Hỏi - đáp về lịch sử Đảng bộ tỉnh
Tin tức - Ngày đăng : 23:34, 01/06/2015
Trả lời: Chủ trương ổn định tình hình sau giải phóng:
Ngày 30-10-1954, Hải Dương được hoàn toàn giải phóng, nhân dân phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới với nhiều khó khăn, thử thách đặt ra.
Trước tình hình đó, tháng 11-1954, Tỉnh uỷ Hải Dương họp Hội nghị kiểm điểm công tác tiếp thu vùng mới giải phóng và đề ra một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là: ổn định vùng nông thôn mới giải phóng; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, văn hoá xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang, đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch, giữ gìn an ninh, củng cố hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng.
Xác định hai nhiệm vụ chính trong thời kỳ tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội: đẩy mạnh phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, tiến tới một cao trào hợp tác hoá nông nghiệp mạnh mẽ và vững chắc ở nông thôn; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách nhanh chóng và toàn diện, lấy sản xuất lương thực làm trung tâm, đồng thời phải coi trọng sản xuất cây công nghiệp và phát triển chăn nuôi.
Kết quả bước đầu tỉnh Hải Dương thực hiện phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội giai đoạn 1955-1965:
Giai đoạn 1955 - 1957: Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế; căn bản hoàn thành cải cách ruộng đất; sản xuất nông nghiệp dần được đẩy mạnh; kinh tế quốc doanh đã giữ vai trò lãnh đạo thị trường…
Giai đoạn 1958 - 1960: Tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; phong trào xây dựng hợp tác hoá nông nghiệp cùng với củng cố, phát triển tổ đổi công, kết quả sản xuất nông nghiệp vượt xa mức trước chiến tranh; công nghiệp bước đầu phát huy được vai trò trong nền kinh tế địa phương; các ngành tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và đã phát huy được thế mạnh; sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế có bước phát triển nhanh...
Giai đoạn 1961 - 1965: Đảng bộ lãnh đạo nhân dân hoàn thành thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật; nhiều công trình thuỷ lợi được xây dựng; sự nghiệp giáo dục, y tế có bước phát triển mạnh; Bác Hồ đã về thăm nhiều nơi ở tỉnh trong giai đoạn này, tiêu biểu là xã Nam Chính (Nam Sách).
Hỏi: Quá trình hợp nhất tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên diễn ra như thế nào?
Trả lời: Ngày 5-10-1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 168 - NQ/TW về việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng.
Ngày 26-1-1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Quyết định số 504 - QĐ/TVQH về việc hợp nhất tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, ngày 10-2-1968, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Hải Hưng với 46 ủy viên đã tiến hành họp Hội nghị lần thứ nhất để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị và phân công nhiệm vụ đối với các đồng chí trong cấp ủy.
Từ ngày 25 đến 26-2-1968, HĐND tỉnh Hải Hưng họp phiên đầu tiên với đại biểu của HĐND hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên và bầu ra Ủy ban Hành chính tỉnh Hải Hưng lãnh đạo hoạt động trong toàn tỉnh.
Sau hợp nhất tỉnh Hải Hưng có 20 huyện, 2 thị xã, 407 xã và 5 thị trấn với diện tích tự nhiên 2.526 km2 và dân số là 1.630.000 người. Tương ứng, toàn tỉnh có 20 đảng bộ huyện, 2 đảng bộ thị xã, 1 đảng bộ cơ quan, xí nghiệp và 1.296 chi bộ cơ sở.
Từ ngày 1-3-1968, tỉnh Hải Hưng làm việc theo đơn vị tỉnh mới.
Hỏi: Kết quả Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng?
Trả lời: Ngày 13-1-1981, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị 100 - CT/TW về “Cải cách công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp”. Từ ngày 20 đến 25-1-1981, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị 100. Trong đó, xác định nhiều mặt tồn tại trong quản lý sản xuất nông nghiệp cần khắc phục ngay. Trên tinh thần “Ba mục đích” và “Năm nguyên tắc”, Tỉnh ủy đề ra chủ trương: Các HTX nông nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả tư liệu sản xuất; tổ chức tốt việc quản lý và điều hành lao động... Ngày 13-3-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 22 - NQ/TU về “Thực hiện và hoàn thiện hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp”. Nghị quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp chuyển từ khoán việc sang khoán sản phẩm; từ khoán theo đội sang khoán theo nhóm và người lao động, qua đó tạo điều kiện cho người nông dân có quyền chủ động trong sản xuất, gắn liền với lao động. Để phát huy mặt tích cực, khắc phục thiếu sót, ngày 1-9-1981, Tỉnh ủy tiếp tục ra Chỉ thị số 16-CT/TU về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa việc khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp”, tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt các nội dung của Chỉ thị 100 và đề ra các biện pháp cụ thể.
Sau một năm thực hiện, sức sản xuất được giải phóng, tư liệu sản xuất được sử dụng hiệu quả hơn, kinh tế hộ có kết quả khá tốt, nông nghiệp phát triển. Diện tích sản xuất tăng hơn 6,5%, hệ số sử dụng đất tăng lên 2,1 lần/năm, năng suất lương thực vượt kế hoạch 6,6% (đạt 87,5 vạn tấn).
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy