Du lịch Hải Dương mời gọi đầu tư

Du lịch - Ngày đăng : 06:08, 16/06/2015

UBND tỉnh đang tạo điều kiện bằng các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư vào dịch vụ du lịch. Đây là cơ hội phát triển cho ngành du lịch tỉnh nhà.



Vùng núi Côn Sơn - Kiếp Bạc thích hợp phát triển du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng


Tạo sản phẩm đặc thù

Mặc dù có nhiều tiềm năng, song từ nhiều năm nay, Hải Dương chưa thu hút được đông đảo khách lưu trú nên nguồn thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là tỉnh ta chưa có các sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn du khách, tạo điểm nhấn cho ngành du lịch.

Để phát huy tối đa thuận lợi về mặt vị trí, tính chất, đặc thù của tài nguyên du lịch, tỉnh Hải Dương đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, ngành du lịch Hải Dương đã phối hợp với các chuyên gia hàng đầu về du lịch của Việt Nam xác định cần xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với thị trường khách hàng tiềm năng mà du lịch Hải Dương chưa có, góp phần tạo bước phát triển đột phá về du lịch.

Thứ nhất, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh - dưỡng sinh tại vùng núi Côn Sơn. Côn Sơn với đặc điểm là khu danh thắng có di tích gắn với tín ngưỡng lễ hội nổi tiếng cấp quốc gia từ lâu đã được biết đến như một vùng tụ “sinh khí” rất tốt cho sức khỏe con người. Nơi đây rất thích hợp để phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh - dưỡng sinh. Vốn có sẵn lượng khách du lịch đông đảo tới tham quan vào hai mùa lễ hội trong năm, khi có thêm khu du lịch nghỉ dưỡng, Côn Sơn sẽ giữ chân du khách lưu trú lâu hơn. Đồng thời, sẽ khai thác được thêm nguồn khách mới ở các tỉnh lân cận, TP Hà Nội và cả thị trường Nhật Bản, ASEAN.

Dự án thứ hai cần được đầu tư là xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt, tạo sự khác biệt của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch đồng bằng sông Hồng - cái nôi của nền văn minh lúa nước Việt Nam nói riêng. Địa điểm đặt khu du lịch sẽ được lựa chọn ở huyện Thanh Hà hoặc Nam Sách vì ở hai địa phương này có nhiều di tích, đặc sản và kiến trúc làng Việt cổ. Ở đây, du khách sẽ được khám phá các giá trị văn hóa làng Việt cổ về cảnh quan, kiến trúc làng; những sinh hoạt truyền thống của người nông dân; những món ăn đậm chất làng quê đồng bằng Bắc Bộ... Đây thực sự sẽ là những trải nghiệm thú vị không chỉ đối với khách du lịch quốc tế mà ngay cả khách nội địa từ các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Phát triển sản phẩm du lịch này, ngoài ý nghĩa như một sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn còn góp phần tích cực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và nâng cao đời sống người dân.

Dự án thứ ba là xây dựng khu du lịch - vui chơi giải trí hiện đại kết hợp truyền thống quy mô vùng. Hiện nay, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân rất lớn, đặc biệt ở các đô thị nhưng Hải Dương vẫn còn thiếu nhiều điểm phục vụ. Việc phát triển sản phẩm du lịch - vui chơi giải trí trước hết để phục vụ nhu cầu của người dân Hải Dương và sẽ góp phần thu hút khách du lịch ở các tỉnh, thành phố lân cận.

Nhiều chính sách ưu đãi

Để thu hút các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có nhu cầu đầu tư vào các chương trình, dự án trên, tỉnh ta có những chính sách khuyến khích ưu đãi như được cung cấp miễn phí thông tin về cơ chế chính sách và các vấn đề có liên quan khi lập dự án đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục hành chính với các cơ quan liên quan. Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá cũng như tạo mối liên hệ với các công ty du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú... trên địa bàn tỉnh.



Làng gốm cổ Chu Đậu là một điểm đến hấp dẫn khách du lịch


Đồng thời, nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập, thuế đất, miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu; ưu đãi về sử dụng đất, về khấu hao tài sản cố định và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm tính ổn định ưu đãi trong suốt thời gian dự án hoạt động. Ngoài ra, các dự án sử dụng lao động của địa phương có nhu cầu đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên của đơn vị, được ngân sách tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho số lao động theo dự án được phê duyệt.

Sau khi có sự điều chỉnh về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, từ năm 2012 đến nay đã có một số đoàn của các công ty du lịch, các địa phương lân cận tới tham quan, khảo sát tiềm năng du lịch tỉnh nhà. Tuy nhiên, các dự án tạo sản phẩm du lịch đặc thù của Hải Dương vẫn chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp. Song song với việc tăng cường quảng bá thu hút khách du lịch, chính quyền và các cơ quan liên quan cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

VIỆT HÒA