Chí Linh đánh thức tiềm năng nuôi cá lồng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:45, 12/05/2015

Với lợi thế hệ thống sông dày đặc, những năm qua, nghề nuôi cá lồng ở thị xã Chí Linh đã phát triển mang lại lợi nhuận cho người dân...

Gia đình anh Nguyễn Văn Khái cùng anh em họ hàng nuôi 35 lồng cá trên sông Kinh Thầy đoạn qua khu dân cư Kinh Trung, phường Văn An

Với hệ thống sông dày đặc, những năm qua, nghề nuôi cá lồng ở thị xã Chí Linh đã phát triển mang lại lợi nhuận, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn tự phát.

Hiệu quả bước đầu

Khoảng 4 năm trước, chỉ có vài hộ ở Chí Linh nuôi cá lồng thí điểm trên các sông Thái Bình, Kinh Thầy. Tuy nhiên hai năm trở lại đây, đã có hàng chục hộ nuôi, với số lượng lồng cũng tăng hằng năm. Do tận dụng diện tích mặt nước tự nhiên, thả tập trung, tốn ít nhân công lao động so với nuôi cá truyền thống trong ao đầm, nuôi cá lồng ở Chí Linh đã bước đầu khẳng định hiệu quả kinh tế.

Có mặt tại đường đê đoạn chạy qua khu dân cư Kinh Trung (phường Văn An), chúng tôi thấy khoảng 80 lồng cá trải dài suốt bờ sông Kinh Thầy. Đây là số lồng cá của các hộ dân ở xã Tân Dân nuôi đã vài năm nay. Mùa này, cá diêu hồng đang kỳ xuất bán. Hằng ngày, thương lái ở các nơi đưa ô-tô về đây thu mua.

Đưa chúng tôi đi thăm các lồng cá của gia đình, anh Nguyễn Văn Khái cho biết, tháng 9-2014, gia đình anh cùng anh em họ hàng đầu tư đóng 35 lồng nuôi cá trên sông Kinh Thầy. Cá nuôi gồm diêu hồng, lăng, trắm, chép và 1 lồng cá giòn. Sau hơn 7 tháng, cá diêu hồng đã cho trọng lượng trên 1 kg mỗi con. Đến nay, gia đình đã xuất bán được 2 lồng, mỗi lồng đạt sản lượng 5-7 tấn cá thịt. So với năm trước, năm nay, giá cá diêu hồng giảm còn khoảng 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi lồng thu lãi trên 20 triệu đồng.

Cũng như Tân Dân, nuôi cá lồng ở xã Nhân Huệ xuất hiện cách đây khoảng 4 năm. Ông Phan Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ cho biết: Toàn xã hiện có 7 hộ nuôi cá lồng tập trung trên sông Kinh Thầy và sông Thái Bình với khoảng 45 lồng cá, mỗi năm mỗi lồng cho thu lãi vài chục triệu đồng.

Theo Phòng Kinh tế thị xã Chí Linh, từ chỗ chỉ vài hộ nuôi lẻ tẻ, đến nay trên địa bàn thị xã đã có 13 hộ nuôi cá lồng ở các xã Cổ Thành, Tân Dân, Nhân Huệ, Đồng Lạc, Kênh Giang với 160 lồng cá, tương đương trên 8.000 m3, tập trung ở các sông Thái Bình và Kinh Thầy. Mỗi năm, mỗi lồng cho thu hoạch từ 5 - 7 tấn cá thịt, hiệu quả bằng 2-3 mẫu ao đầm.

Không ít khó khăn

Tuy nhiên, nuôi cá lồng ở Chí Linh mới chỉ tự phát, chưa theo quy hoạch nên đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là tình trạng thiếu vốn, thiếu kỹ thuật chăn nuôi, chưa tạo được đầu mối tiêu thụ ổn định.

Nuôi cá lồng đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Để đóng mới một lồng cá với khung được làm bằng sắt mạ chống gỉ, phao nâng bằng thùng phuy nhựa, lưới cước bao quanh chi phí không dưới 20 triệu đồng. Bên cạnh đó là tiền giống, thuốc phòng chống dịch bệnh, lương nhân công... Vấn đề lớn nhất của những người nuôi cá lồng chính là thức ăn cho cá. Trung bình mỗi ngày, một lồng cá tiêu thụ từ 2-5 bao cám, mỗi bao trên 300.000 đồng. Bởi vậy, các hộ nuôi cá lồng đều phải vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động. Tháng 7-2014, gia đình chị Nguyễn Thị Tám ở thôn Đáp Khê, xã Nhân Huệ (Chí Linh) bỏ vốn đầu tư nuôi 15 lồng cá diêu hồng, lăng, trắm, chép trên sông Kinh Thầy. Riêng số tiền đầu tư ban đầu gồm lồng bè, cá giống, thức ăn đã lên đến hơn 1 tỷ đồng. Để có vốn, gia đình phải vay mượn họ hàng, anh em bạn bè. Các hộ nuôi chủ yếu mày mò, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ các chủ lồng cá nuôi trước đó. Do còn hạn chế về kỹ thuật và kinh nghiệm nên đợt Tết vừa qua, trời rét, cá dịch bệnh, gia đình bị chết gần 1 tấn cá thịt.

Nuôi đã khó khăn, đến lúc xuất bán lại khó khăn hơn. Đưa chúng tôi đi thăm các lồng cá diêu hồng, chị Tám cho biết: "Đến nay, gia đình đã có 10 lồng cá diêu hồng được xuất bán, trọng lượng mỗi con đạt từ 7 lạng đến 1,5 kg nhưng vẫn chưa tìm được đầu ra. Cá đến lứa không xuất bán được, mỗi ngày tiêu thụ một lượng thức ăn không nhỏ. Để có tiền đầu tư nuôi cá, gia đình đã vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng".

Thiếu vốn cũng là khó khăn chung của các hộ nuôi cá lồng khác ở xã Nhân Huệ. Với hai con sông Thái Bình và Kinh Thầy bao quanh, Nhân Huệ có tiềm năng lớn để phát triển nuôi cá lồng. Tuy nhiên, các hộ nuôi còn manh mún, mỗi hộ chỉ có vài lồng do không có tiền đầu tư. 

Được biết, cá lồng ở Chí Linh vẫn chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa phục vụ chế biến hay xuất khẩu. Việc chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên nhiều rủi ro. Chưa kể hiện nay nhiều hộ nuôi cá lồng chưa tự chủ được nguồn giống, thường phải mua nên chi phí phát sinh cao.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng cá lồng, các cơ quan chức năng ở Chí Linh nên khoanh vùng khu vực nuôi, đồng thời có lộ trình phát triển phù hợp; hỗ trợ bà con nông dân về vốn, kỹ thuật, cách phòng và xử lý các bệnh thường gặp. Đặc biệt cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để tạo ra thị trường ổn định. Các hộ nuôi cá lồng cần nắm chắc kỹ thuật nuôi, chỉ thả những giống cá theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, chú trọng phát triển nuôi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

NGỌC HÙNG