Vẫn "nóng" nhà trọ công nhân
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:46, 17/06/2015
Nhà trọ đã chật hẹp lại nấu ăn bên trong nên càng nóng bức vào những ngày hè
Để có thể giúp họ nâng cao điều kiện sống, cần sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan chức năng và chính đơn vị sản xuất.
Ít sự lựa chọn
Sau gần 3 năm, chúng tôi quay lại thăm một xóm trọ của công nhân ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương). Vẫn dãy nhà trọ cấp 4 ấy nhưng tường vôi đã bong tróc nhiều hơn, xuất hiện thêm một số đường nứt dọc từ trên xuống. Tại phòng trọ cuối cùng của dãy, chị Nguyễn Thị Hương quê ở Lạng Sơn vẫn bám trụ lại nơi này. "Bọn em còn biết đi đâu hả chị? Chỗ này vừa gần công ty nơi em làm việc, giá cả lại phải chăng", Hương giãi bày. Chấp nhận ở lại đồng nghĩa với việc vào mùa hè chị Hương cùng các bạn chung phòng phải chịu cái nóng hầm hập từ mái nhà lợp bằng phi-brô xi-măng dội xuống. Do tiết kiệm chi phí nên chủ nhà không hề gia cố hệ thống trần chống nóng cho các phòng trọ. Đã thế, dãy phòng trọ hướng tây còn bị nắng chiếu đến tận chiều tối. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, mặc dù đi làm về muộn nhưng công nhân không dám vào nhà. Họ phải múc nước té khắp nền nhà và mặt tường cả bốn phía để giảm nhiệt.
Chị Đặng Thị Dung (quê ở Ninh Giang) đang làm công nhân cho Công ty PNG Việt Nam, chồng chị cũng làm việc tại một công ty tư nhân trên địa bàn TP Hải Dương. Để thuận tiện cho việc đi lại, vợ chồng chị thuê một phòng trọ ở phường Cẩm Thượng. Chị Dung cho biết, phòng trọ chỉ rộng hơn 10 m2 và ở cùng dãy còn có 5 phòng nữa chủ yếu là các cặp vợ chồng thuê. Vì xây đã lâu nên phòng thấp và luôn ẩm ướt. Thấy mọi người thuê lâu dài, không có ý định chuyển đi nên trong vòng hơn 1 năm qua, bà chủ nhà đã 3 lần tăng giá tiền phòng. Tiền điện nước cũng liên tục tăng, hiện 3.500 đồng/kWh điện, 12.000 đồng/m3 nước, cao hơn nhiều so với mức giá quy định. Chị Dung than thở: "Nhiều lần tôi cũng đã định đi tìm chỗ trọ khác nhưng ở đâu cũng thế, hầu hết các nhà trọ đều cũ, xuống cấp. Những nhà tốt hơn thì giá lại đắt, lương công nhân không kham nổi. Tiền điện, nước thì nhà ai cũng lấy theo kiểu dịch vụ như nhau. Mùa nóng này vợ chồng tôi có thêm con nhỏ, định gom góp tiền mua điều hòa nhưng cứ nghĩ đến giá điện cao lại ngần ngại".
Đến một số phòng trọ ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương), chúng tôi cũng gặp cảnh tương tự. Hầu hết nhà trọ của tư nhân đều xây dựng tường 10, mái lợp phi-brô xi-măng hoặc tôn, không có trần chống nóng. Chỉ có số ít nhà trọ được lát nền gạch hoa, nhà vệ sinh khép kín, còn lại phần lớn là nền xi-măng, cả dãy chỉ có một khu vệ sinh chung. Trong một căn phòng rộng chừng 10 m2, mái lợp tôn nóng hầm hập, chị Lê Thị Tình, công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết, giá thuê phòng là 600.000 đồng/tháng. Phòng vừa chật, vừa nóng nên dù muốn chị Tình cũng không dám mua một chiếc tủ nhỏ cất quần áo mà tất cả đều gói ghém để phía cuối giường. Tối đi làm về chị Tình phải ra ngoài quán ăn cơm bình dân chứ không dám nấu nướng ở trong nhà vì sợ nóng.
Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, toàn tỉnh có khoảng 30.000 công nhân lao động (CNLĐ) phải đi ở trọ trong các khu dân cư, chủ yếu ở TP Hải Dương và các địa bàn dân cư xung quanh những khu, cụm công nghiệp có nhiều công ty đã đi vào hoạt động. Nhà trọ do tư nhân xây dựng hầu hết chật hẹp, ẩm thấp và nóng bức. CNLĐ đi thuê nhà phải chịu mức tiền điện, nước theo cách tính dịch vụ của chủ nhà, cao hơn từ 0,5-1 lần so với quy định chung.
Cần giải pháp cụ thể, thiết thực
Theo tổng hợp của LĐLĐ tỉnh, mức thu nhập của CNLĐ trong các doanh nghiệp đạt từ 2,8-4 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này, những CNLĐ nhập cư ngoài trang trải cuộc sống hằng ngày, nếu muốn tích góp một phần gửi về hỗ trợ gia đình hoặc để dành phòng thân thì sẽ không còn tiền thuê những căn nhà với chất lượng tốt. Vì vậy, họ đành phải chấp nhận sống trong những căn nhà kém chất lượng.
Nhà trọ do tư nhân xây dựng phần lớn rất chật hẹp và nóng bức
Trên thực tế, để giúp CNLĐ giảm bớt gánh nặng tiền nhà và yên tâm gắn bó với công việc, một số doanh nghiệp đã xây dựng nhà ở tập thể cho họ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 41 công ty xây dựng nhà ở với khoảng 1.316 phòng cho hơn 7.300 CNLĐ. CNLĐ ở nhà do doanh nghiệp xây dựng được bảo đảm về an ninh trật tự, tiền điện nước phù hợp. Có những doanh nghiệp như Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên (Nam Sách), Công ty TNHH Shints-BVT (TP Hải Dương)... hoàn toàn miễn tiền nhà cho người lao động. Còn lại rất nhiều doanh nghiệp chỉ thu với mức tiền rất thấp để có kinh phí bảo dưỡng khu nhà. Đa phần CNLĐ ở đây đều cho rằng như vậy rất phù hợp và giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.
Tỉnh ta hiện nay đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng một số dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Điển hình là dự án nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp ở phường Ái Quốc đã hoàn thiện một khu nhà với 82 phòng, mỗi phòng rộng từ 40-68 m2 . Tuy nhiên theo đánh giá, chỉ có số ít CNLĐ đủ điều kiện để mua căn hộ nói trên. Căn nhà chỉ phù hợp với một bộ phận nhỏ CNLĐ đã lập gia đình và có nhu cầu ở lâu dài, còn hầu hết công nhân trẻ xa quê vẫn chọn giải pháp đi thuê nhà trong các khu dân cư.
Thời gian qua, Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) đã phối hợp với một số tổ chức, đơn vị và LĐLĐ tỉnh triển khai dự án hỗ trợ nhà ở cho CNLĐ tại thôn Độc Lập (phường Ái Quốc). Các đơn vị đã hỗ trợ tiền để một số gia đình nâng cấp nhà ở, giúp CNLĐ có điều kiện sống tốt hơn.
Từ thực tế trên có thể thấy, để hỗ trợ CNLĐ về nhà ở cần những giải pháp cụ thể, thiết thực. Trước hết là vận động các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người lao động với mức thuê phù hợp. Đây là giải pháp tiện cả đôi đường, vừa giúp CNLĐ có chỗ ở tốt vừa giúp doanh nghiệp ổn định được đội ngũ lao động thâm niên. Cơ quan chức năng cần có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho công nhân thuê hoặc mua theo hình thức trả góp; mở rộng các mối quan hệ quốc tế để kêu gọi tài trợ trong việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân. Tích cực tuyên truyền tới những gia đình cho CNLĐ thuê nhà trọ làm các thủ tục theo quy định để người thuê trọ được hưởng các chế độ ưu đãi về tiền điện nước...
NGỌC THANH