làm việc mới. Đang là thời điểm nông nhàn, chị Phạm Thị Bến ở xã Đông Xuyên (Ninh Giang) tranh thủ đi làm công nhân may tại TP Hải Dương để có thêm thu nhập. Từ nhà chị Bến ra điểm xe của công ty đón chỉ mất chừng 5 phút đi bộ, lại không bị say xe nên dù đi làm xa gần 40 km đối với chị cũng không mấy khó khăn. Chị Bến cho biết: “Tôi làm thời vụ nên nếu phải ở trọ thì chưa chắc đã làm được. Đi lại như thế này có hơi vất vả nhưng mình vẫn chủ động được công việc ở nhà”. Cũng giống như chị Bến, hằng ngày chị Trần Thị Nhài ở xã Tiền Phong (Thanh Miện) cũng đi gần 40 km đến công ty. Một trong những điều kiện mà chị Nhài căn cứ để lựa chọn nơi làm việc là phải có xe đưa đón. Dù từng làm công nhân may cho nhiều công ty nhưng chị Nhài chưa ngày nào phải sống xa gia đình. “Hai đứa con tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, nếu thuê nhà trọ ở TP Hải Dương tôi cũng không yên tâm. Đi từ nhà tôi lên công ty chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ. Mất công đi lại nhưng được gần các con nên tôi thấy cũng không vất vả mấy”, chị Nhài vui vẻ nói.
Không chỉ giúp công nhân không phải sống cảnh xa gia đình, việc sử dụng xe đưa đón cũng khiến người lao động phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Thực tế, số tiền các doanh nghiệp hỗ trợ công nhân thuê trọ, xăng xe hiện nay chỉ từ 200.000-300.000 đồng/tháng. Với số tiền trợ cấp ít ỏi trên, công nhân đều phải sử dụng tiền lương để xoay xở, trang trải sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp đưa xe về các vùng xa đưa đón lao động giúp người lao động có nhiều lựa chọn công việc hơn. Chị Bùi Thị Hà ở xã Quỳnh Giao, Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết: “Hằng ngày tôi vẫn đi xe máy qua cầu Hiệp để đón xe của công ty. Trước đây chưa có gia đình, mỗi tháng tôi phải
“Từ ngày công ty bố trí xe ô-tô đưa đón mỗi ngày, việc sinh hoạt đi lại của tôi ổn định hơn, có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Tôi cũng có thêm thời gian nghỉ ngơi, giữ sức khỏe để bảo đảm công việc của công ty”. |
Chia sẻ cùng công nhân
Công ty TNHH May Tinh Lợi hiện có 2 cụm sản xuất ở khu công nghiệp Nam Sách và khu công nghiệp Lai Vu, thu hút hơn 11.000 công nhân, trong đó có hơn 70% số công nhân ở xa nơi làm việc. Trong bối cảnh thị trường lao động ngành may mặc cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để người lao động an tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp, công ty đã bố trí xe đưa đón hằng ngày hơn 600 công nhân viên ở Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh) và các huyện ở xa như Tứ Kỳ, Kim Thành, Kinh Môn, Chí Linh, Thanh Hà, Ninh Giang... Nếu người lao động ở xa hơn 30 km đều phải thuê nhà trọ, ở cách nhà máy dưới 10 km đa phần tự chủ động phương tiện giao thông cá nhân. Những người không đi xe đưa đón đều được hỗ trợ tiền xăng xe 400.000 đồng/tháng. Công ty còn phối hợp và trả phí cho Trường Mầm non Hương Sen ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) trông và dạy các cháu là con công nhân trong công ty phải làm muộn để giúp họ yên tâm làm việc. Ông Phạm Đình Hòa, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Công ty chúng tôi luôn quan tâm đến đời sống của anh chị em công nhân, đặc biệt là vấn đề đi lại. Công ty đã có những biện pháp hỗ trợ kịp thời giúp công nhân bớt phần nào sự vất vả, có thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp để bảo đảm sản xuất. Chúng tôi luôn tâm niệm song hành cùng nỗi vất vả của công nhân cũng giống như coi họ là tài sản quý giá của công ty”.
Theo ông Vũ Ngọc Linh, Tổng trưởng phòng hành chính tổng hợp Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam, công ty hiện có 3 nhà máy cách nhau khoảng 20 km (nhà máy 1 và 2 ở khu công nghiệp Đại An, nhà máy 3 ở cụm công nghiệp Nghĩa An, Ninh Giang) thường có hơn 9.000 công nhân làm việc. Từ năm 2007, doanh nghiệp đầu tư gần 10 xe ô- tô từ 9-24 chỗ và ký hợp đồng với một số đơn vị chuyên kinh doanh vận tải hành khách như Công ty CP Vận tải hành khách Vân Thanh (TP Hải Dương), Công ty CP Hà Lộc (Hà Nội)... để đưa đón chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật từ TP Hải Dương, Hà Nội đến nơi làm việc. Qua nghiên cứu, doanh nghiệp nhận thấy đa phần lực lượng công nhân đều ở xa nhà, việc đi lại khó khăn ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Do vậy, doanh nghiệp đã nghiên cứu để thiết lập các tuyến xe đưa đón hằng ngày. Tuy nhiên, việc đưa đón công nhân còn gặp khó khăn do sản xuất thường phải phân theo ca, kíp làm việc. Biện pháp trước mắt là động viên người lao động ở xa trên 10 km chủ động thuê nhà trọ và đơn vị hỗ trợ 300.000 đồng/tháng tiền xăng xe cho mỗi người. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường tuyên truyền, giáo dục và hỗ trợ người lao động về vấn đề an toàn giao thông.
Việc các doanh nghiệp sử dụng xe ô-tô để đưa đón công nhân thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp với nỗi vất vả của họ. Tuy nhiên, với số lượng công nhân tương đối lớn lại sử dụng các loại phương tiện ở những giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tình trạng dừng, đỗ không đúng quy định, dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do vậy, phát triển dịch vụ vận tải phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, khu công nghiệp là đòi hỏi của thực tiễn nhằm hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm tải nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động, nâng cao năng lực thu hút đầu tư vào tỉnh.
HOÀNG BIÊN