Thợ đá Dương Nham
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 08:34, 15/06/2015
Trong tiếng máy móc rèn rẹt, ồn ào inh tai nhức óc, tôi tin rằng họ gắn bó với nghề không chỉ vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền"...
Nhìn những giọt mồ hôi hòa lẫn bụi đá thành màu trắng trên khuôn mặt những người thợ đá ở thôn Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn) trong tiếng máy móc rèn rẹt, ồn ào inh tai nhức óc, tôi tin rằng họ gắn bó với nghề không chỉ vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền"...
Những người thợ đá Dương Nham đã giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của cha ông
Tôi ghé thăm một cơ sở sản xuất, chế tác đá của làng nghề Dương Nham vào một buổi chiều hè oi ả. Mặc cái nắng như thiêu như đốt, mặc những giọt mồ hôi tuôn rơi lã chã, những người thợ đá vẫn chăm chú cho từng chi tiết nhỏ. Khoảnh khắc ấy khiến tôi có cảm giác như họ đang tách biệt với cuộc sống ngoài kia, chìm đắm vào thế giới của những tảng đá, của đục, của búa để tập trung sáng tạo. Mỗi người ai cũng bận rộn, người xẻ đá, người đục đẽo, người chạm hoa văn, đánh bóng… Vừa tỉ mỉ chạm khắc đường nét tinh tế của những cánh hoa sen lên phiến đá, anh Phạm Văn Độ (24 tuổi) vừa cho biết: “Tôi gắn bó với nghề đã được 3 năm. Thời gian tuy chưa nhiều nhưng đủ cho tôi tích lũy kinh nghiệm và tình yêu nghề. Với những người thợ như chúng tôi thì đá đã quen thuộc như cơm ăn nước uống hằng ngày”.
Ở một góc khác, anh Nguyễn Văn Ninh (26 tuổi) đang dùng máy xẻ những phiến đá, từng lớp bụi đua nhau bay ra trắng xóa. "Khi mới bước vào nghề, người thợ được học từ những điều giản đơn nhất như cách cầm đục, cầm búa. Nghề này vất vả và chứa đựng nhiều rủi ro. Dù đã đeo khẩu trang, nhưng chúng tôi không tránh khỏi những hạt bụi len lỏi chui vào mũi, vào mồm. Chúng tôi thường phải làm việc ở những tư thế cúi, ngồi nên việc đau nhức xương khớp cũng là chuyện thường”, anh Ninh chia sẻ.
Công việc vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng thu nhập của thợ đá không cao hơn là mấy so với nhiều nghề khác, thường chỉ dao động từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Bởi thế, nếu không say nghề thì họ không thể gắn bó lâu dài. Dù đã làm ra nhiều sản phẩm nhưng mỗi khi ngắm nhìn sản phẩm do mình góp phần hoàn thiện, cảm giác của anh Ninh, anh Độ vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên. Đó là cảm giác hạnh phúc khi thấy qua đôi bàn tay của mình, những phiến đá vô tri đã trở nên sống động, có hồn cốt, thần thái.
Phát triển nghề truyền thống
Duy trì nghề làm đá, những người con của Dương Nham đã trải qua bao khó khăn, vất vả và có biện pháp cải tiến kịp thời để tiếp nối phát triển nghề truyền thống của ông cha. Hiện nay, sản phẩm chủ đạo của làng là hoa sen đá, lư hương dùng trong chùa chiền hoặc con giống thuần Việt để trang trí ở nhà riêng hay cơ quan, công sở.
Nói đến tâm huyết dành cho việc khôi phục và gây dựng lại nghề truyền thống phải kể đến đóng góp của ông Vũ Văn Nghĩa (51 tuổi). Ông Nghĩa lớn lên cùng tiếng búa, tiếng đục của người cha, rồi cứ thế tình yêu với những phiến đá “ngấm” vào máu từ lúc nào. Năm 9 tuổi, ông đã có thể tự mình làm hoàn chỉnh chiếc cối đá giã cua. Những năm 90 của thế kỷ trước, nghề đá đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng với tình yêu bỏng cháy, ông quyết tâm phải sống bằng nghề của ông cha. Khi ấy, không ngại khó khăn, vất vả, ông Nghĩa kéo xe cải tiến hoặc chở các mặt hàng như con giống, cối đá trên chiếc xe đạp cà tàng đi rao bán tận Hải Phòng, Quảng Ninh. Nhiều khi đi cả ngày mà sọt hàng không hề nhẹ bớt. Đã có lần ông định bỏ dở để chuyển sang chăn nuôi, làm đậu nhưng dường như “duyên nghiệp” với đá quá lớn, ông chỉ có thể tìm thấy niềm vui, sự thảnh thơi khi được gắn bó với những phiến đá. Thế là ông tiếp tục cuộc hành trình của mình đến những vùng miền, những làng nghề đá và tìm kiếm nguyên liệu ở nhiều địa phương xa hơn như Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa hay làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước ở tận Đà Nẵng để học hỏi. Trước đây, nguyên liệu thường được lấy ở động Kính Chủ, sau này thợ đá tuyển chọn những khối đá xanh tận Thanh Hóa mới có thể đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Năm 2007, ông Nghĩa đứng ra thành lập Công ty TNHH một thành viên Vũ Nghĩa, doanh nghiệp đang tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên, doanh thu mỗi năm đạt từ 3-4 tỷ đồng, góp phần quảng bá sản phẩm của làng nghề tới nhiều địa phương như Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh…
Bên cạnh việc học hỏi cách làm của các làng nghề khác, những người thợ đá Dương Nham tích cực áp dụng máy móc, kỹ thuật vào chế tác sản phẩm thay cho việc hoàn toàn dùng sức người như trước kia. Cơ sở sản xuất của ông Tô Văn Khỏa tuy nhỏ nhưng cũng chú trọng đầu tư máy móc. Hiện nay, máy móc chiếm từ 70-80% trong quá trình làm ra một sản phẩm, còn lại là công sức thủ công của con người. Nhưng máy móc không thể thay thế con người ở những khâu quan trọng nhất trong việc hoàn thiện sản phẩm như đánh bóng, tỉa, gọt... Dù là sử dụng máy móc hay dụng cụ thô sơ, những người thợ đá đều phải tâm huyết với nghề. Mỗi sản phẩm không chỉ cốt làm cho xong mà còn chứa đựng niềm đam mê, sự yêu thích, phải tỉ mỉ ở từng khâu, biến nó trở nên nổi bật và có hồn cốt. Nếu không dành tâm huyết thì một sai sót nhỏ cũng có thể làm hỏng cả sản phẩm.
Nếu ngày xưa, những người thợ đá Dương Nham sản xuất sản phẩm rồi tự đi chào hàng thì ngày nay những người tâm huyết với nghề đá ở đây đã có cách thu hút khách hàng từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tìm đến. Bí quyết của họ là thường xuyên nắm bắt nhu cầu thị trường, kịp thời xem xu hướng nào
“Không ít người đã ngoài ngũ tuần, nhưng vẫn kiên trì học cách thiết kế bản vẽ trên máy tính, ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc vào quá trình tạo tác sản phẩm”. |
HUYỀN TRANG