Bài 2: Công nghiệp phát triển nhanh
Tin tức - Ngày đăng : 07:59, 17/05/2015
Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương phát huy tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...
Thập kỷ 60 của thế kỷ trước đá mài Hải Dương mới được nghiên cứu sản xuất thì đến nay
đã trở thành một nhãn hiệu cạnh tranh cấp quốc gia
Thực hiện lời Bác Hồ dạy, gần 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã phát huy tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phấn đấu xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp.
"Phải cố gắng tiến bộ"
Trong những lần Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh ta, bên cạnh việc nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền cần quan tâm đến phát triển nông nghiệp, thủy lợi, Bác đã không ít lần nhắc nhở tỉnh ta quan tâm phát triển công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) để phục vụ các ngành sản xuất khác và đời sống nhân dân.
Ngày 31-5-1958, Bác Hồ về thăm tỉnh ta và nói chuyện với nhân dân thị xã Hải Dương tại hội trường Tỉnh ủy (nay là Bảo tàng tỉnh). Bác nhắc nhở: "Bây giờ tôi nói đến một số nhiệm vụ trước mắt để đồng bào và cán bộ cố gắng thực hiện: Tăng sản xuất, thực hiện tiết kiệm, phát triển thủ công nghiệp. Muốn làm được như thế chúng ta phải có tập đoàn, có hội sản xuất. Ngoại ô thì phải có tổ chức đổi công sản xuất, trong thành phố phải có tập đoàn sản xuất thủ công, tiểu công nghệ".
Ngày 26-7-1962, Bác Hồ về thăm và có buổi nói chuyện với cán bộ, nhân dân tại sân Vọng Cung (nay là Nhà hát Nhân dân TP Hải Dương). Bác Hồ đánh giá: "Về công nghiệp địa phương cũng có cố gắng phát triển... Tuy vậy, những tiến bộ đó chưa thỏa mãn được nhu cầu của nhân dân... Cải tiến công cụ chậm. Tính ra 6 hộ chỉ có một cào cỏ cải tiến, 26 hộ mới có một guồng nước. Phân bón quá ít, kế hoạch định vụ mùa bón 8 tấn một mẫu tây mà bình quân bón lót mới chỉ được 2 tấn... Để hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước, để xây dựng chủ nghĩa xã hội, để nâng cao đời sống nhân dân - đồng bào và cán bộ phải làm tốt những việc sau đây: Phát triển công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, nhằm tích cực phục vụ nông nghiệp và đời sống nhân dân". Chiều 26-7-1962, Bác Hồ tới thăm Nhà máy Sứ Hải Dương. Bác căn dặn: "Phải tích cực thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, thực hiện nhiều, nhanh, tốt, rẻ - 4 cái đó phải gắn liền với nhau". Sau đó, Bác đã thăm phân xưởng vẽ hoa, viết lưu niệm vào chiếc lọ hoa 5 chữ "Phải cố gắng tiến bộ".
Cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ trước, quy mô sản xuất công nghiệp, TTCN của tỉnh ta còn rất nhỏ lẻ, mới chỉ có một vài doanh nghiệp, ít cơ sở sản xuất TTCN. Về công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, trong 2 năm 1961 - 1962, tỉnh xây dựng một số cơ sở mới như mỏ than Cổ Kênh, Xí nghiệp Chế biến nông sản. Các xí nghiệp do Trung ương quản lý đóng trên địa bàn như Nhà máy Chế tạo bơm, Nhà máy Sứ, Nhà máy Xay, Mỏ đất cao lanh Trúc Thôn... Quy mô và giá trị sản xuất của ngành công nghiệp và TTCN còn rất nhỏ bé. Năm 1962, giá trị sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp mới chiếm 15% tổng giá trị sản phẩm toàn tỉnh.
Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp
Khắc ghi những lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã và đang phấn đấu xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp. Phát huy lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đến nay tỉnh có 10 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập và thực hiện dự án xây dựng - kinh doanh hạ tầng với tổng diện tích hơn 1.982 ha. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN đã thực hiện khoảng 4.900 tỷ đồng. Các KCN đã thu hút 175 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2.486 triệu USD và 8.750 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 7,3 vạn lao động, đa số là người địa phương. Cùng với phát triển các KCN, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 36 cụm công nghiệp đã được quy hoạch với tổng diện tích đất tự nhiên 1.693,28 ha. Hiện tại, đã có 30 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 309 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6.265 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và đã khẳng định được thương hiệu như: Xi-măng Hoàng Thạch, Xi-măng Phúc Sơn, Nhiệt điện Phả Lại, Bơm Hải Dương, Đá mài Hải Dương, Thạch rau câu Long Hải... Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp đã đưa giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 72.518 tỷ đồng, năm 2014 đạt 96.286 tỷ đồng và năm 2015 dự kiến 107.359 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 ước tăng bình quân 10,3%.
Cùng với quan tâm phát triển các KCN, cụm công nghiệp, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm phát triển mạnh các cơ sở sản xuất TTCN, làng nghề để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, các mặt hàng phong phú, đa dạng đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Thông qua đó, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Hiện nay, tỉnh đã khôi phục, phát triển được nhiều làng nghề sản xuất TTCN như: Bánh đậu xanh Hải Dương, thêu ren Xuân Nẻo, gốm Chu Đậu, nghề chạm khắc gỗ Đông Giao... Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 65 làng được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề công nghiệp, TTCN. Năm 2011, toàn tỉnh có 24.353 cơ sở sản xuất TTCN, giá trị sản xuất TTCN, làng nghề đạt 20.500 tỷ đồng (tăng 15,8% so với năm 2010). Đến năm 2015, dự báo tăng lên 27.460 cơ sở sản xuất TTCN, giải quyết việc làm cho 116.000 người; giá trị sản xuất ước đạt 24.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2011-2015) đạt 6,7%/năm. Phát triển TTCN, làng nghề đã và đang góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Khu vực TTCN, làng nghề tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tận dụng thời gian nông nhàn để tổ chức sản xuất theo phương châm “ly nông bất ly hương”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp quan trọng để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Việc phát triển công nghiệp, TTCN đã và đang tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2014 là nông, lâm nghiệp, thủy sản 16,5% - công nghiệp, xây dựng 51,2% - dịch vụ 32,3%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra trước 1 năm. Năm 2015, tỉnh ta đề ra mục tiêu cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 15,6% - 52,3% - 32,1%.
Quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, TTCN theo lời Bác Hồ dạy, Hải Dương chuyển mạnh từ một tỉnh thuần nông sang tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
VŨ ÚY