Vịn thơ mà đi

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:11, 31/05/2015

Trong số ngót một nghìn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì có gần 10 nhà văn, nhà thơ có dị tật bẩm sinh từ nhỏ, người thì liệt toàn thân, người thì liệt tay, hoặc liệt chân. Tuy vậy nhờ có năng lực văn chương, họ tự học, tự rèn luyện mà có người trở thành nhà thơ nổi tiếng như Đỗ Trọng Khôi ở Thái Bình. Tài năng, sự uyên bác của anh kém gì người có học vị cao. Lại nữa, nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký, quê Nam Định, nay nghỉ hưu ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), vốn bị liệt từ năm học cấp I thế mà anh học tới đại học, tốt nghiệp về làm giáo viên cấp II ở quê. Hai tay liệt không viết được thì anh viết bằng chân... nghĩa là làm thơ, viết văn bằng chân. Nhà thơ Phùng Quán đã viết một câu thơ nổi tiếng "Vịn câu thơ mà đứng dậy", ứng với nhà thơ như Đỗ Trọng Khôi, Nguyễn Ngọc Ký quả là đúng.

ở Quảng Ngãi mấy chục năm nay có một chàng trai tên là Nguyễn Ngọc Hưng cũng đã "vịn câu thơ mà đứng dậy" như thế. Hưng mồ côi cha từ lúc còn trong bụng mẹ, sinh năm 1960, tại xóm chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Hồi học cấp III, Hưng là học sinh giỏi được tuyển thẳng vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Sau mấy năm học, Hưng tốt nghiệp thủ khoa. Cầm tấm bằng đỏ trên tay, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Hưng đầy mơ ước và kỳ vọng. Thế mà, một buổi sáng đang giảng bài cho các em học sinh THPT thì một căn bệnh quái ác bất ngờ ập đến, các cơ bỗng bị co, trong người sốt cao, chân tay mỏi nhừ, đau buốt. Hưng được đưa đi viện cấp cứu may mà thoát chết. Người mẹ nghèo đau khổ, trong tay có gì bán nấy, kể cả nhà cửa, ruộng vườn để đưa Hưng đi chữa hàng chục nơi cho con mà tiền mất tật mang. Mẹ Hưng vẫn còn mang công mắc nợ rồi phải đi làm thuê cuốc mướn để trả. Lam lũ quá,  một hai năm sau bà kiệt sức ốm đau rồi qua đời.

Tuy mất mát lớn lao, đau khổ bệnh tật, nhưng nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, Nguyễn Ngọc Hưng nỗ lực vươn lên, gom toàn bộ tri thức văn học đã biết, anh tìm đến với thơ và chỉ làm thơ.

Nguyễn Ngọc Ký viết đa thể loại. Còn Hưng chỉ làm thơ thôi, viết gì thì viết, bài thơ đầu tiên là bài thơ viết về mẹ. Thân liệt, chân liệt, đôi tay vẫn còn viết được, phải chăng đây là chút lộc còn lại của trời cho Nguyễn Ngọc Hưng:

"Xưa hai đôi đũa một mâm
Giờ hai đôi đũa con cầm một đôi
Còn một đôi đũa mồ côi
Nghẹn ngào con nuốt cho trôi chén buồn"
Người mồ côi, đũa cũng mồ côi. Câu thơ thương xót thế!

Sau khi mẹ mất, Hưng được vợ chồng anh chị Nguyễn Xuân Anh và Lê Thị Thu là chỗ họ hàng, vừa là hàng xóm đưa anh về nhà mình chăm sóc. Trước cử chỉ này Hưng đã xúc động nói: "Dựa vào bạn bè và vịn vào thơ, tôi đã đứng dậy với đời".

Với hoàn cảnh đơn côi đau khổ, đầy bất hạnh, nhưng thơ Hưng không kêu than bi lụy. Đến nay, Nguyễn Ngọc Hưng đã xuất bản ngót 10 tập thơ, gồm cả thơ tình, thơ viết cho thiếu nhi. Anh đã được nhiều giải thưởng văn học, văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Giáo dục thời đại, Báo Thiếu niên tiền phong, tạp chí Tài hoa trẻ. Riêng năm 2002, anh đoạt giải thưởng thơ quốc tế dành cho người khuyết tật với chủ đề "Một trái tim - Một thế giới".

Năm 2010, Nguyễn Ngọc Hưng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đúng là Nguyễn Ngọc Hưng đã vịn vào câu thơ mà đứng dậy. Chân liệt, thân liệt không đi được thì anh "đi" bằng thơ và còn bay bằng tâm hồn trí tuệ- trên bầu trời thơ riêng và cả nước nói chung: Bệnh tật không cản được đôi cánh thơ của Nguyễn Ngọc Hưng.

LÊ HỒNG THIỆN