Chuyện từ..."nàng khói"

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 12:39, 01/06/2015

Tại phòng chờ khám ở bệnh viện nọ, một anh thanh niên vẫn phì phèo nhả khói.


- Chú có nhìn thấy tấm biển kia không nhỉ?- Một phụ nữ ôm con nhỏ chỉ vào biển "Cấm hút thuốc lá"- Cháu nhà tôi đang bị viêm họng...

- Chị tưởng tôi mù chữ à?- Anh ta phản ứng gay gắt- Cháu viêm nhưng tôi không viêm.

   Mọi người lặng đi, không ai muốn nói gì với người thanh niên ấy và anh ta vẫn cứ ung dung nhả khói cho đến khi có bóng áo blu trắng xuất hiện, mới dụi điếu thuốc lá xuống sàn...

    Câu chuyện trên ông bạn tôi kể lại khi đi thăm người nhà nằm ở một bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi về. Ông bảo:

- Những ai còn lưu luyến với "nàng khói" thì cũng nên một lần đến thăm bệnh viện này. Ung thư phổi nhiều lắm, mà người bệnh phần lớn đều có tiền sử hút thuốc lá...

- Thì vì thế mà mới có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá- Tôi góp chuyện- Em không nhầm thì ngày xưa bác cũng hút?

- Hút mạnh ấy chứ! Ngày một bao. Chú cứ trông tay, răng tôi thế nào thì hai lá phổi đi X quang cũng như thế. Cũng tưởng là đời tàn theo khói thuốc, nhưng may sao lại có luật cấm này.

- Thế là thế nào?

- Chả là một lần có khách, mình mới sai thằng cháu ra quán mua thuốc. Cô nhân viên bảo chỉ bán cho ông chứ không bán cho cháu. Thằng bé đã không mua được thuốc lại còn bị bọn bạn "ê -xì", mắt đỏ hoe, ném tiền trả ông...

- Đúng luật rồi. Cấm người dưới 18 tuổi hút và mua, bán thuốc lá mà...

- Mình không biết. Thế là từ ấy, vợ con, bạn bè nhắc nhở cùng với việc thấy sức xuống nhanh nên mình kiên quyết đoạn tuyệt với "nàng khói"!

- Bây giờ thì bác biết luật rồi chứ?

- Sau vụ ấy, mình mới biết cấm từ quảng cáo, tiếp thị thuốc lá... đến những nơi cấm hoàn toàn không được hút thuốc lá như cơ sở y tế, giáo dục (trừ trường đại học, cao đẳng, học viện), cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi dành cho trẻ em, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao... Rồi cấm hút thuốc lá ở nơi làm việc, địa điểm công cộng, phương tiện giao thông...Mới đây, Bộ Y tế còn có văn bản cấm hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang. Hay lắm, nhưng rất tiếc là vẫn còn nhiều người như cái anh thanh niên ở phòng đợi bệnh viện mà mình kể.

- Nhiều bất cập lắm. Chẳng hạn, luật ghi các mức vi phạm luật thì phải nộp tiền tới 2 triệu đồng. Nhưng lại quy định chỉ có cơ quan thanh tra liên ngành về y tế từ trung ương đến địa phương, quản lý thị trường, công an và UBND các cấp mới có quyền bắt phạt. Song việc mua, bán, hút thuốc lá lại có khắp mọi nơi thì "khói bay lên trời", bắt làm sao được? Mà luật đã kém khả thi thì sinh ra nhờn luật, đúng không?

- Thế mới cần xem lại cách vận dụng luật vào thực tế. Phải nghĩ đến lương tâm, trách nhiệm của cá nhân với gia đình và cộng đồng. Một người trong gia đình, trong cộng đồng mắc một bệnh trọng vì thuốc lá cũng là ảnh hưởng đến mọi người. Từ đó, người nghiện tự rút ra cách tự phòng chống là tốt nhất...

- Nhưng phải kết hợp với nhiều biện pháp khác nữa. Hạn chế nguồn cung thuốc lá. Khuyến khích, nêu gương người cai, xử phạt những vụ điển hình, rồi tuyên truyền rộng rãi để răn đe những người vi phạm luật... Làm đồng bộ thế thì Luật Phòng chống tác hại thuốc lá sẽ đi vào cuộc sống, phải không bác?

THẾ NGUYỄN