Bài cuối: “Đưa sự nghiệp giáo dục lên những bước phát triển mới”
Tin tức - Ngày đăng : 15:00, 19/05/2015
Cuối năm 1968, Bác Hồ gửi bức thư cho ngành giáo dục: "Phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới..."
Thực hiện lời dạy của Bác: “Phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đưa sự nghiệp giáo dục của nước ta
lên những bước phát triển mới”, sự nghiệp giáo dục đào tạo của Hải Dương không ngừng được nâng cao
Thi đua "Hai tốt"
Năm học 1968-1969, ngành giáo dục tỉnh nhà vinh dự được đón nhận lá thư chan chứa tình cảm khích lệ, động viên cán bộ, giáo viên toàn ngành của Bác Hồ lúc đang gặp muôn vàn khó khăn do miền Bắc mới có hòa bình tạm thời; nhân dân, các cơ quan, trường học vừa trở về địa điểm cũ sau khi sơ tán và bắt tay vào xây dựng, hoạt động trở lại. Đây cũng là thời kỳ tỉnh Hải Hưng vừa hợp nhất, phong trào giáo dục chưa đồng đều.
Sau khi được nhận thư Bác, Công đoàn toàn ngành đã tiến hành một đợt học tập sâu rộng, cụ thể hóa lời dạy của Người với khẩu hiệu: "Mỗi đoàn viên công đoàn là một chiến sĩ kiên cường, mỗi nhà trường là một pháo đài chống Mỹ". Tiếp đó là các phong trào "Ba đảm đang", "Giỏi việc trường, đảm việc nhà", cuộc vận động "Đã là giáo viên phải là người tiên tiến"...
Dù trong điều kiện chiến tranh gian khổ, khó khăn chồng chất, nhưng bằng sức lan tỏa sâu rộng, các phong trào đã huy động được đông đảo nhân dân, cán bộ, giáo viên hăng hái chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Nhiều gia đình đã nhường đất, nhường nhà để làm trường học; nhiều thế hệ phụ huynh không tiếc công sức, vật liệu góp sức dựng trường, dựng lớp. "Thầy bám trường, trò bám lớp" nối lại những lớp học sau khi bị bom đạn Mỹ phá hoại. Chính trong thời kỳ này, toàn ngành đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người. Nhiều trường học trở thành điển hình tiên tiến, lá cờ đầu trong phong trào "Hai tốt" như các trường: Phổ thông cấp I An Lâm (Nam Sách), cấp II Nghĩa Hưng (Gia Lộc)... Có đơn vị đã trở thành lá cờ đầu của ngành sư phạm toàn miền Bắc như Trường Sư phạm cấp IIC ở Ấp Dâu (Hưng Yên hiện nay). Những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua "Hai tốt" cũng xuất hiện ở các cấp học như tấm gương thầy giáo Nguyễn Quý Rực (Trường cấp II Trần Cao), thầy giáo Đoàn Văn Lễ (Trường cấp II Nghĩa Hưng)...
Không ngừng tiến bộ
Trong những năm đổi mới, kế thừa và phát triển phong trào "Hai tốt" do Bác Hồ khuyến khích, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục huy động sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành giành nhiều kết quả mới trong sự nghiệp “trồng người”. Mạng lưới trường lớp phát triển tương đối hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; chất lượng giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ; công tác quản lý giáo dục được tăng cường và đổi mới. Toàn tỉnh hiện đã có 946 trường học các cấp (tăng hơn 500 trường so với những năm chiến tranh chống Mỹ); hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng phát triển đến tất cả các xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao dân trí cho học sinh, nhân dân và người lao động.
Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường và hiệu quả phổ cập giáo dục ở các cấp học đều đạt tỷ lệ cao. Trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100%; trẻ 11 tuổi hoàn thành phổ cập tiểu học đạt 98,5%; tỷ lệ thanh thiếu niên độ tuổi 15-18 tốt nghiệp THCS đạt 94,96%, tỷ lệ vào học THPT, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp đạt 83,76%. Tỉnh ta cũng là tỉnh thứ ba trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (năm 2011), là tỉnh thứ tư trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (năm 2012).
Từ sự chung tay của toàn xã hội, các địa phương, nhà trường đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp, mua sắm thêm bàn, ghế, sách, thiết bị dạy học, bảo đảm các điều kiện tối thiểu cho dạy và học. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng nhanh và khá đồng đều ở các cấp học, trong đó mầm non đã đạt 78,6%; tiểu học 94,8%; THCS 94,7%; THPT 97,9%... Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cũng được đặc biệt quan tâm. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phát triển đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu, nhiệt tình, tâm huyết với nghề, tích cực, chủ động học tập bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 100% số cán bộ, giáo viên các cấp học đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn tăng nhanh.
Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được củng cố và nâng lên. Chất lượng văn hoá học sinh đại trà, đội ngũ học sinh giỏi tiếp tục được củng cố. Tỷ lệ học sinh THPT thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, tỷ lệ thi học sinh giỏi quốc gia đoạt giải liên tục trong tốp đầu toàn quốc, có nhiều học sinh đạt thủ khoa khối thi, các trường đại học. Từ năm 2010 - 2015, có 353 học sinh đoạt giải quốc gia lớp 12, tỷ lệ đoạt giải trung bình hằng năm đạt 82% (cao hơn tỷ lệ chung toàn quốc 30 - 40%).
Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015 và 4 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh vừa qua, có hàng trăm tập thể, cá nhân đã được biểu dương, tôn vinh. Điển hình vẫn là những tấm gương nhà giáo gương mẫu trong các phong trào thi đua “Hai tốt”, “Nữ giáo viên giỏi việc trường, đảm việc nhà", “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”... Đó chính là những tấm gương không ngừng làm theo lời Bác, góp phần tạo dựng sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển xứng tầm với sự phát triển của đất nước.
THU MINH