Công nhân nữ "mù mờ" kiến thức sức khỏe sinh sản
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:32, 20/05/2015
Nữ công nhân thiếu thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nảy sinh nhiều hệ lụy...
Dành nhiều thời gian cho công việc nên công nhân nữ rất khó tiếp cận thông tin
về chăm sóc sức khỏe sinh sản (ảnh chỉ có tính chất minh họa)
Nhiều nỗi buồn
Cách đây 1 năm, chị Đặng Thị H., công nhân Công ty TNHH May Trấn An sinh đứa con đầu lòng. Bé giờ mới đang chập chững học đi. Cả hai vợ chồng chị H. đều ở huyện Ninh Giang lên TP Hải Dương làm công nhân, do tính chất công việc nhiều lúc phải tăng ca đến tối muộn mới về nên dù đứa trẻ còn nhỏ vẫn phải mang gửi ở một nhóm trẻ tư nhân. Mấy hôm nay gặp lại, tôi đã thấy bụng chị H. "lùm lùm" dưới làn áo rộng. Hỏi ra mới biết chị đã mang thai được gần 3 tháng. "Con vẫn còn nhỏ, mà kinh tế cũng khó khăn sao hai vợ chồng chị lại quyết định sinh thêm đứa nữa", tôi hỏi. Chị H. bẽn lẽn cười: "Bị vỡ kế hoạch. Thật ra, vợ chồng tôi cũng chưa muốn sinh con ngay đâu. Tôi cũng mới biết mình có thai được hơn 2 tuần nay thôi. Vậy là đành phải cai sữa cho đứa con lớn và gửi cháu về quê nhờ ông bà nội trông giúp". Nghe chị H. nói, tôi thấy thật ái ngại, thương cho đứa trẻ phải rời vú mẹ khi chưa đầy 1 tuổi và cả đứa con trong bụng chị không biết sẽ được chăm sóc ra sao khi bố mẹ còn quá nhiều khó khăn. Tôi cũng sợ rằng vì thiếu thông tin và những kỹ năng về sức khỏe sinh sản (SKSS), chị H. lại tiếp tục mang thai ngoài ý muốn.
Chị Nguyễn Thị Nh. ở Công ty Masan Hải Dương (khu công nghiệp Đại An) cũng có nhiều nỗi buồn. 4 năm trước, chị Nh. vào công ty làm việc. Sau đó không lâu, chị phát hiện mắc bệnh phụ khoa. Do công việc bận tối ngày cộng với tâm lý chủ quan, thiếu thông tin về chăm sóc SKSS, chị Nh. không đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh mà tự ý mua thuốc ở hiệu thuốc tư nhân về uống. Kết quả là bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Do để lâu, bệnh biến chứng nên các bác sĩ thông báo trường hợp của chị Nh. rất khó có con.
Vào khoảng cuối năm 2013, Hội KHHGĐ Việt Nam đã có một cuộc khảo sát đối với công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất (trong đó có tỉnh ta) cho thấy có đến gần 90% số người được hỏi thiếu hoặc không có kiến thức về tình dục an toàn. CNLĐ ở khu vực này gần như ít được tiếp cận các kiến thức về SKSS, tình dục an toàn, kiến thức giới...
Khó tiếp cận
Có nhiều lý do khiến CNLĐ có ít kiến thức về chăm sóc SKSS. Phần lớn họ xuất thân từ các làng quê, nơi còn rất nhiều định kiến về giới tính. Các bậc phụ huynh vốn không có nhiều kiến thức về lĩnh vực "nhạy cảm" này lại hay né tránh việc chia sẻ với con cái, nhất là các em gái. Khi đi học, việc giáo dục trong các nhà trường còn mang nặng tính lý thuyết hoặc các em còn nhỏ nên không chú ý quan tâm. Nhiều doanh nghiệp khi tuyển công nhân chỉ yêu cầu trình độ tốt nghiệp THCS. Khi làm việc trong môi trường công nghiệp, CNLĐ cũng không có nhiều thời gian để tiếp cận, học hỏi các kiến thức về SKSS.
