Trái cau vàng
Truyện ngắn - Ngày đăng : 10:19, 16/05/2015
Minh họa" Văn Hà
Bà Bạch có nghề bán giầu vỏ trong chợ làng Vàn đã mấy chục năm qua, khi ra ở trên phố Hàn Thượng, bà tính sẽ bỏ nghề này vì bà nghĩ dân phố còn ai ăn trầu nữa. Nhưng nhiều người lại góp ý với bà: "Dân phố thì vẫn là dân làng mình chứ ai. Người ta vẫn ăn trầu, vẫn giỗ chạp, vẫn cưới hỏi". Bà Bạch thấy phải nên tiếp tục theo đuổi. Bà vẫn bán được hàng, vẫn có thu nhập đồng ra đồng vào. Nhưng so với các nghề khác khi lên phố như buôn bán quần áo, cà phê, kem, nước hoa quả... thì nghề của bà lãi lời chẳng đáng kể gì. Với lại bà Bạch cũng thấy cái việc ngồi bán giầu vỏ ở phố khác với hồi ở chợ làng nhiều lắm. Ví như không có người để trò chuyện, phải canh hàng cả ngày, như nếu cần đi đó đi đây thì khá bất tiện... Khách mua hàng thì không hiểu sao mỗi ngày họ càng thêm cành cao, điệu đà, khó tính. Một hôm trời nắng nóng, bà Bạch giấu giầu vỏ dưới gầm bể nước, sang nhà bà Thảo bán dưa cà trên phố Hàn Hạ. Vừa trông thấy bà Bạch, bà Thảo đã nói ngay: "Tôi biết mà, trời nắng nóng thế này thế nào giầu vỏ cũng ế hàng. Nhưng bù lại, những ngày khác, nhất là khi mát mẻ, mưa lạnh thì lại đắt khách. Người ta thích ăn trầu cho ấm người, cho câu chuyện khỏi nhạt". Như biết được nỗi lòng của bạn, bà Thảo khuyên: "Cứ cố gắng ngồi hàng, mỗi ngày kiếm đủ tiền nuôi mồm là được bà ạ. Cứ ngồi mà ăn vào tiền đền bù thì chẳng mấy mà hết".
Nói đến tiền đền bù, bà Bạch thấy sợ. Ruộng đất hết, có được một khoản tiền nghe nói thì to đấy, nhưng chia cho con trai một ít, con gái một ít, chồng bà cầm một ít góp vốn làm ăn với gánh thợ xây mới lập. Số còn lại bà giữ cho cả hai ông bà với suy nghĩ mộc mạc chi tiêu ít thì còn lâu mới hết. Nhưng, cũng như bồ thóc thôi. Rút ruột mãi thì sẽ đến ngày không còn hạt nào. Bà Bạch lại cố ngồi với nghề giầu vỏ. Nhưng bà ngồi lại với nghề chỉ vì sự rơi xuống nghèo đói hết tiền, không việc thôi, chứ tâm tính của bà thì vẫn vậy. Đúng là bản tính khó đổi thay. Thấy các cháu đến mua hàng mà ăn mặc theo mốt mới là bà làu bàu: "Con gái con lứa làng mình ngày xưa có đâu thế. Người ta thật hiền hậu, nết na. Mới lên phố mà đã theo đòi". Khách chê lá trầu bé, bà vặc: "Muốn to thì đi mà hái lá đa". Nếu khách chê cau không xanh, không đẹp thì bà bảo: "Đi mua cau nhựa cho đẹp". Đúng là bó tay chấm com.
Bà Bạch giầu vỏ vẫn bán hàng mỗi ngày nhưng phố xá dường như dần xa bà theo từng ngày.
