Trốn nắng: Nông dân đêm làm ngày nghỉ
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:39, 04/06/2015
Trên những cánh đồng ở thôn Ngọc Chi, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) vào ban ngày vắng đến lạ lùng. Khi đêm xuống, bà con rộn ràng đi thu hoạch lúa.
Nông dân gặt đêm để tránh nắng
Anh Phạm Phú Thao vừa bốc lúa lên xe, vừa tươi cười: Để kịp thời vụ lại tránh nóng, bà con chúng tôi đã chuyển sang thu hoạch lúa đêm, ban đầu là vài nhà sau đó nhiều hộ trong làng cũng làm theo”.
Một giờ đêm, không khí trên cánh đồng Me, đồng Kìm của thôn Ngọc Chi rộn ràng như ngày hội, người người, nhà nhà rủ nhau đi gặt lúa đêm. Dọc các bờ lô, xe thồ, xe kéo, xe ba gác dựng nối đuôi đợi chở lúa về. Bà con tận dụng ánh trăng, ánh sáng đèn pin phát ra từ ắc qui để thu hoạch lúa.
Đi từ 1 giờ sáng, chỉ hơn 2 tiếng, sau những đường cắt nhanh gọn, thửa ruộng của gia đình chị Hương ở đội 1 đã không sót một bông nào, mọi người cùng tập trung ôm lúa lên xe. Để chuẩn bị cho buổi gặt đêm, họ phải nấu cơm từ tối hôm trước, nửa đêm thì dậy ăn và mang theo hoa quả, bánh, nước đi dùng lúc giải lao. Chị Hương ôm từng bó lúa lên xe cho biết: “Ngày mùa tuy có chút vất vả nhưng vui, năm nay chúng tôi càng thêm phấn khởi vì lúa được mùa. Ban đêm gặt thì mát, lại có trăng nhưng chúng tôi vẫn mong thời tiết sớm mát mẻ, ôn hòa để cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con không bị đảo lộn nữa”.
Nếu ban ngày, một hộ gặt được 3 sào lúa thì gặt một đêm cũng trên 2 sào. Họ đi gặt từ 1-2 giờ đêm và ra về lúc 7-8 giờ khi mặt trời đã lên cao. Thời gian còn lại ban ngày, họ dành cho tuốt lúa, phơi khô và ngủ lấy sức.
Hiện nay ở xã Kiến Quốc, người trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động nước ngoài hay đi làm công nhân khá đông, còn lại lao động chính ở địa phương là những người đã quá hoặc chưa đến tuổi lao động.
Gia đình chị Hương có 4 người thì chồng chị đi theo công trình xây dựng trên Điện Biên, cả năm về thăm nhà 1-2 lần, hai con đang học tiểu học, mình chị phải cáng đáng gần 9 sào ruộng, ngoài ra không còn nguồn thu khác. Vụ này, chị phải làm đổi cho hàng xóm để họ đỡ đần khâu chở lúa. Với năng suất 2-2,3 tạ/sào, giá thóc 5.200 đồng/kg, trừ chi phí như cày bừa, thuê máy tuốt, thuốc trừ sâu thì chỉ không phải đi đong gạo cho bữa ăn hằng ngày chứ không có lãi.
Còn gia đình ông Bùi Văn Sáng (đội sản xuất số 5 thôn Cúc Thị) có 3 người con, song tất cả đều đã xây dựng gia đình và đi thoát ly. Đã ngoài 60 tuổi, song hai vợ chồng ông vẫn nhận khoán gần 10 mẫu ruộng ở khu triều trũng cách nhà hơn 2 km. Nỗi lo lớn nhất của ông khi đến kỳ thu hoạch là không tìm được người gặt. Năm nay, ông thuê một nhóm thợ gồm 12 người ở đội sản xuất số 3 (thôn Lũng Qúy) với mức công 150.000 đồng/người/ngày. Thời tiết nắng nóng kéo dài nên hiệu quả công việc chưa cao. Cuối mỗi vụ, hạch toán chi phí, ông chỉ thu lãi vài triệu đồng nhưng vì đã quá tuổi lao động lại còn sức khỏe nên ông quyết tâm gắn bó với cây lúa. Lau vội mồ hôi trên trán, ông trăn trở: “Đến nay, cả xã mới có 2 chiếc máy gặt nên không phục vụ xuể. Nếu được tạo điều kiện mua thêm vài chiếc nữa thì người dân sẽ không lo mất nhiều công lao động, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần”.
PHẠM LƯƠNG THIỆN