Y tế cơ sở có vai trò quan trọng
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:50, 30/05/2015
Theo WHO, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, hô hấp mạn tính... là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.
Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng thường xuyên phối hợp với trạm y tế các xã tổ chức khám
và tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi để phòng tránh các bệnh không lây nhiễm
Kịp thời
Chúng tôi về Trạm Y tế (TYT) xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) vào một buổi chiều nắng nóng. Ngồi tiếp chúng tôi, y sĩ Nguyễn Văn Hào, Phó Trạm trưởng TYT xã chốc chốc lại phải đứng dậy thăm khám cho bệnh nhân. Y sĩ Hào giải thích: "Xã Cẩm Vũ là xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện chưa nhiều. Vì vậy, khi đau ốm người dân thường đến TYT để khám bệnh, nhất là người cao tuổi đi lại khó khăn, nhà lại không có người đưa đón". Theo tính toán của y sĩ Hào, trung bình mỗi tháng, TYT xã khám và hướng dẫn điều trị, phát thuốc theo tiêu chuẩn bảo hiểm cho khoảng 300 người mắc các bệnh không lây nhiễm (KLN).
Bà Hà Thị Nhâm (58 tuổi) ở thôn Hoàng Gia mắc bệnh dạ dày đến TYT lấy thuốc cho biết: "Ở TYT xã tuy không có máy nội soi để theo dõi tình trạng bệnh tật của tôi nhưng rất thuận tiện vì tôi không phải đi xa để lấy thuốc. Các y, bác sĩ cũng luôn quan tâm hỏi thăm, nhắc nhở tôi ăn uống hợp lý để tốt cho sức khỏe". Qua tiếp xúc, y sĩ Hào nhận thấy bà Nhâm có biểu hiện cao huyết áp nên đã đề nghị bà thăm khám. Kết quả cho thấy, huyết áp của bà Nhâm cao hơn mức trung bình. Tuy không nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe ngay nhưng nếu không được phát hiện và có hướng điều trị kịp thời, huyết áp của bà Nhâm có thể sẽ tăng cao và gây biến chứng nguy hiểm về sau.
TYT xã Phú Điền (Nam Sách) luôn có nhiều người đến khám, chữa bệnh. Chỉ tính riêng năm 2014, số lượt bệnh nhân đến khám cao gần gấp đôi số dân trong xã. Có được kết quả đó là do thời gian qua TYT đã có nhiều việc làm thiết thực, tạo được uy tín trong khám, chữa bệnh cho người dân. Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Trạm trưởng TYT xã cho biết, năm 2009, bác sĩ đã trực tiếp triển khai đề tài "Điều tra thực trạng bệnh tăng huyết áp ở người trưởng thành xã Phú Điền". Ông cùng nhân viên y tế thôn đến từng nhà đo huyết áp cho người dân trong độ tuổi từ 19 trở lên. Kết quả, đã phát hiện hơn 200 người mắc các triệu chứng của bệnh. Từ đó, TYT đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người dân các phương pháp điều trị kịp thời. Đối với các bệnh KLN khác, TYT cũng tích cực tuyên truyền giúp người dân phòng tránh. Vì vậy, TYT đã thu hút được nhiều người đến khám và tỷ lệ bệnh tật, đặc biệt là những bệnh KLN ổn định hơn trước.
Cần tăng cường nguồn lực
Ở nước ta, trong năm 2012, ước tính các trường hợp tử vong do bệnh KLN chiếm khoảng 70% số người chết hằng năm. Ở tỉnh ta, ngành y tế chưa có số liệu thống kê về tổng số bệnh nhân đang mắc hoặc tử vong do các bệnh KLN gây ra. Tuy nhiên, việc triển khai một số dự án liên quan đến các bệnh KLN cũng cho thấy những con số báo động. Từ năm 2011, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đầu tư kinh phí và chỉ đạo TYT 2 phường Nguyễn Trãi và Quang Trung (TP Hải Dương) triển khai dự án phòng chống bệnh đái tháo đường. Năm 2011, tuy địa bàn triển khai không lớn nhưng tổng số đối tượng thuộc diện quản lý lên tới 424 người. Đến năm 2014, do được tư vấn, hướng dẫn cách điều trị bệnh kịp thời nên giảm xuống còn 235 người. Đây chính là hiệu quả của y tế cơ sở trong việc giúp người dân phòng tránh bệnh KLN. Theo kết quả tổng hợp từ các tuyến y tế cơ sở thì trong năm 2014, toàn tỉnh cũng có gần 20.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh bướu cổ. Trong quý I năm nay, toàn tỉnh có 34.845 bệnh nhân tăng huyết áp thuộc diện quản lý...
Do khám kịp thời ở Trạm Y tế, bà Hà Thị Nhâm ở thôn Hoàng Gia (Cẩm Vũ)
đã được phát hiện mắc bệnh cao huyết áp
Khi hỏi về cách giúp người dân hạn chế mắc các bệnh KLN, ông Văn cho biết thêm, căn cứ vào thực tế hiện nay thì y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Bởi đây không chỉ hỗ trợ điều trị ban đầu mà còn là nơi có tác dụng tích cực nhất trong tuyên truyền cho người dân. Nếu y tế cơ sở làm tốt việc tuyên truyền, giúp người dân tránh xa lối sống dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thì sẽ hạn chế được rất nhiều người mắc. Đồng thời, đối với những bệnh nhân đã mắc bệnh, nhất là những bệnh như tiểu đường, huyết áp... y tế cơ sở cũng có thể can thiệp hỗ trợ điều trị tích cực để hạn chế rủi ro tốt nhất cho người bệnh, giúy họ vừa đỡ tốn kém về vật chất, đi lại thuận lợi mà vẫn bảo đảm sức khỏe.
Tuy nhiên, để làm được những việc trên, y tế cơ sở cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Y sĩ Hào ở TYT xã Cẩm Vũ cho biết, hiện nay các thiết bị hỗ trợ cho khám và điều trị bệnh của trạm rất thô sơ. Việc khám, chữa bệnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của đội ngũ y bác sĩ. Nguồn kinh phí để thực hiện tuyên truyền cũng hạn chế, trạm phải hoàn toàn tự túc. Vì vậy, ảnh hưởng rất nhiều đến việc giúp đỡ người dân trong phòng chống bệnh tật nói chung, các bệnh KLN nói riêng. Ngoài ra, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở vẫn còn nhiều yếu kém do không được thường xuyên tập huấn, trang bị các kỹ năng nghề nghiệp về phát hiện và điều trị các bệnh KLN...
Các bệnh KLN thường là những bệnh phải điều trị lâu dài, gây tốn kém về vật chất và ảnh hưởng đến tinh thần người bệnh. Do đó, các ngành chức năng cần có lộ trình cụ thể để giúp người dân hạn chế các loại bệnh trên. Cần giúp y tế cơ sở thực sự lớn mạnh để phát huy vai trò trong việc phòng chống các bệnh KLN, bằng cách tăng cường thiết bị kỹ thuật y tế phục vụ cho việc chuẩn đoán và điều trị; hỗ trợ kinh phí tuyên truyền kỹ năng phòng tránh bệnh; thường xuyên triển khai tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở...
THANH MINH