Nông dân hưởng lợi nhờ máy gặt

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:57, 14/06/2015

Cơ giới hóa được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.



Máy gặt đập liên hợp gặt lúa trên đồng ruộng xã Quang Trung

Qua mỗi vụ lúa, trên đồng ruộng huyện Tứ Kỳ lại xuất hiện nhiều hơn những chiếc máy gặt đập liên hợp. Cơ giới hóa được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Gặt bằng máy 70% diện tích

"Vụ chiêm xuân năm nay, toàn huyện có khoảng 70% diện tích được gặt bằng máy, số còn lại hầu hết là ruộng trũng máy không vào được nên nông dân phải gặt bằng tay. Cứ đà này chỉ trong vụ tới tỷ lệ ruộng được gặt bằng máy chắc chắn còn tăng", ông Lê Tất Hiệt, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết.

Nếu như vụ chiêm xuân năm 2010, huyện Tứ Kỳ xuất hiện chiếc máy gặt đập liên hợp đầu tiên do các ông Nguyễn Khắc Trần và Lê Văn Dương ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng đầu tư, thì đến vụ chiêm xuân năm nay, bình quân mỗi xã cũng có 1-2 chiếc. Điều đó cho thấy, nông dân đã thực sự thấy được hiệu quả của cơ giới hóa mang lại.

Về xã Tây Kỳ, trên khắp các cánh đồng, đâu đâu cũng xuất hiện máy gặt đập liên hợp đang hoạt động. Cơ giới hóa gần như đã giải phóng cơ bản sức lao động của nông dân nơi đây. Mọi người ai cũng thảnh thơi, vui vẻ.  Ông Nguyễn Duy Bộ ở thôn Nhân Lý cho biết: "Nhà tôi có 7 sào ruộng chuyên cấy lúa và 3 sào ao nuôi cá, trên bờ nuôi 200 con vịt đẻ. Vợ tôi đi làm công ty nên tất cả các công việc đều do mình tôi gánh vác. Trước đây để gặt hết 7 sào lúa tôi phải thuê thêm người làm với giá 200.000 đồng/ngày và gặt liên tục trong một tuần mới xong. Đó là chưa kể đến tiền thuê tuốt lúa 60.000 đồng/sào. Nay có máy gặt đập liên hợp nên chỉ 2 ngày đã xong. Tôi không phải vất vả gì, chỉ việc mang xe máy ra đầu bờ chở thóc về nhà phơi, vẫn có thời gian làm các công việc khác".

Ở những nơi đã thực hiện dồn điền đổi thửa, hiệu quả của máy gặt đập liên hợp càng thấy rõ. Ông Bùi Đình Thụ ở thôn Làng Vực, xã Tứ Xuyên cho hay: "Trước đây đồng ruộng manh mún, lại gặt thủ công nên thu hoạch lúa mất rất nhiều thời gian. Sau khi dồn điền đổi thửa nhà tôi chỉ còn một ruộng duy nhất rộng 1 mẫu. Hôm vừa rồi máy gặt làm việc trong buổi sáng đã xong".

Một năm trước, ông Nguyễn Xuân Định ở thôn Mậu Công, xã Quang Trung không đồng tình với chủ trương dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Nhưng từ vụ lúa chiêm xuân năm nay, khi được sản xuất trên những thửa ruộng rộng lớn với sự hỗ trợ đắc lực của các loại phương tiện máy móc hiện đại, ông Định đã suy nghĩ khác. "Từ 8 thửa ruộng nằm ở nhiều xứ đồng, giờ đây nhà tôi chỉ còn 2 thửa ruộng. Từ việc cày cấy đến chăm sóc, nhất là khâu thu hoạch lúa rất thuận lợi, tiết kiệm chi phí, công lao động và thời gian. Mấy hôm vừa rồi trời nắng như đổ lửa, nếu không có máy gặt đập liên hợp thì e rằng nông dân chúng tôi rất vất vả", ông Định chia sẻ.

Trong vụ chiêm xuân năm nay, chi phí gặt bằng máy ở huyện Tứ Kỳ khoảng 130.000 - 140.000 đồng/sào, nông dân tiết kiệm đáng kể so với gặt thủ công. Ở nhiều xã trong huyện, các chủ máy gặt đập liên hợp còn kiêm cả dịch vụ chuyển thóc từ ruộng về tận nhà. Nếu đăng ký dịch vụ này, nông dân chỉ cần bỏ thêm 10.000 đồng/sào. Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Kỳ cho biết: "Thời gian chuyển giữa vụ đông và vụ mùa rất ngắn. Việc sử dụng rộng rãi máy gặt đập liên hợp giúp địa phương bảo đảm lịch thời vụ, nông dân sẽ chủ động hơn trong sản xuất, nhất là giữa lúc lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đang ngày một giảm".

Không những mang lại lợi ích cho nông dân, máy gặt còn đem lại lợi ích kinh tế cho chính người đầu tư mua nó. Anh Thắng, một chủ máy gặt đập liên hợp ở xã Quang Trung cho hay, tiền công một sào ruộng trừ chi phí mua dầu, khấu hao máy móc vẫn còn lãi khoảng 70.000-80.000 đồng. Nếu tính cả vụ thì số tiền lãi lên tới hàng chục triệu đồng.

Còn nhiều khó khăn

Tiện ích mà chiếc máy gặt đập đem lại đã rõ ràng. Song nhiều nông dân cho rằng, một số loại máy gặt đập liên hợp, nhất là những máy thế hệ cũ vẫn có những "điểm yếu" như gặt sót lúa, rơi vãi nên tổn thất ở khâu thu hoạch còn cao, chiếm khoảng 10%. Hệ thống đồng ruộng và giao thông thủy lợi ở nhiều địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc di chuyển máy gặt cũng như nhiều phương tiện phục vụ sản xuất khác gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, để các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp thì trước mắt các địa phương cần quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất cho phù hợp như quy hoạch vùng sản xuất tập trung "một vùng, một giống, một thời gian", cánh đồng mẫu lớn để tiện đầu tư cơ giới hóa. Những địa phương đã hoàn thành kế hoạch dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng là những nơi máy móc có thể hoạt động hiệu quả nhất.

Sử dụng máy gặt đập liên hợp sẽ kéo theo số rơm rạ dư thừa sau thu hoạch ngày càng tăng. Hầu hết nông dân đã đốt rơm rạ ngay trên đồng sau khi thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường và làm suy thoái đất sản xuất. Việc biến rơm rạ sau khi thu hoạch thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đã được thực hiện nhưng vẫn còn trong phạm vi nhỏ hẹp. Do đó, các cấp, các ngành cần sớm có những giải pháp hữu hiệu để giúp đỡ nông dân xử lý và sử dụng hiệu quả lượng rơm rạ dư thừa...

TIẾN MẠNH