Bệnh ho gà xuất hiện trở lại
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:03, 17/06/2015
Hiện số ca mắc bệnh chưa nhiều nhưng cũng không thể lơ là trong công tác phòng chống vì đây là bệnh có khả năng lây lan...
Hầu hết bệnh nhi mắc ho gà đều dưới 4 tháng tuổi
Chủ yếu trẻ dưới 4 tháng mắc bệnh
Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Hải Dương) đang điều trị cho bệnh nhân Vũ An Như Ý 3 tháng tuổi ở xã Lam Sơn (Thanh Miện). Bệnh nhi hiện có các triệu chứng điển hình của bệnh ho gà dù chưa có kết quả xét nghiệm chính thức. Cháu Ý nhập viện từ chiều 5-6 với biểu hiện khi ho môi tím tái, đỏ mặt, thở rít, tăng tiết dịch, đã bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp nhẹ. Sau hơn 1 tuần điều trị, đến nay sức khỏe của cháu Ý đã ổn định hơn.
Bệnh nhi Ngụy Kim Khánh ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) mới được 1 tháng 22 ngày tuổi nhưng cũng phải vào Khoa Truyền nhiễm điều trị hơn 1 tuần với các biểu hiện của bệnh ho gà. Cháu Khánh có những cơn ho kịch phát, tiết dịch nhiều, thở rít khi ho. Sau khi được điều trị tích cực, cháu Khánh đã được xuất viện.
Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, các bệnh nhi được chẩn đoán nghi mắc ho gà hầu hết ở độ tuổi dưới 4 tháng. Bệnh có biểu hiện đặc trưng như cơn ho kéo dài, thở rít, tiết dịch mũi nhiều, tím tái, mệt mỏi. Do biểu hiện ban đầu của ho gà khá giống với các bệnh viêm đường hô hấp nên nhiều phụ huynh bị nhầm và coi nhẹ, tự mua thuốc về cho con uống. Nhiều bệnh nhân nhập viện đã có biểu hiện viêm phổi, suy hô hấp nhẹ. Cá biệt có những ca chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương về đây điều trị dù không có biểu hiện suy hô hấp nhưng bệnh diễn ra dai dẳng. Có bệnh nhi hay bị viêm đường hô hấp nên khi mắc bệnh ho gà thì thời gian điều trị kéo dài tới 1 tháng do đã bội nhiễm viêm phổi. Hiện nay, do không có xét nghiệm tại chỗ nên các ca bệnh ở tỉnh ta chủ yếu phát hiện dựa trên chẩn đoán lâm sàng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xuất hiện 25 ca nghi mắc bệnh ho gà, chủ yếu điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương. Đến nay, đã xác định 5 trường hợp dương tính với ho gà gồm 3 ca ở TP Hải Dương, 1 ca ở huyện Kim Thành và 1 ca ở thị xã Chí Linh.
Cần tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, qua điều tra, hầu hết các bệnh nhi mắc ho gà đều ở độ tuổi dưới 4 tháng nên có những trẻ chưa đến lịch tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi. Có trẻ lớn hơn thì do bị lỡ lịch tiêm chủng, không được tiêm đầy đủ nên khó phòng bệnh.
Hằng năm, tỉnh ta có khoảng 35.000 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 99%. Tuy nhiên, thời gian qua, vắc-xin Quinvaxem "5 trong 1" phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib và vắc-xin dịch vụ "5 trong 1", "6 trong 1" bị gián đoạn nên nhiều trẻ chưa được tiêm phòng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh vẫn xảy ra. Ông Cao Xuân An, Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh-vắc-xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho rằng người dân không nên quá lo lắng. Các trường hợp ho gà hiện nay là rải rác, số ca mắc chưa nhiều và bệnh chưa bùng phát thành dịch.
Các chuyên gia khuyến cáo, cách phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất là cho trẻ đi tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch. Bất cứ ai chưa tiêm đều có khả năng mắc ho gà. Những trẻ đã qua tuổi tiêm mà chưa tiêm thì vẫn có thể tiêm lại để phòng bệnh. Gia đình có thể đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phối hợp "5 trong 1" phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib tại trạm y tế. Trong đó, tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi, mũi 2 khi 3 tháng và mũi 3 khi 4 tháng. Trẻ tiêm thêm mũi thứ 4 nhắc lại khi được 18 tháng tuổi.
Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh này dễ lây lan qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, ôm hôn, khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh. Vì vậy, gia đình cần vệ sinh sạch sẽ mũi họng cho trẻ hằng ngày, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác. Khi thấy trẻ có biểu hiện như cơn ho kéo dài, tăng tiết dịch thì cần phải đưa trẻ đi khám, bắt buộc phải điều trị cách ly tại bệnh viện, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
MINH HẠNH