Lãi suất tiền đồng tăng theo tỷ giá

Thị trường - Ngày đăng : 14:24, 31/05/2015

Các ngân hàng đang rục rịch điều chỉnh lãi suất trong tuần qua trước áp lực đôla Mỹ mạnh lên.

Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6-36 tháng tại ACB đều được điều chỉnh tăng 0,2% kể từ ngày 25-5. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 6,7% khi khách gửi 36 tháng. Còn các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng lần lượt là 6,2% và 6,5% một năm.

Tương tự, Eximbank mới công bố biểu lãi suất tiền gửi hôm 21-5, tăng nhẹ ở một số kỳ hạn. Lãi suất niêm yết cao nhất của ngân hàng là 6,9% với kỳ hạn 36 tháng. Các mốc thấp hơn là kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng tương ứng 6,7% và 6,6%. Một số ngân hàng khác cũng có động thái nhích nhẹ lãi suất đầu vào.

nhnn-se-co-them-tien-giai-cuu-he-thong1-

Lãi suất tiền gửi đang rục rịch tăng.

Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Đỗ Minh Toàn nhìn nhận, gần đây lãi suất huy động của nhà băng có nhích lên nhẹ, nhưng ông cho biết đây chỉ là động thái để cân đối lại nguồn vốn chứ không có áp lực gì lớn và nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc điều chỉnh tăng lãi suất cho vay.

Trên thực tế, lãi suất đang chịu sức ép do huy động của hệ thống tổ chức tín dụng tăng chậm hơn cho vay. Tính đến 31/3, tổng huy động chỉ đạt 4.557 tỷ đồng tăng 0,98% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động bằng tiền đồng tăng 1,9%, bằng ngoại tệ giảm 4,9%. Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm, cho vay bằng tiền đồng tăng 2,4%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,9%.

Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá đã làm tỷ lệ cho vay trên huy động tăng lên 84%, cao hơn mức 83% tại thời điểm tháng 12-2014. Đáng chú ý là tỷ lệ cho vay trên huy động ngoại tệ là 87%, cao hơn hẳn mức 83,4% cuối năm 2014, nguyên nhân do huy động tiền gửi ngoại tệ giảm 4,94% so với cuối năm 2014.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù lạm phát ổn định (chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng kỳ 2014), thời gian qua đồng USD mạnh lên cũng phần nào ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng. "Vì một số người sẽ có xu hướng rút tiết kiệm để mua USD tích trữ. Do đó, các ngân hàng sẽ phải nâng lãi suất lên để hút nguồn vốn", ông nói.

Tuy nhiên, nếu so sánh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng giữa VND (tầm 6% một năm) và USD (0,75% một năm), mức chênh lệnh đã lên tới hơn 5% mỗi năm. Trong khi đó, nếu đúng theo cam kết của Thống đốc thì tỷ giá chỉ tăng 2% trong năm.

Với chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như hiện nay, có cơ sở để tin rằng, mức mất giá của VND so với USD năm nay sẽ không quá lớn, trường hợp bất khả kháng sẽ không vượt quá 3%. Những ưu thế này khiến việc gửi tiền VND hiện nay và ít nhất là đến cuối năm vẫn là kênh sinh lời tốt với những người có tiền muốn cất giữ.

LỆ CHI (VnExprees)