Có thể khẳng định, CNLĐ gặp nhiều bất lợi, rào cản trong tiếp cận kiến thức về SKSS, kể cả trong cuộc sống gia đình hay tại nơi làm việc. Chị Phạm Thị Thương làm ở Doanh nghiệp May mặc tư nhân Tuấn Kỳ (TP Hải Dương) chia sẻ: "Tôi chỉ biết các kiến thức này thông qua các cuộc nói chuyện với bạn bè. Những thông tin như thế nhiều khi cũng không chính xác vì các bạn tôi không được học ở đâu, chỉ là kinh nghiệm truyền tai nhau. Công việc nhiều khi phải tăng ca về muộn, rồi còn lo cơm nước cho chồng con thì lấy đâu ra thời gian mà tìm hiểu thông tin trên sách báo".
Không chỉ CNLĐ khó tiếp cận để tìm hiểu thông tin về SKSS mà các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động mang kiến thức đến cho họ. Theo bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, hiện nay việc huy động kinh phí để tổ chức và duy trì hoạt động cho những câu lạc bộ (CLB) mang tính chất phổ biến, tuyên truyền về kiến thức SKSS hầu như không có. Khi công đoàn phối hợp tổ chức được thì doanh nghiệp lại không hợp tác. Đã từng có một đơn vị muốn thông qua công đoàn để vào doanh nghiệp triển khai hoạt động khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí chăm sóc SKSS cho công nhân nữ nhưng khi liên hệ thì không có doanh nghiệp nào nhận lời. Dù công đoàn cơ sở rất muốn tổ chức nhưng doanh nghiệp không tạo điều kiện về thời gian nên đành "bó tay".
Chính vì thế, LĐLĐ tỉnh chỉ có thể lồng ghép việc tuyên truyền các kiến thức về chăm sóc SKSS cho công nhân trong các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật. Tuy nhiên, cách làm này hiệu quả chưa cao bởi nội dung về kiến thức SKSS thì nhiều mà thời gian cho các buổi tuyên truyền chỉ có hạn, thậm chí tranh thủ trong giờ nghỉ trưa của công nhân.
Vào cuối tháng 11-2013, Hội KHHGĐ Việt Nam đã phối hợp với Ban Nữ công LĐLĐ tỉnh thí điểm thành lập CLB “CNLĐ với SKSS” tại Công ty TNHH Long Hải. CLB hoạt động theo nguyên tắc tập hợp 20 hội viên là nữ công nhân tại công ty để thường xuyên trang bị cho họ những kỹ năng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chăm sóc SKSS. Họ sẽ là lực lượng nòng cốt tuyên truyền những kiến thức ấy đến các nữ công nhân trong công ty như, cung cấp tờ rơi, bao cao su cho người có nhu cầu. Tuy nhiên đến nay, hiệu quả của CLB này không cao, chỉ tập trung ở số ít thành viên tham gia chứ không thể mở rộng.
Liên quan đến lĩnh vực này, Tỉnh đoàn Hải Dương cũng đã từng triển khai hoạt động của mô hình "Góc thân thiện" ở 2 khu công nghiệp Phúc Điền và Nam Sách từ năm 2009. Tuy nhiên đến nay, ở cả 2 điểm trên, mô hình đều không thể duy trì hoạt động thường xuyên do không thu hút được thành viên tham gia và cũng do tổ chức ít quan tâm đầu tư kinh phí hoạt động.
Để nâng cao kiến thức về chăm sóc SKSS cho nữ công nhân cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Các đơn vị khi thành lập các mô hình tuyên truyền cần chú ý quan tâm duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả, tránh để mô hình "chết yểu". Công đoàn và những tổ chức liên quan có thể phối hợp mở rộng hình thức tuyên truyền trong các khu nhà trọ; tăng cường in ấn, phát hành những tài liệu liên quan để hỗ trợ miễn phí cho công nhân. Ban Nữ công ở các công đoàn cơ sở cần xem xét thành lập những hòm thư góp ý, trong đó chú trọng nội dung chia sẻ những vấn đề khó nói về SKSS để "gỡ khó" cho nữ công nhân. Người sử dụng lao động cần tạo điều kiện cho việc tổ chức các hoạt động liên quan đến chăm sóc SKSS cho người lao động tại đơn vị mình...
NGỌC THANH