Biện pháp mạnh ngăn chặn ô nhiễm môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 08:53, 14/06/2015
Việc tạm dừng thu hút đầu tư những dự án dễ gây ô nhiễm môi trường là một biện pháp mạnh của UBND tỉnh nhằm loại bỏ nguy cơ ô nhiễm môi trường ngay từ đầu.
Môi trường không khí ở một số xã, thị trấn của huyện Kinh Môn bị ô nhiễm nặng nề
bởi khói bụi từ hoạt động sản xuất xi măng
Ngày 9-2-2015, UBND tỉnh có Quyết định số 423/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư và tạm dừng thu hút đầu tư (THĐT) trên địa bàn tỉnh từ năm 2015. Trong danh mục dự án tạm dừng THĐT gồm các dự án thuộc 8 nhóm lĩnh vực là dệt nhuộm (có sử dụng các hóa chất giặt, tẩy...); sản xuất da (thuộc da, sơ chế da); luyện gang, sắt, thép, đồng, mạ kim loại (công nghệ cũ, không bảo đảm môi trường); sản xuất nhựa tổng hợp, composite (từ nguyên liệu, phế liệu tái chế); sản xuất xi măng, gạch tuynel, vôi (nung vôi), tấm lợp có sử dụng amiăng amfibole; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (sản xuất nguyên liệu chất tẩy rửa, phụ gia cho ngành hóa chất theo phụ lục 3, Nghị định 108/2008/NĐ-CP và Nghị định 26/2011/NĐ-CP); khai thác thô không qua chế biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản; dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên, dự án có quy mô vốn nhỏ lẻ hiệu quả kinh tế - xã hội thấp và dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ONMT).
Nhìn vào các dự án thuộc các lĩnh vực trên có thể thấy rằng một trong những lý do chính để UBND tỉnh quyết định tạm dừng THĐT vì các dự án này thường phát sinh nhiều chất thải độc hại, có nguy cơ cao gây ONMT. Thực tế những năm qua cho thấy nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thuộc những lĩnh vực trên thường gây ONMT và chủ các cơ sở này cố tình không áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường (BVT). Việc tạm dừng THĐT là một biện pháp mạnh của UBND tỉnh nhằm ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ gây ONMT. Quyết định này của UBND tỉnh xuất phát từ thực tế khách quan, được cơ quan chức năng và đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.
Huyện Kinh Môn có rất nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gây ONMT như sản xuất xi măng, vôi, hóa chất, luyện kim, khai thác khoáng sản. Tình trạng ONMT, nhất là ô nhiễm bụi, tiếng ồn có thể dễ dàng cảm nhận được ở các xã, thị trấn như Phú Thứ, Minh Tân, Duy Tân, Hiệp Sơn, Phạm Mệnh... Có những ngày một số khu vực bị khói bụi bao phủ giống như một màn sương. Mỗi khi các doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá vôi hoặc doanh nghiệp xi măng xả bụi thì những "đám mây" bụi lớn lại xuất hiện trên bầu trời. Chỉ cần đi khoảng một giờ đồng hồ trên những con đường vận chuyển đá vôi ở đây thì quần áo đều bị bao phủ một lớp bụi. Không chỉ gây ô nhiễm khói bụi, một số cơ sở luyện kim ở đây còn gây ô nhiễm nguồn nước thải. Hiện nay, nhiều người dân ven sông Kinh Thầy không dám sử dụng nguồn nước sông cho sinh hoạt vì lo sợ ô nhiễm. 3 năm gần đây, tình trạng ONMT đã khiến người dân ở một số địa phương như xã Duy Tân, thị trấn Phú Thứ rất bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kinh Môn, toàn huyện hiện còn 14 cơ sở sản xuất vôi, giảm nhiều so với một số năm trước. Những năm gần đây, huyện cũng không thu hút các dự án sản xuất vôi mới.
Ông Nguyễn Văn Đảo, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kinh Môn cho biết: "Tôi rất đồng tình với danh mục dự án tạm dừng THĐT từ năm 2015 của UBND tỉnh vì rất nhiều dự án thuộc lĩnh vực này đã gây ONMT như sản xuất xi măng, sản xuất vôi. Thời gian tới, môi trường ở huyện Kinh Môn, nhất là khu vực tập trung nhiều cơ sở công nghiệp có khả năng sẽ được cải thiện".
Hai vấn đề cần giải quyết
Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất nhựa tổng hợp từ phế liệu tái chế đã gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Nhà chị Nguyễn Thị Sáu ở phố Hồng Hà, thị trấn Phú Thái (Kim Thành) ở gần một cơ sở tái chế nhựa cho biết: "Trước đây, lắm lúc mùi nhựa khét nồng nặc, nhà tôi phải đóng cửa cả ngày. Sau đó, người dân khu vực này đã có kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết và đến nay tình trạng trên đang được khắc phục. Tuy nhiên, tôi vẫn lo không biết sau này sẽ ra sao. Tôi đề nghị cơ sở tái chế nhựa cần giải quyết triệt để cho dân đỡ khổ". Không chỉ riêng tại thị trấn Phú Thái mà nhiều cơ sở tái chế nhựa ở nơi khác cũng từng sản xuất không bảo đảm môi trường như ở xã Kim Tân (Kim Thành), thị trấn Ninh Giang, Việt Hồng (Thanh Hà), Đoàn Tùng (Thanh Miện), Cẩm Hưng (Cẩm Giàng)... Từ năm 2008 đến 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt 121 cơ sở thuộc danh sách gây ONMT thì có tới 16 cơ sở sản xuất, tái chế nhựa, chiếm 13% tổng số cơ sở gây ONMT. Điều đó chứng tỏ việc THĐT, kiểm soát môi trường ở các cơ sở tái chế nhựa còn nhiều hạn chế. Dễ gây ONMT nhưng nhiều cơ sở tái chế nhựa lại nằm trong khu dân cư, sát nhà dân. Vì vậy, các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất nhựa tổng hợp, composite từ nguyên liệu, phế liệu tái chế phải tạm dừng THĐT.
Hoạt động của một số cơ sở tái chế nhựa, kinh doanh than, vật liệu xây dựng đã ảnh hưởng
xấu tới cuộc sống người dân khu phố Hồng Hà, thị trấn Phú Thái (Kim Thành)
Từ việc tạm dừng THĐT các dự án của 8 nhóm lĩnh vực nêu trên đặt ra hai vấn đề cần giải quyết. Vấn đề thứ nhất là, liệu còn những loại hình lĩnh vực nào có nhiều dự án gây ONMT cần phải tiếp tục xem xét tạm dừng THĐT nữa hay không? Bởi thực tế vẫn còn nhiều dự án dạng này. Cơ quan chức năng cần tiếp tục đánh giá, tổng hợp, đề xuất với UBND tỉnh những dự án có nguy cơ cao gây ONMT để tạm dừng THĐT. Vấn đề thứ hai là với các cơ sở đang sản xuất, kinh doanh thuộc 8 nhóm lĩnh vực tạm dừng THĐT thì cần kiểm soát ONMT thế nào? Để khắc phục ô nhiễm, cơ quan chức năng cần tăng cường chỉ đạo cơ sở này đầu tư công trình, biện pháp BVMT, thực hiện nghiêm báo cáo hoặc kế hoạch BVMT. Nếu cơ sở sản xuất đó tiếp tục gây ô nhiễm kéo dài, vị trí quá gần khu dân cư thì cần phải di dời vào khu hoặc cụm công nghiệp, thậm chí buộc dừng hoạt động.
NINH TUÂN