Nuôi cá sạch cho thu nhập cao

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:34, 04/06/2015

Nuôi cá theo hình thức bán công nghiệp, kết hợp với áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nhiều hộ chăn nuôi tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao.



Kết hợp cho cá ăn cám công nghiệp với cỏ, cơm, mầm mạ... mỗi vụ cá gia đình
anh Phạm Đức Thông tiết kiệm từ 10-15 triệu đồng

Tiết kiệm chi phí

Gia đình anh Phạm Đức Thông ở thôn Kênh Triều, xã Thống Kênh (Gia Lộc) có trang trại đẹp nhất khu và nổi tiếng với phương pháp nuôi cá sạch.

Năm 2001, anh Thông lập nghiệp với hơn 1 ha trang trại để nuôi cá giống, cá thương phẩm và nuôi lợn. Nhờ làm ăn có hiệu quả, đến nay trang trại của anh đã được mở rộng với tổng diện tích trên 2 ha. Cách nuôi cá theo hình thức bán công nghiệp giúp tiết kiệm nhiều chi phí, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, trang trại của anh Thông có 7 ao cá, trong đó có 3 ao nuôi cá thịt, còn lại là ao cá giống. Anh thường nuôi các loại cá cho giá trị kinh tế cao như rô phi, trôi, trắm, mè cùng một ao nuôi. Trong giai đoạn đầu, để tăng trọng lượng của cá, anh vẫn dùng các loại cám công nghiệp. Khi cá đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg/con, anh kết hợp cho cá ăn thêm một số loại thức ăn truyền thống như cỏ, cơm, mầm mạ. Để có nguồn thức ăn thường xuyên cho cá, anh dành 1 mẫu ruộng để cấy giống lúa Q5 lấy thóc và 1 sào ruộng chuyên trồng cỏ. Hằng ngày, ngoài việc cắt cỏ, anh còn nấu 2 nồi cơm to dành riêng cho cá. Anh Thông cho biết: "Khi thả cơm, cỏ sẽ giúp các loại cá như trôi, trắm, mè nhanh lớn, vì có loại cá ăn chìm, có loại cá kiếm ăn  ở tầng nước nông". Theo tính toán của anh Thông, với cách nuôi như vậy, mỗi ngày anh chỉ mất chi phí thức ăn cho cá khoảng hơn 100.000 đồng, giảm 2/3 so với nuôi công nghiệp hoàn toàn. Mỗi vụ cá, anh tiết kiệm được từ 10-15 triệu đồng.

Cho cá ăn cám công nghiệp hoàn toàn, nhưng HTX Thủy sản sạch, chất lượng cao Xuân Nẻo ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) lại áp dụng quy trình, kỹ thuật nuôi rất khắt khe. 35 thành viên HTX có tổng diện tích ao là 53 ha, phần lớn nuôi cá diêu hồng, chép lai và rô phi... HTX đứng ra làm đại lý lấy cám trực tiếp từ công ty, cung cấp phần lớn cám cho các hộ xã viên. HTX yêu cầu bên cung cấp cám ký cam kết không cung ứng các loại cám chứa nhiều hoóc-môn, kháng sinh dư thừa; yêu cầu tất cả các hộ xã viên sử dụng chế phẩm làm sạch môi trường ao, không sử dụng phân tươi, phân gia súc, gia cầm làm thức ăn cho cá. Nếu hộ xã viên nào vi phạm thì tự tìm cách tiêu thụ cá, HTX không có trách nhiệm đứng ra bao tiêu. Tất cả các loại cá sau khi thu mua của xã viên đều được HTX đưa vào quy trình làm sạch cuối cùng. Tại đây, cá được thả vào 3 bể nước sạch khác nhau với tổng thời gian từ 8-10 giờ, mục đích của khâu làm sạch này là để cá vẫy vùng, đào thải độc tố, bùn, bẩn ở dưới ao. Sản phẩm cá của HTX đã được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lãi cao

Chị Nguyễn Thị Nụ ở thôn Kênh Triều nuôi cá từ nhiều năm nay cho biết: "Ngoài việc cho ăn cám công nghiệp, tôi còn cho cá ăn thóc ngâm, gạo nấu và cỏ. Cách làm này cho hiệu quả cao, không mất nhiều công. Với các ao nuôi cá có thể trồng cỏ ở xung quanh để làm nguồn thức ăn thường xuyên cho cá. Với 8 sào ao, mỗi năm trừ chi phí tôi cũng thu lãi từ 60-70 triệu đồng".

Với gia đình anh Phạm Đức Thông, nuôi cá bằng thóc, cỏ đã giúp gia đình anh tiết kiệm được một nửa chi phí. Mỗi vụ anh xuất bán từ 5-6 tấn cá/mẫu ao. Cá khi xuất bán đạt trọng lượng từ 0,7-1 kg đối với cá rô phi, giá bán 37.000-40.000/kg; cá trắm, chép trên 2 kg, giá bán ổn định từ 55.000-57.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng tiền thu từ ao cá, anh Thông  lãi từ 300-400 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Quang Phục, Chủ nhiệm HTX Thủy sản sạch, chất lượng cao Xuân Nẻo cho biết ngoài việc cung cấp thức ăn, chế phẩm chăn nuôi để nâng cao chất lượng cá, HTX còn liên hệ mua cá giống cho các hộ xã viên tại Trung tâm Giống nuôi trồng thủy sản ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng nhằm bảo đảm chất lượng. HTX bao tiêu một phần sản phẩm, vì thế, đầu ra của con cá luôn ổn định, thu nhập của các hộ xã viên đều đạt từ khá trở lên. Năm 2008, HTX bán 30 tấn cá rô phi cho Nhà máy Đông lạnh xuất khẩu Hạ Long (Quảng Ninh) để chế biến xuất sang Đông Âu và được thị trường này đánh giá cao. Tuy nhiên, do giá thành sản phẩm cao, không cạnh tranh được với thị trường các nước khác nên HTX không giữ được hợp đồng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chính của HTX là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... Đặc biệt, năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu hàng hóa cho HTX. Vì vậy, cá do HTX bán ra đều cao hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg so với cá ngoài thị trường. Theo tính toán, 1 ha ao cá cho thu lãi từ 400-450 triệu đồng/năm.

Theo bà Nguyễn Thị Thơm, một người buôn bán cá lâu năm ở chợ thị trấn Gia Lộc, cá nuôi bán công nghiệp hoặc cá nuôi cho ăn các loại thức ăn truyền thống như: ốc, cỏ, cơm... thì thịt cá dai và thơm hơn, bán chạy hơn và giá bán thì luôn cao hơn vài nghìn đồng so với cá nuôi công nghiệp hoàn toàn.

TRẦN HIỀN