*
Bẵng đi một thời gian, khi bà Bạch đã bỏ hẳn việc bán giầu vỏ thì bà Lành khai trương cửa hàng giầu cau làng Vàn ngay tại ngôi nhà mới mua. Bà Lành nói với mọi người: "Bác Bạch vì tuổi cao sức yếu phải bỏ nghề này, chứ thực ra bỏ đi là rất phí nên tôi chủ trương giữ lại cho làng". Bà diễn giải cho mọi người và cũng như để trấn an mình: "Tuy số người dùng trầu cau đang ngày càng giảm nhưng nhu cầu có trầu cau đẹp, trầu cau tốt dùng cho lễ hội, cưới hỏi, cúng bái, giao lưu đang ngày càng tăng. Nhu cầu này mới là chủ yếu hiện nay". Nghe bà Lành nói thế, người ta biết ngay bà là người am tường, chắc chắn bà ấy sẽ làm được.
Phải nói là bà Lành tuy tuổi đã nhiều nhưng sắc vóc vẫn mặn mòi, ăn nói thì linh hoạt nên luôn được mọi người thuận nghe. Bà thông thuộc rất nhiều câu nói vần vè trong dân gian về trầu cau. Bà sử dụng nó một cách lợi hại để thu hút mọi người thưởng thức văn hóa trầu cau, ủng hộ công việc mà bà đang đeo đuổi. Nào là "Gặp đây ăn một miếng trầu. Không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng". Nào là: "Thương ai chẳng nói khi đầu. Để cho thầy mẹ ăn trầu người ta". Rồi thì "Vì chưng ăn miếng trầu anh. Cho nên má đỏ tóc xanh đến giờ". Hoặc khi có đôi cô cậu nào đấy rủ nhau đến mua trầu cau thì bà khéo léo đùa: "Têm trầu bỏ đĩa kim chung. Đôi mình ước được chào chung mẹ thầy"... Nhiều cô gái nói: "Bác Lành "đầu độc" trầu cau chúng cháu bằng ca dao. Bỗng nhiên cảm thấy muốn ăn trầu "cho đỏ môi mình môi ta".
Bà Lành nói thế không phải để ton hót lấy lòng ai, mà bà thực tâm yêu mến cái hay, cái đẹp trong cuộc sống đang diễn ra hằng ngày. Những điều bà thốt ra không bị người ta cho là giả tạo. Thấy con cái nhà ai xinh xắn, bụ bẫm, bà thốt lên sự vui mừng: "Trộm vía, con cái nhà ai mà ghét thế này". Có cô gái ở phố Hàn Thượng được giải cao trong cuộc thi người mẫu, bà ôm hoa đến tặng cha mẹ cô gái ấy. Việc làm của bà có lẽ là duy nhất ở khu phố này và mặc dầu bà chưa tỏ cô gái là người như thế nào. Bà tâm đắc: "Làm cha làm mẹ mà sinh được đứa con như thế là mát lòng mát dạ lắm. Hàn Thượng bây giờ không còn là cơ hàn nhất nữa nhé" . Có người mẫu rồi, mai kia sẽ có hoa hậu nhé". Riêng câu "làng Vàn chân vàng mắt toét" không biết bà lấy được ở đâu mà bà hay nói: "Các ông các bà xem: Làng Vàn nhà mình bây giờ có chân vàng mắt toét nữa đâu. Làm gì còn chua phèn, lầy thụt. Dân mình giờ còn bí bách, cơ hàn đến nỗi gắn với tên thôn, tên xóm như ngày xưa nữa đâu". Ông Báu, cán bộ Mặt trận khu dân cư nói: "Bà Lành bán trầu cau là làm dịch vụ văn hóa, tâm linh, hướng người ta tới cái hay, cái đẹp, cái nghiêm cẩn". Có lẽ ông ấy nói đúng.
Bà Lành không chỉ tuyên truyền phong tục, văn hóa trầu cau tích cực và thuận tai mà làm kinh tế qua lá trầu, quả cau cũng thực sự tinh tế, xuất sắc. Chả biết bằng cách nào mà không chỉ mấy con phố từ làng Vàn chuyển cư mà những khu phố lân cận, nhà nào có cưới hỏi, giỗ chạp là cửa hàng của bà đều biết để đáp ứng nhu cầu về trầu cau, không để nhỡ, để thiếu bao giờ. Các đền miếu, chùa chiền, lễ hội quanh vùng có tuần tiết, lễ lạt vào thời gian nào, quy mô ra sao bà đều nắm được để triển khai chương trình phục vụ. Vì vậy, có kỳ cửa hàng phải huy động tới ba bốn nhân lực mới đảm đương hết công việc.
Thấy việc làm ăn xuôi chèo mát mái, để tạ ơn tổ tiên phù hộ độ trì, để làm sang trọng cho bản hiệu, bà quyết định lập ban thờ có trái cau vàng, lá trầu vàng ngay tại cửa hàng. Lễ đặt ban thờ được tổ chức rất trang trọng. Nhiều vị sư chủ trì ở một số chùa lớn, đại diện ban quản lý nhiều di tích nổi tiếng đã đến dự. Sau khi đặt ban thờ quả cau vàng, cửa hàng trầu cau làng Vàn sang trọng hẳn. Khách hàng ngắm nhìn quả cau vàng, lá trầu vàng lung linh trong tủ thủy tinh như bị hấp dẫn, quyến rũ, chân không muốn rời. Người ta liên tưởng đến thịnh vượng, ăn nên làm ra do duyên trầu cau mang lại. Cửa hàng nhà bà Lành càng đắt khách hơn.
*
Được mời dự lễ đặt ban thờ quả cau vàng, bà Bạch rất vui. Bà chẳng ganh ghét gì bà bạn tốt tâm, tốt tính, làm ăn hơn hẳn mình. Nhưng khi trở về nhà thì bà hoảng hồn khi thấy ông Bạch nằm chềnh ềnh trên giường, thở phì phì, nồng nặc mùi rượu. Cơ sự này bà đã linh cảm ngay từ khi đưa tiền cho ông ra đi làm ăn, nhưng không ngờ nó đến nhanh đến như vậy. Rõ là mèo lại hoàn mèo. Người ta bảo thế gian được vợ hỏng chồng, gia đình bà thì chẳng được ai, hỏng cả đôi trong chuyện làm ăn. Nếu bà muốn trách mắng ông thì cũng chẳng được. Ông Bạch vốn sinh ra và lớn lên ở làng Vàn, nơi có nhiều mương, bờ, gò, đống, rất nhiều lươn, rắn, ếch, nhái, chuột đồng sinh sống. Với các loại này, dù ướt dù ráo, ông Bạch đều bắt nhanh như chớp. Ông ăn chúng quá lâu dài thành nghiện. Ngay cả khi đã đi làm thợ hồ ông vẫn săm soi ở các bãi hoang, đống để vật liệu bắt rắn, nghóe cải thiện. Đám công nhân trẻ rất ghê nhưng vì nể ông lớn tuổi nên lúc đầu họ chưa có ý kiến gì. Về sau, họ bắt ông phải đun nấu rắn, nghóe ở bếp riêng, tự mua xoong nồi riêng. Đáng ra ông phải tự biết như vậy là phải dừng. Ngược lại, ông cho rằng mình càng được tự do nên càng hăng săn lùng chuột, rắn. Các chủ công trình bài xích ông kịch liệt. Họ cho rằng ông là kẻ sát sinh vô tội vạ, đem cái uế tạp đến công trình của họ. Ông Bạch bị mất việc vì lý do này.
Biết hoàn cảnh của ông bà Bạch, bà Lành bảo: Nếu ông bà đồng ý thì cho bà ấy thuê nhà. Bà sẽ dùng một phần diện tích nhà ông bà Bạch làm gian nhà mát bảo quản trầu, cau. Mỗi tháng bà trả cho ông bà Bạch năm triệu đồng. Bà Bạch chỉ biết kêu lên: "Ố, thế hả". Còn ông Bạch thì chậm chạp nói: "Tức là gần gấp đôi tiền tôi đi làm thợ hồ mỗi tháng đấy bà ạ".
Thật là ngẫu nhiên, việc quyết định lập gian nhà lạnh để bảo quản trầu cau là điểm mở đầu ngay sau khi bà Lành lập ban thờ trái cau vàng. Phải chăng nó báo hiệu một chặng mới hanh thông của cửa hàng trầu cau làng Vàn?
Truyện ngắn của THÁI BÁ LÝ