Khu dân cư giảm ô nhiễm

Môi trường - Ngày đăng : 07:20, 31/05/2015

Trước đây, hầu hết hộ dân xả nước thải sinh hoạt ra ao trong thôn, khu dân cư.



Nhiều khu dân cư ở xã Cổ Dũng (Kim Thành) làm hệ thống thoát nước thải ngầm dưới đất ở vị trí
giữa đường để tiết kiệm diện tích mặt đường, nhất là đối với những con đường nhỏ hẹp


Do nhu cầu phát triển kinh tế hoặc làm đất ở, hiện nay nhiều ao đã bị san lấp nên không còn chỗ chứa nước thải. Đa số người dân sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước cho sinh hoạt nên khối lượng nước thải có xu hướng tăng dần. Từ đó xuất hiện nhu cầu cần làm hệ thống thoát nước thải (HTTNT) chung của các khu dân cư. Mặt khác, xây dựng HTTNT chung cũng là một yêu cầu trong thực hiện tiêu chí môi trường khi xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng HTTNT, điển hình như các xã: Cổ Dũng (Kim Thành), Nhân Quyền (Bình Giang), Đức Chính (Cẩm Giàng)...

Ông Nguyễn Danh Huân, Trưởng thôn Giữa, xã Cổ Dũng (Kim Thành) dẫn chúng tôi vào trong các ngõ xóm. Tất cả các ngõ xóm ở thôn đều có HTTNT  ven đường, được kiên cố hóa bằng bê-tông, có nắp đậy nên người dân có thể phơi rơm, thóc mà không bị trôi xuống rãnh. Ở một số con đường nhỏ, người dân làm rãnh thoát nước ngầm ở vị trí giữa đường để tiết kiệm diện tích. Chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ ở xóm Hồng Phong. Nếu không có những nắp hố ga ở giữa đường thì chúng tôi không biết được ở phía dưới là HTTNT. Ông Nguyễn Danh Phấn, một người dân ở đây cho biết: Trước đây, xóm đã làm HTTNT ven đường. Tuy nhiên, cách làm này có hạn chế là diện tích mặt đường sẽ bị thu hẹp vì phải bố trí 2 bên đường để thoát nước. Sau đó, cả xóm đã bàn bạc, quyết định làm HTTNT đi ngầm dưới đất ở vị trí giữa đường để tận dụng diện tích mặt đường do con đường trong ngõ không được rộng. Cuối năm ngoái, các hộ trong xóm đã đóng góp hàng chục triệu đồng để mua ống nhựa có đường kính khoảng 30 cm làm đường thoát nước và khoảng 10 m lại bố trí một hố ga để nạo vét khi chất thải đầy, tránh ùn tắc. "Làm thế này chúng tôi yên tâm lắm. Nước thải thoát ra ngoài dễ dàng, mùi hôi thối được hạn chế tối đa", ông Phấn nói.

Trong những năm qua, cùng với việc làm đường giao thông nông thôn, người dân xã Cổ Dũng kết hợp kiên cố hóa HTTNT. Chiều rộng HTTNT cũng khác nhau tùy theo điều kiện của mỗi khu dân cư. Hầu hết HTTNT được xây dựng bằng bê-tông, bề mặt có nắp đậy, có bố trí hố ga. Những HTTNT có chiều rộng 30-40 cm đến 50-70 cm. Hiện nay, tất cả các ngõ xóm ở 3 thôn trong xã đều đã kiên cố hóa được HTTNT. Ông Vũ Xuân Trường, cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã cho biết: HTTNT ở các ngõ xóm do người dân tự thiết kế, tự làm, tự đầu tư nguồn vốn. Xây dựng HTTNT giúp việc tiêu thoát nước thải, nước mưa dễ dàng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xã Nhân Quyền (Bình Giang) cũng là một điển hình về xây dựng HTTNT. Hiện nay, tất cả các thôn đều đã kiên cố hóa HTTNT, đa số có nắp đậy bằng bê-tông. Do vậy, mùi thối của nước thải sinh hoạt đã giảm nhiều. Việc xây dựng HTTNT ở đây thực hiện đồng thời với việc làm đường giao thông nông thôn. Các xóm bàn bạc, tự đầu tư làm đường thoát nước. Chiều rộng HTTNT cũng có nhiều kích cỡ khác nhau. Ngoài những xóm làm HTTNT ở 2 bên đường cũng có những xóm làm HTTNT ngầm ở giữa đường. Có khu dân cư còn mua đường ống nhựa làm HTTNT. Sử dụng ống nhựa tuy đắt hơn nhưng khả năng thoát nước tốt và bảo đảm vệ sinh môi trường hơn.

Trước năm 2013, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cũng đã xây dựng HTTNT bằng bê-tông. Tuy nhiên, hệ thống này chưa có nắp đậy nên mùi thối của nước thải đã ảnh hưởng tới người dân. Gần đây, xã đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí để cải tạo lại HTTNT, bố trí các nắp đậy trên mặt. UBND xã hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư với điều kiện các khu dân cư phải làm nắp đậy. Việc làm này được nhân dân đồng tình ủng hộ. Do vậy, từ cuối năm 2013 đến nay, toàn xã đã cải tạo được gần 12 km HTTNT, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn. 

Theo kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011, tỉnh ta lúc đó có 63 xã có HTTNT chung, chiếm 27,5% tổng số xã trong tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta tập trung xây dựng nông thôn mới và xây dựng HTTNT chung là một tiêu chí nhỏ trong tiêu chí về môi trường.  Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 108 xã đã đạt tiêu chí môi trường. Như vậy chắc chắn 108 xã này đã có HTTNT.

Kinh nghiệm từ các xã điển hình cho thấy muốn xây dựng HTTNT hiệu quả cần gắn với việc làm đường giao thông nông thôn. Như vậy, kết hợp 2 công việc cùng lúc sẽ phát huy tác dụng cao. Các địa phương cần xây dựng HTTNT bằng bê-tông, có nắp đậy, có hố ga thì mới bảo đảm khả năng tiêu thoát nước cũng như vệ sinh môi trường. Trong quá trình thực hiện cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Đối với những phần việc cần nguồn vốn nhiều, chính quyền địa phương có thể trích kinh phí hỗ trợ.

MINH ANH