Bất cập về hạ tầng
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 10:35, 18/06/2015
Những năm gần đây, các khu dân cư mới được xây dựng ở khắp nơi trong tỉnh, song cơ sở hạ tầng ở nhiều khu còn bất cập.
Khu dân cư xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh
Toàn tỉnh hiện có trên 500 khu dân cư (KDC), điểm dân cư mới ở các xã, phường, thị trấn được tỉnh cấp phép xây dựng. Ở nhiều xã, các KDC mới được xây dựng bám theo các trục quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã hoặc đường thôn. Các điểm dân cư này có thể chỉ vài trăm m2 đất, cũng có khi 30 hoặc 40 lô đất ở, mỗi lô có mặt tiền rộng từ 4,5 - 5 m...
Việc phát triển KDC, điểm dân cư mới đã góp phần tạo quỹ đất khi dân số khu vực nông thôn tăng lên. Trung bình mỗi xã có từ 1 - 2 KDC mới, giúp cho từ 30 - 50 gia đình có đất ở mới. Các KDC mới được hình thành trên cơ sở đấu thầu các suất đất ở. Nguồn kinh phí sau khi đấu thầu được UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện nộp cho ngân sách tỉnh 10% tổng kinh phí thu được, 20% số kinh phí nộp cho ngân sách huyện, còn 70% để lại cho ngân sách địa phương. Từ nguồn này, nhiều xã, phường, thị trấn đã có vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Trần Xuân Kiều, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng cho biết, tại 19 xã, thị trấn của huyện đã hình thành trên 30 KDC mới quy mô từ 0,5 đến trên 1 ha. Trung bình mỗi KDC có từ 30 đến 40 lô đất ở. Tiêu biểu như KDC, dịch vụ xã Cao An có diện tích 2,4 ha. KDC xã Cẩm Đông rộng hơn 1 ha được chính quyền đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường thoát nước, vỉa hè, đường điện... Khi được UBND tỉnh phê duyệt, xã tổ chức đấu thầu rộng rãi. Hầu hết ngân sách các xã còn khó khăn nên huyện Cẩm Giàng không thu 20% theo quy định mà để lại khoản thu này cho xã đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Các KDC nhỏ lẻ đã cơ bản xử lý được các mảnh đất 03, đất nông nghiệp nằm xen kẹp trong các KDC. Tuy nhiên, những KDC xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ chưa nhiều, chủ yếu các địa phương đấu thầu khi chưa xây dựng hạ tầng hoặc chỉ san lấp mặt bằng qua loa.
Còn nhiều bất cập
Bên cạnh những cái được là tạo quỹ đất ở để dãn dân, địa phương tăng nguồn ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn khang trang hơn thì KDC quy mô nhỏ còn nhiều bất cập.
Theo ông Phạm Viết Nhanh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng), cơ sở hạ tầng ở các KDC này hầu hết thiếu đồng bộ. Trên địa bàn mỗi huyện, thị xã chỉ có một số ít KDC được địa phương bỏ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng điện, thoát nước, giao thông, san lấp mặt bằng. Còn lại có trên 80% số địa phương đấu thầu trực tiếp, sau khi các hộ trúng thầu tự quyên góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, nhiều KDC cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Các công trình ngầm, giao thông dân phải tự làm, đường điện tự kéo, không có sự giám sát chặt chẽ về kỹ thuật, vì thế chất lượng không bảo đảm. Hệ thống nước thải xả tùy tiện ra kênh rạch, sông ngòi, gây ô nhiễm môi trường. Hàng chục điểm dân cư mới ở các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện và Gia Lộc đã bộc lộ rõ sự bất cập về cơ sở hạ tầng. Ở các xã Lê Lợi, Phương Hưng, Phạm Trấn, Gia Tân, Tân Hưng, Gia Xuyên (Gia Lộc), các điểm dân cư mới đều đấu thầu trực tiếp, người dân tự xây dựng cơ sở hạ tầng, nên chất lượng rất thấp.
Ngoài ra, hầu hết các KDC có đất ở hẹp, chỉ có thể xây dựng nhà ống, không có sân vườn, không có diện tích để chăn nuôi, vì thế rất bất tiện cho người làm nông nghiệp. Nếu mở rộng khuôn đất ra khoảng 200 m2 thì người dân không đủ tiền mua. Do diện tích hẹp, quy hoạch manh mún, đầu tư cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Ông Nguyễn Văn Th. ở xã Phạm Trấn và ông Nguyễn Minh H. ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) cho biết, khi xã đấu thầu đất ven đường, mạnh ai nấy làm, ban đầu đường điện không có, nền nhà phải đổ cát cao 2,5 m mới tới mặt đường, nước thải của các gia đình xả trực tiếp ra mương sau nhà. Nhà xây trước, nhà xây sau, hành lang giao thông từ mép đường ra hơn chục mét nên không thể làm vỉa hè... KDC mới các xã Lê Lợi, Gia Tân (Gia Lộc), nhà các hộ dân xây dựng tương đối khang trang, song cơ sở hạ tầng ở đây thiếu đồng bộ.
Một điều bất cập nữa là các địa phương đã quy hoạch cả thùng vũng, ao hồ thành KDC, nên nhiều vùng nông thôn không còn nơi chứa nước, mất hồ điều hòa gây úng ngập vào mùa mưa. Năm 2013, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo xử lý, khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, việc quy hoạch chuyển các khu đất xen kẹp thành KDC, điểm dân cư đã làm cạn kiệt nguồn đất, nếu sau này muốn xây dựng công trình công cộng sẽ không còn. Xu hướng trông chờ, lấy nguồn thu từ đất của các địa phương rõ ràng chỉ là biện pháp trước mắt. UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các địa phương rà soát lại, cần thiết mới cho phép quy hoạch, xây dựng KDC mới ở các vị trí đất xen kẹp, tránh để phát triển tràn lan như hiện nay.
TRẦN TUẤN